(Thethaovanhoa.vn) - Vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động, đặc biệt là nhắn tin hay lướt web, là hành động hết sức nguy hiểm, có thể dẫn đến tai nạn giao thông với hậu quả khôn lường.
Theo thống kê mới nhất, Việt Nam hiện có khoảng 124 triệu thuê bao di động được kích hoạt, trên tổng số khoảng 91 triệu dân. Trung bình, mỗi người dân Việt Nam có khoảng 1,36 thuê bao di động. Hầu hết, nếu không muốn nói là 100%, lái xe ở Việt Nam đều có ít nhất một điện thoại di động và được sử dụng thường xuyên. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có khoảng 28 triệu tài khoản mạng xã hội đã được kích hoạt, trong đó khoảng 24 triệu tài khoản hoạt động trên các thiết bị di động.
Khác với văn hóa sử dụng điện thoại di động ở các nước phát triển, người Việt Nam nhìn chung có nhu cầu sử dụng điện thoại di động khá cao, vào mục đích liên lạc, cập nhật thông tin cũng như giải trí. Điện thoại di động trở thành “vật bất ly thân” với rất nhiều người, và sự chú ý dồn vào thiết bị này càng tăng khi mạng xã hội bùng nổ, đặc biệt là Facebook.
Không nhắn tin khi lái xe là một thói quen tốt, một nét văn hóa khi tham gia giao thông mà bất cứ ai cũng cần phải có.
Vừa lái xe, vừa nhắn tin hay lướt web, vào mạng xã hội đã trở thành thói quen của không ít lái xe, và đây chính là một trong những thói quen “chết người”. Để đảm bảo an toàn giao thông, người lái xe phải tập trung tối đa, quan sát và xử lý các tình huống phát sinh trên đường. Nếu sự tập trung bị phân tán bởi điện thoại di động, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông là rất lớn, nhẹ thì va chạm nhỏ với các xe đi phía trước, nặng có thể gây chết người. Trên thực tế, đã có rất nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng mà lỗi thuộc người lái xe, khi vừa điều khiển phương tiện vừa sử dụng điện thoại di động.
Dưới góc độ khoa học, não của người chỉ có thể xử lý tốt một việc vào một thời điểm nhất định. Việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại di động khiến người lái bị phân tán sự tập trung, dẫn đến không thể làm tốt nhiệm vụ lái xe. Sự nguy hiểm càng tăng nếu vừa lái xe, vừa nhắn tin, do người lái chỉ điều khiển xe bằng một tay, tay còn lại sử dụng điện thoại di động, với sự tập trung dành phần lớn vào thiết bị cầm tay này. Do vậy, việc loại bỏ thói quen vừa nhắn tin hay lướt mạng xã hội vừa lái xe trở thành một yêu cầu cấp thiết nhằm đảm bảo an toàn giao thông tối đa cho người lái xe cũng như những người xung quanh.
Quy định cấm sử dụng điện thoại khi điều khiển ô tô - xe máy tại Việt Nam đã có từ rất lâu nhưng trên thực tế tình trạng vi phạm quy định này còn khá phổ biến. Tại các nước trên thế giới, lái xe rất nghiêm túc tuân thủ quy định không sử dụng điện thoại di động trong khi lái xe. Mức phạt đối với lỗi vi phạm này thường rất nặng, từ phạt tiền, tước giấy phép lái xe có thời hạn đến cả phạt tù. Rất nhiều người đã phải bán xe, chuyển sang di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, chỉ vì trong quá trình lái xe đã vi phạm quy định về cấm sử dụng điện thoại di động.
Vẫn biết, ngoài những thói quen vô bổ như lướt web, vào mạng xã hội thì nhu cầu liên lạc bằng điện thoại là có thực. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc lái xe được phép sử dụng điện thoại di động khi đang vận hành xe trên đường. Khi có nhu cầu liên lạc bằng điện thoại, lái xe cần điều khiển xe vào lề đường, ở khu vực cho phép dừng đỗ, để thực hiện việc liệc lạc.
Một số dòng xe mới có trang bị tính năng giao tiếp với điện thoại di động, giúp người lái sử dụng hệ thống âm thanh trên xe để giao tiếp, giúp việc lái xe trở nên an toàn hơn. Trong trường hợp xe không có tính năng này, người dùng có thể trang bị thêm một thiết bị giao tiếp của bên thứ ba, với chi phí tương đối thấp.
Nhằm cổ vũ cho việc không nhắn tin trong khi lái xe, nhiều đơn vị truyền thông và các hãng xe ở Việt Nam, trong đó có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ford Việt Nam, đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền “Không nhắn tin khi lái xe”. Việc không sử dụng điện thoại, đặc biệt là nhắn tin, khi lái xe là một nét văn hóa cần được tôn trọng, nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho người lái xe và những người khác, qua đó hạn chế được những thiệt hại không cần thiết, góp phần tiết kiệm chi phí trong quá trình tham gia giao thông, sử dụng xe.
Theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hoặc các phương tiện tương tự như ô tô, với mức từ 600.000 - 800.000 đồng; từ 60.000 - 80.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), hoặc các phương tiện tương tự như xe máy; từ 50.000 - 60.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy. |
Đông Hà
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần