A+ A A- Kiểu đọc sách

Roland Garros 2019 khai mạc: Ai cản nổi Nadal?

07:15 26/05/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sự trở lại mặt sân đất nện ở Paris sau 3 năm vắng mặt của Roger Federer chắc chắn không được quan tâm bằng câu hỏi liệu Rafa Nadal có giành được danh hiệu thứ 12 tại Roland Garros hay không.

Đánh bại Nadal, cây vợt đã giành 17 danh hiệu Grand Slam, trên mặt sân đất nện được xem là một trong những thách thức lớn nhất của quần vợt nam và một lần nữa, chẳng có gì ngạc nhiên khi người Tây Ban Nha nằm ở vị trí đầu trong danh sách ứng cử viên tại Roland Garros.

Ai có thể chặn được ông vua sân đất nện?

Năm ngoái, Nadal đã chiến thắng ở Paris để trở thành cây vợt thứ 2 trong lịch sử vô địch một giải Grand Slam tới 11 lần, sau Margaret Court ở giải Australian Open từ năm 1960 đến 1973.

Nếu có điều gì đấy khác biệt, đó là những năm trước, cây vợt 32 tuổi này thống trị các mặt sân đất nện khi tới Paris. Còn năm nay, anh thậm chí không vào đến một trận chung kết nào cho đến thắng lợi vừa qua ở Italian Open.

Hi vọng cho những ai hâm mộ Nadal là anh không để mất một set nào trên đường góp mặt ở chung kết, nơi anh dễ dàng vượt qua Novak Djokovic 6-0 4-6 6-1. Tính ra, đây mới là danh hiệu đầu tiên của ông vua sân đất nện kể từ tháng 8/2018.

"Mọi người muốn có những danh hiệu. Cuối cùng, tôi đã có một danh hiệu," Nadal cho biết sau danh hiệu thứ 81 trong sự nghiệp. "Đối với tôi, điều quan trọng nhất là cảm giác chơi tốt và sung sức, với đủ năng lượng mà tôi cần. Nhờ đó, tôi sẽ nỗ lực để sớm muộn cũng giành được các danh hiệu."

Khỏi cần nói ra, đối thủ lớn nhất của Nadal là Djokovic, cây vợt 32 tuổi người Serbia đang có tham vọng giành trọn 4 danh hiệu Grand Slam liên tiếp lần thứ 2 trong sự nghiệp, sau khi anh đã theo chân huyền thoại người Australia là Rod Laver để trở thành người thứ 2 đạt được thành tích này năm 2016.

So với Nadal, Djokovic tạm có một mùa giải thành công bởi ngoài danh hiệu Australia Open hồi tháng 1, anh vừa vô địch Madrid Open và lọt vào chung kết Italian Open.

Tuy vậy, cây vợt từng 15 lần giành Grand Slam này ngoài việc xếp Nadal ở vị trí ứng cử viên, anh đánh giá rất cao hạt giống số 4 người Áo là Dominic Thiem và hạt giống số 11 người Italy là Fabio Fognini. Lí do là cả hai đều đánh bại Nadal trên đường vô địch Barcelona Open và Monte Carlo Masters ở mùa giải này.

Bên cạnh đó là Stefanos Tsitsipas, cây vợt 20 tuổi người Hy Lạp được xếp hạt giống số 6 đã thắng cả Roger Federer tại Melbourne và Nadal ở Madrid Open.

Xem ra, mục tiêu kéo dài thành tích thống trị tuyệt đối ở Roland Garros sẽ không dễ dàng gì cho Nadal, chưa kể năm nay có sự trở lại của Federer sau 3 năm vắng mặt. Lợi thế cho cây vợt 37 tuổi người Thụy Sĩ là anh không chịu sức ép phải thắng nhưng điều này không có nghĩa Federer dễ dàng từ bỏ cơ hội vô địch giải đấu mà lần cuối cùng và cũng là duy nhất anh chiến thắng vào năm 2009.

