(Thethaovanhoa.vn) - Ai cũng có thể thấy đó là một mẫu hình của một tuyển thủ dám ước mơ, dám đi tới tận cùng bằng tất cả niềm tin cùng sự bền bỉ. Đó là khả năng vượt lên thất bại, thử thách và chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất…
Thế nhưng thông điệp mang tên Xuân Vinh đã được nhà vô địch và kỷ lục gia Olympic nói lên một cách giản dị, tự nhiên như chính những buổi tập thường ngày.
1. Trong những câu chuyện của mình, HLV trưởng Nguyễn Thị Nhung luôn trìu mến gọi học trò là “Xuân Vinh của chúng tôi”. Bà bảo, trong suốt 11 năm mình chưa bao giờ phải nhắc Vinh về chuyện giờ giấc, về thời gian luyện tập. Ngược lại từng cả chục lần bà phải lấy quyền của mình để buộc anh phải nghỉ khi thấy học trò bị cảm sốt vẫn cố gắng ra trường bắn cầm súng như thường. Bà Nhung cũng tự nhân mình sướng nhất vì có một tuyển thủ ở đẳng cấp thế giới song chẳng bao giờ phải lo phải quản lý chặt hay những biểu hiện của “sao” gì đó.
Thậm chí, chính xạ thủ quân đội 42 tuổi này còn gián tiếp hỗ trợ đắc lực BHL qua vai trò “noi gương” cho các đàn em, đàn cháu trong đội. Các đồng đội trẻ đều nhìn vào anh Vinh để phấn đấu, còn chính Vinh lại cho rằng họ là động lực cho mình. Với Vinh như một người đội trưởng, đội tuyển bắn súng là một tập thể gần như “chỉ làm không nói”. Nó đã trở thành một nền nếp, một thói quen mà Vinh cùng các đồng đội đã đạt tới mức tự chủ và chuyên nghiệp cao độ, từ việc tiếp nối truyền thống của các lứa đi trước, mà tượng đài Mạnh Tường là một điển hình.
Mỗi ngày 8-9 tiếng, địa điểm tập luyện tại Nhổn vốn đã biệt lập lại càng lặng như tờ, chỉ thi thoảng nghe thấy tiếng thở cùng những tiếng lên đạn lách cách của mấy chục con người đang dồn hết tâm sức cho những lần giương súng nhắm hồng tâm. Và trong đó nổi lên vẫn là cái “bóng” tuy nhỏ bé nhưng đầy sức lan tỏa ra của vị Đại tá đeo kính cận. Quốc Cường, người đồng đội thân sát cánh cùng Vinh tại Rio từng nhận xét: “Tập với Vinh mệt mỏi và căng thẳng lắm”. Vinh miệt mài đến mức khắc khổ, lạnh lùng khi tập luyện song kết thúc những buổi được ví như “hành xác ấy” lại cho thấy một con người khác hẳn, hòa nhã và dí dỏm bên các đồng đội. Công việc mà anh yêu thích nhất trong những lúc ấy chính là vừa nói chuyện nghề nghiệp, vừa chỉnh sửa súng cho các đồng đội.
Ngoài ông Minh, trong số báo này chúng tôi dành “nhiều đất” cho các nhà quản lý, HLV, chuyên gia thể thao đánh giá về bức tranh toàn cảnh của TTVN sau ánh hào quang mang tên Hoàng Xuân Vinh.
2. Trước khi bước lên đỉnh cao Olympic, Xuân Vinh đã trải qua nhiều lần thất bại, hụt bước, thậm chí nhiều trường hợp thuộc loại nặng nề và khó tin. Ví như “hai viên đạn đau nhất đời”, như chính lời Vinh. Thực sự vị Đại tá cũng có thời điểm từng hoang mang và chán nản tới cùng cực. HLV Nguyễn Thị Nhung vẫn nhớ như in ánh mắt cùng câu hỏi của học trò sau lần để cướp cò mất Vàng tại ASIAD 2010: “Liệu em còn bắn được nữa không?”. Rất nhiều người đã rơi vào tình huống “hiểm nghèo” ấy mà không phải ai cũng “thoát”.
Xuân Vinh có thể coi là một trường hợp đặc biệt hiếm, của một người dám đặt ra câu hỏi và quan trọng hơn, có thể trả lời một cách sòng phẳng. Anh đã dám đối mặt để rồi vượt qua thất bại không phải bằng việc hô hào quyết tâm hay đam mê, mà bằng cách tự làm mới mình quyết liệt, tự sửa mình mạnh mẽ, dựa trên một nền tảng vững chắc cùng một bản lĩnh cao cường. Tất cả không chỉ được thể hiện trong cả nghìn ngày khổ luyện, với những bài tập chuyên biệt, thậm chí khác lạ mà còn được ẩn sâu qua một phong thái luôn điềm đạm, tự chủ. Có chứng kiến Vinh đã thi đấu tự tin như thế nào tại ASIAD 2014, rồi thanh thản chấp nhận tình cảnh “tay trắng” không giành nổi tấm huy chương cá nhân nào, mới thấy rõ anh đã vượt lên như thế nào, với một tư thế và đẳng cấp mới. Kết thúc nội dung thi cuối bất thành, thay vì một vẻ sầu nào là một nụ cười tươi. Vinh bắt tay chúc mừng những người chiến thắng, với lời hẹn “tái ngộ” ở Rio hai năm sau.
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa