loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Serena Williams đã thi đấu chuyên nghiệp hơn 20 năm và vẫn đang chinh chiến. Sau chức vô địch Grand Slam đầu tiên năm 1999, cô giành thêm 22 danh hiệu lớn nữa. Nhưng liệu cô em nhà Williams có xứng đáng được coi là tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại.
Theo tin từ Marca, giải quần vợt Mỹ mở rộng 2020 rất có thể sẽ được chuyển địa điểm từ New York sang Indian Wells, California, do đại dịch Covid-19 đang tàn phá Manhattan và các vùng lân cận.
Thật ra, Serena Williams vẫn cần một chức vô địch Grand Slam nữa để cân bằng kỷ lục của huyền thoại Margaret Court. Nhưng ngay cả trong kỷ nguyên Open (từ 1968), cô chưa chắc đã được coi là xuất sắc hơn một đàn chị khác: Steffi Graf.
Có một chi tiết đáng lưu ý: Khi Serena bắt đầu bước ra ánh sáng với chức vô địch US Open 1999, thì Graf vừa mới tuyên bố giải nghệ. Khi ấy huyền thoại người Đức mới 30 tuổi, và vẫn đang xếp thứ 3 thế giới. Cô treo vợt không phải vì phong độ sa sút, hay chấn thương mà do cảm thấy hết động lực và muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Nên nhớ tại Roland Garros 1999, Graf và Andre Agassi - một huyền thoại quần vợt khác - đã chính thức hẹn hò với nhau, và quyết tâm xây dựng một tổ ấm thực sự.
Dù giải nghệ sớm, song Graf vẫn để lại một di sản đồ sộ, và các chuyên gia vẫn cho rằng năng lực trên sân đấu của cô xứng đáng với vị thế của tay vợt vĩ đại nhất mọi thời đại (GOAT).
Golden Slam của Steffi Graf
Graf bước vào làng banh nỉ chuyên nghiệp năm 1982, khi cô mới 13 tuổi. Một tuần trước khi bước sang tuổi 18, Graf đã giành được Grand Slam đầu tiên khi đăng quang ở Roland Garros 1987 (thắng huyền thoại Martina Navratilova ở chung kết). Trong suốt sự nghiệp của mình, Graf đã giành tổng cộng 22 Grand Slam. Điều thuyết phục là ở mỗi Grand Slam, cô đều vô địch ít nhất 4 lần.
1998 là mùa giải đáng nhớ nhất trong sự nghiệp Graf. Cô không chỉ bảo vệ thành công danh hiệu Roland Garros mà còn vô địch nốt cả 3 Grand Slam còn lại. Không những thế, Graf còn giành luôn cả tấm HCV đơn nữ tại Olympic Seoul 1988. Ở tuổi 19, Graf là tay vợt đầu tiên sưu tập trọn bộ Golden Slam, và là người duy nhất trong lịch sử thực hiện được kỳ tích ấy trong cùng một năm.
Để so sánh, Serena đã giành nhiều hơn Graf một Grand Slam, nhưng tại Roland Garros, cô “chỉ” có 3 lần vô địch. Serena cũng giành HCV Olympic tại London 2012, nhưng trong năm ấy, cô chỉ giành được 1 Grand Slam là Wimbledon.
Tay vợt toàn năng hay nhất
Graf đạt được kỳ tích Golden Slam bởi vì cô có khả năng thi đấu xuất sắc trên mọi mặt sân. US Open và Australian Open diễn ra trên mặt sân cứng, Roland Garros đánh trên sân đất nện, còn Wimbledon thì luôn luôn diễn ra trên mặt sân cỏ. Mà mỗi mặt sân thì có tốc độ bóng cũng như độ nảy khác nhau.
Thông thường, các tay vợt có xu hướng tập trung vào một mặt sân sở trường hơn, nhưng Graf xuất sắc trên mọi mặt sân. Huyền thoại Chris Evert từng dành cho bậc hậu bối những lời có cánh rằng: “Steffi Graf là tay vợt toàn năng hay nhất. Martina vô địch nhiều nhất trên mặt sân nhanh, còn tôi chiến thắng nhiều nhất trên mặt sân chậm. Nhưng Steffi thì đã giành rất nhiều danh hiệu trên cả hai mặt sân ấy”.
Chiến tích Golden Slam năm 1988 chỉ là một trong những minh chứng về sự toàn diện của Graf. Với cú đánh thuận tay trứ danh có tên Fraulein Forehand, Graf đã đứng trên ngôi số một thế giới trong 377 tuần, một kỷ lục trong cả giới quần vợt nam lẫn nữ. Trong đó, có 186 tuần liên tiếp. Cô cũng giành tới 107 danh hiệu trong sự nghiệp, nhiều gấp rưỡi Serena (73).
Serena Williams vs Steffi Graf
Serena đã giành 23 Grand Slam, hơn Graf 1 chức vô địch, và vẫn còn có cơ hội nâng cao thành tích của mình. Nhưng dù đã vượt qua kỷ lục của Graf (trong kỷ nguyên Open), chính Serena cũng không dám coi mình là tay vợt vĩ đại nhất. “Tôi bắt đầu cầm vợt không phải vì để trở thành tay vợt vĩ đại nhất. Lý do đơn giản là vì tôi có một cái vợt và một giấc mơ. Mọi người bảo rằng tôi có thể trở thành GOAT, nhưng tôi nghĩ rằng chưa. Những người như Chris Evert, Martina Navratilova và Steffi Graf xứng đáng hơn. Họ đều là những biểu tượng trong lịch sử. Tôi vẫn chỉ là cô gái cầm vợt với giấc mơ của mình. Tôi chỉ đang thi đấu vì điều đó”, tay vợt người Mỹ từng chia sẻ.
Sự khiêm tốn ấy dựa trên nền tảng thực tế, rằng Serena chưa phải tay vợt hay nhất? Đúng là cô đã xô đổ nhiều cột mốc, đã sánh ngang Graf về số tuần liên tiếp trên ngôi số một thế giới, nhưng tổng thời gian thống trị WTA của Serena vẫn “chỉ” là 319 tuần, kém khá nhiều so với Graf.
Còn gì nữa? Graf nổi tiếng về sự nhanh nhẹn, lối chơi kỷ luật, ổn định, và vô cảm. Trái lại, Serena là một trong những tay vợt bị phạt nhiều nhất làng banh nỉ, và cô cũng nổi tiếng vì sự thiếu ổn định của mình.
Serena là một trong những tay vợt vĩ đại nhất, nhưng không phải là người hay nhất. Graf, với sự toàn diện và di sản của mình, rõ ràng được xem là xứng đáng hơn hẳn.
Steffi Graf
Sinh ngày 14/6/1969
Thi đấu chuyên nghiệp: 1982 – 1999
Thuận tay phải, trái tay một tay
Danh hiệu:107 (22 Grand Slam)
HCV Olympic Seoul 1988
Tiền thưởng: 21.895.277
Số 1 thế giới: 377 tuần
Serena Williams
Sinh ngày 25/9/1981
Thi đấu chuyên nghiệp: 1995 – nay
Thuận tay phải, trái tay hai tay
Danh hiệu: 73 (23 Grand Slam)
Tiền thưởng: 92.715.122
Số 1 thế giới: 319 tuần
HCV Olympic: London 2012
|
Phương Chi
loading...