Đương nhiên, thành tích lọt vào tứ kết Madrid Open trong tháng này, giải đất nện đầu tiên của anh trong 3 năm qua, sẽ không phản ánh chính xác phong độ của Federer. Quan trọng không kém, có vẻ như cựu số 1 thế giới đã bỏ lại sau lưng chấn thương khiến anh rút khỏi vòng tứ kết Italian Open mới đây, khi buổi tập của anh trên sân Philippe Chatrier diễn ra suôn sẻ.

Chờ đợi Serena và Osaka

Ở tuổi 37, tuổi tác có vẻ đã bắt đầu bộc lộ ở Serena Williams, đặc biệt sau khi cô sinh con. Đành rằng cây vợt người Mỹ đã trở lại ở French Open năm ngoái nhưng sau những thất bại ở chung kết Wimbledon và US Open, cô gặp vấn đề với chấn thương đầu gối.

Chính chấn thương này đã khiến nhà vô địch 23 lần giành Grand Slam buộc phải rút khỏi giải Italian Open, ngay trước trận gặp cô chị Venus. Tính ra, kể từ khi thua Karolina Pliskova ở tứ kết Australian Open hồi tháng 1, Serena chỉ tham dự 3 giải là Indian Wells, Miami, Rome và đều bỏ dở.

Chú thích ảnh
Osaka hay Serena Williams sẽ vô địch?

Thế nên, thay vì nói đến khả năng vô địch, câu hỏi lớn nhất cho Serena là cô liệu có kịp bình phục hoàn toàn để trở lại tại Paris hay không. Trong trường hợp này, cựu số 1 thế giới cũng không thể giữ vị trí ứng cử viên số 1, bên cạnh top 3 của bảng xếp hạng WTA hiện nay là Naomi Osaka của Nhật Bản, Pliskova của Czech và Simona Halep của Romania.

Trong 3 người, Halep đang là đương kim vô địch Roland Garros sau khi đánh bại Sloane Stephens của Mỹ ở trận chung kết. Tuy nhiên, cây vợt người Romania đến Paris chỉ với vỏn vẹn một danh hiệu trong 12 tháng qua và không lọt vào tứ kết của Grand Slam nào kể từ đó đến nay. Vì vậy, rất khó cho Halep nếu muốn bảo vệ danh hiệu, chưa kể lịch sử chỉ có 5 cây vợt nữ làm được điều đó tại French Open là Margaret Court, Chris Evert, Monica Seles, Steffi Graf và Justine Henin.

Thay vào đó, vị trí ứng cử viên số 1 đang thuộc về số 1 thế giới Osaka, cây vợt nữ đầu tiên kể từ Serena năm 2015 vô địch Grand Slam liên tiếp. Mặc dù phong độ trong 4 tháng qua không tốt sau chiến thắng ở Australian Open, việc Osaka vẫn giữ vị trí số 1 thế giới vì các đối thủ đều bỏ lỡ cơ hội vươn lên.

Câu hỏi duy nhất cho cô gái người Nhật Bản là liệu cô có chinh phục được mặt sân đất nện khi chưa một lần qua nổi vòng 3 tại Paris, trong lúc ở 3 giải trên mặt sân này trong năm nay, cô ít nhất cũng chỉ lọt vào đến tứ kết.

Sau Osaka, cơ hội dành cho Pliskova cũng rất lớn. Chẳng gì thì số 2 thế giới cũng đã vô địch ở Brisbane và Rome trong năm 2019, lọt vào tứ kết Australian Open sau khi loại Serena và chỉ chịu dừng bước trước Osaka.

Ngoài ra, cây vợt 27 tuổi người Czech cũng lọt vào chung kết ở Miami (thua Ashleigh Barty), tứ kết ở Indian Wells (thua Belinda Becic). Điểm bất lợi ở Pliskova là cô không chơi tốt trên mặt sân đất nện, nếu không muốn nói đây là mặt sân tệ nhất của cô.

Dĩ nhiên, nói thế không có nghĩa Petra Kvitova, Kiki Bertens, Angelique Kerber, Stephens, Barty, hay Aryna Sabalenka không có cơ hội.

VIDEO: Bàn thắng và highlights Barcelona 1-2 Valencia, Chung kết Cúp Nhà Vua Tây Ban Nha

Mạnh Hào

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...