(Thethaovanhoa.vn) - Vượt qua mặc cảm về thể hình gầy gò, “mỏng cơm”, ý chí thép đã giúp tay đua trẻ gốc Đồng Tháp đứng vững trong môi trường thể thao đầy khắc nghiệt như xe đạp.
Sinh năm 1991, Lê Ngọc Sơn đang được giới chuyên môn đánh giá không có đối thủ ở khoản leo đèo trong làng xe đạp Việt Nam hiện nay.
Đã có lúc buông xuôi
Để có được những thành công như ngày hôm nay, Lê Ngọc Sơn đã trải qua không ít những thăng trầm và có lúc tưởng chừng mình sẽ không thể chiến thắng định mệnh. Từng tập luyện các môn đối kháng đòi hỏi thể hình, thể lực như bóng đá, judo... nhưng rồi vóc người khiêm tốn khiến Ngọc Sơn sớm chia tay với nhiều đồng đội cùng trang lứa, Sơn quyết định tìm kiếm cho mình một môn thể thao khác. Ngọc Sơn chia sẻ: “Có cảm giác tôi không có duyên với mấy môn đối kháng, có thể tài năng mình không phát triển được khi chơi các môn này”.
Đang chán nản, tình cờ Ngọc Sơn bén duyên với xe đạp khi nhà ở kế bên Khu tập luyện của đội xe đạp Đồng Tháp. Hằng ngày, Ngọc Sơn thường xuyên chứng kiến những người đàn anh trong đội đi tập luyện và thi đấu. Cứ thế, tình yêu của Ngọc Sơn dành cho “con ngựa sắt” này ngày càng lớn dần. Nó càng lớn hơn khi Sơn chứng kiến các anh trong đội thi đấu và giành những thành tích cao tại các giải lớn trong nước.
Từng nhiều lần ngăn cản niềm đam mê của Sơn với môn thể thao khắc nghiệt này nhưng nhận thấy tình yêu của con mình dành cho xe đạp quá lớn, gia đình Sơn đã đồng ý anh vào ăn tập cùng với đội năng khiếu xe đạp Đồng Tháp.
Anh tâm sự: “Tôi không có được hình thể như các bạn cùng trang lứa nên tập luyện cũng khó khăn gấp bội. Nếu như bạn bè tập thể lực chỉ 3 tháng là được đôn lên đội trẻ thì tôi phải tập nhồi thể lực đến 7 tháng. Nhiều bữa tập nặng, mệt mỏi không thể ăn nổi cơm”. Khó khăn là vậy nhưng Sơn vẫn quyết tâm theo đuổi bộ môn mà anh yêu thích. Ở giải đấu trẻ, chàng trai gốc Đồng Tháp lần lượt giành nhiều danh hiệu và cho thấy mình là một nhân tố rất tiềm năng khi chỉ ở lứa U17, U18.
“Vua leo núi” làng xe đạp Việt Nam
Năm 19 tuổi, Ngọc Sơn được Ban huấn luyện Dược Domesco Đồng Tháp đôn lên đội 1 sau bao năm tháng ròng rã phấn đấu. Tại đây, Lê Ngọc Sơn cho biết mình may mắn học hỏi được rất nhiều điều bổ ích từ các đàn anh: “Khi đó, cựu tay đua của đội Đặng Phước Hòa là người chỉ dẫn cho tôi rất nhiều. Anh Hòa đã hướng dẫn cho tôi từ công việc ăn ở, tập luyện, sinh hoạt đến những chiến thuật thi đấu trên đường đua”, Sơn bộc bạch.
Nhờ nỗ lực tập luyện không biết mệt mỏi, Lê Ngọc Sơn đã tạo nên bất ngờ khi vượt qua các tay đua được đánh giá rất cao như Bùi Minh Thụy, Mai Nguyễn Hưng hay Hồ Văn Phúc để giành giải Áo đỏ dành cho Vua leo núi tại Cúp Truyền hình năm 2011.
Cũng chính từ đây, sự nghiệp của Lê Ngọc Sơn đã “cất cánh” và được giới chuyên môn chú ý nhiều hơn. Sơn được “dân trong nghề” đánh giá rất cao nhờ vào tinh thần thi đấu, sự quyết tâm và khả năng leo đèo trời phú. Không sở hữu thân hình cường tráng và chiều cao lý tưởng, Ngọc Sơn có được sự dẻo dai khó ai bì kịp. Và đây cũng chính là điểm mạnh giúp anh có nước rút khi lên đèo tốt hơn các tay đua khác.
Những tưởng sự nghiệp đang phát triển thì bất ngờ anh gặp một chấn thương nặng tại Cúp Truyền hình 2014. “Khi gần đến đích thì tôi vô tình bị một biển quảng cáo bay va vào. Đang đi với tốc độ cao nên cú ngã mạnh khiến tôi bị dập đốt sống cổ và gãy tay, khi đó tôi gần như bất tỉnh”, Sơn nhớ lại.
Tay đua trẻ của Domesco Đồng Tháp đã lại khẳng định mình không có đối thủ ở những chặng đường đèo. Trong chặng đua sáng 21/11, Ngọc Sơn đã bảo vệ được danh hiệu Áo đỏ của mình.
Anh cho biết, tai nạn xảy ra trong quá trình tập luyện và thi đấu gần như là chuyện cơm bữa. Từ ngày bắt đầu thi đấu đến nay, những lần ngã xe hay chấn thương như thế cũng phải lên đến hơn chục lần. Khó khăn là vậy, nhưng chàng trai có thân hình nhỏ con này vẫn quyết tâm theo đuổi niềm đam mê mà mình đã chọn đến cùng.
Không quá khi nói Lê Ngọc Sơn chính là nhân tố quan trọng nhất của Dược Domesco Đồng Tháp trong việc tranh giành các danh hiệu vô địch đồng đội tại các giải đấu có anh tham gia. Dù vậy, cùng với nụ cười hiền, Lê Ngọc Sơn rất khiêm tốn: “Tôi cứ theo đuổi niềm đam mê này khi đã bước vào. Vì đây dường như là cái duyên rất lớn đã gắn liền mình với xe đạp. Sáng tập luyện cùng với anh em trong đội, ăn trưa xong nghỉ ngơi rồi lại tập. Tối vẫn vậy, cầm xe chạy lòng vòng cùng mấy chú ở trong xóm. Cứ thế, cuộc sống của tôi luôn gắn liền với xe đạp".
Tại giải đua xe đạp Nam Kỳ Khởi Nghĩa 2015 vừa qua, các chặng thi đấu hầu hết đều là những đường dốc có độ cao giúp Ngọc Sơn dễ dàng thể hiện được sở trường của mình. Với phong độ ổn định, Ngọc Sơn không có đối thủ khi đã xuất sắc bảo vệ được danh hiệu Vua leo núi.
Bí quyết là nỗi sợ?!
Điều đáng ngạc nhiên là dù ở địa phương địa hình bằng phẳng thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhưng xe đạp Đồng Tháp lại sản sinh ra toàn “quái kiệt” leo đèo. Nếu Lê Ngọc Sơn không có đối thủ ở giải nam về leo đèo thì ở giải nữ, Đặng Thị Ngọc Huyền là một niềm tự hào khác của đội đua miền Tây. Cả 2 dù sở hữu thể hình thấp bé nhưng khả năng của họ là miễn bàn.
HLV trưởng Trần Văn Quýt của đội xe đạp Dược Domesco Đồng Tháp cho biết: “Tôi cũng không lý giải được vì sao các VĐV Đồng Tháp lại mạnh leo đèo như thế. Có lẽ vì họ sinh ra ở đồng bằng nên nghe tới chuyện leo đèo là sợ. Vì sợ nên chúng tôi phải tập nhiều hơn bình thường nên thể lực tốt hơn nhiều VĐV khác”. |
Bình Minh
Thể thao & Văn hóa