Tại sao không gọi 'Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam' là truyện cổ Nguyễn Đổng Chi?
Ngày 7/5, tại TP.HCM, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM, Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên và NXB Trẻ đã tổ chức Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi.
Cạo trọc đầu để học
Học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi sinh ngày 6/1/1915 tại một vùng quê nghèo tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ông là nhà giáo Nguyễn Hiệt Chi, tác giả Sách mẹo tiếng Nam và Hán văn tân giáo khoa thư nhiều tập giảng dạy cho các cấp học do Nha học chính Đông Pháp xuất bản từ 1928 đến trước 1945, là thành viên nòng cốt của Công ty Liên Thành và trường Dục Thanh (Phan Thiết). Chú ruột của ông là Nguyễn Hàng Chi từng cầm đầu phong trào Duy Tân ở Hà Tĩnh và chống sưu thuế quyết liệt bị Pháp xử chém ngày 13/7/1908.
Bản thân học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi cũng có mặt trong cuộc đấu tranh giành độc lập cho Tổ quốc rất sớm. Năm 1936 ông tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ và sau đó là Mặt trận Việt Minh. Tháng 8/1945, ông tham gia lãnh đạo cướp chính quyền huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Cuối 1946, ông trực tiếp cầm súng đánh Pháp tại phía Nam Hà Nội…
Cuộc đời của học giả Nguyễn Đổng Chi là gương sáng tự học. Theo PGS-TS Trần Hữu Tá (Chủ tịch Hội Nghiên cứu và Giảng dạy Văn học TP.HCM): “Nửa đầu thế kỷ 20, trí thức tân học xuất hiện ngày càng đông từ hai nguồn: nguồn khoa bảng từ trường Cao đẳng Đông Dương và các trường ĐH Pháp như: Dương Quảng Hàm, Cao Xuân Huy, Đặng Thai Mai, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường… Nguồn thứ hai do hoàn cảnh khó khăn, chỉ đến trường một thời gian ngắn, sau đó quyết tâm tự học để khẳng định vị trí cao trong học giới như: Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Trần Huy Liệu, Đào Duy Anh, Trương Tửu…, Nguyễn Đổng Chi thuộc nguồn này”.
Do gia đình nằm trong “sổ đen” của chính quyền thực dân Pháp, thường xuyên bị gây khó dễ, kinh tế khó khăn, nên ông chỉ học hết năm thứ ba bậc trung học một trường tư thục ở Vinh. Tuy nhiên, ông hạ quyết tâm học ở sách vở và trường đời. Ông cạo trọc đầu nhiều năm liền để ở nhà đọc sách. Khoảng năm 1942 khi ra Hà Nội, ông cũng dành nhiều năm đọc sách ở Thư viện Viễn Đông Bác cổ.
Đóng góp ngang hàng Andersen…
Sự nghiệp của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi gắn liền với nghề viết: báo, văn, nghiên cứu văn hóa dân gian…, để lại hàng ngàn chục ngàn trang sách, ông như một “lực điền siêu hạng” về văn hóa dân gian.
Đặc biệt là bộ sách 5 tập Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam được ông sưu tập và viết từ 1958 - 1982, chưa kể khoảng 20 năm trước đó tích lũy tư liệu và nghiễn ngẫm cũng như sau này tái bản bổ sung. Giới học thuật đánh giá bộ truyện này với đóng góp của học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi sánh ngang với công lao của anh em nhà Grimn (Đức), A.N.Afanassiev (Nga), H.C.Andersen (Đan Mạch) và của Pourrat (Pháp).
Nhiều học giả cho rằng, nếu không có học giả - nhà văn Nguyễn Đổng Chi thì có thể sẽ không có Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà người Việt chúng ta đang thừa hưởng hiện nay.
Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam nói là của dân gian, song qua bộ lọc và văn phong của cụ Nguyễn Đổng Chi đã định hình như hiện nay. Có nhà nghiên cứu còn ví von: “Cũng là truyện Thánh Gióng, nhưng người viết có thể cho Thánh Gióng bay về trời sau khi đánh giặc xong, hoặc cho Thánh Gióng ra Hồ Tây tắm. Đóng góp của cụ Nguyễn Đổng Chi là chọn lựa được hình ảnh đẹp, chi tiết hay trong nhiều “dị bản” của dân gian. Tại sao không gọi Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam là truyện cổ Nguyễn Đổng Chi như người Đức gọi "truyện cổ Grimn"?”.
Văn tài Nguyễn Đổng Chi xuất hiện rất sớm, năm 17 tuổi ông đã có 5 đầu sách viết cho thiếu nhi và năm 20 tuổi in tiểu thuyết tâm lý Yêu đời. Năm 22 tuổi, ông in phóng sự Túp lều nát viết về nông thôn Việt Nam một thời, được giới nghiên cứu cho rằng có giá trị ngang với Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Bước đường cùng (Nguyễn Công Hoan), Vấn đề dân cày (của Qua Ninh và Vân Đình bút danh của hai nhà cách mạng Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp).
Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa