A+ A A- Kiểu đọc sách

Roland Garros 2017: Nadal và giấc mộng Decima lịch sử

18:47 01/06/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Rafael Nadal vô địch Monte-Carlo Masters thứ 10 trong sự nghiệp vào tháng 4, rồi tiếp tục lên ngôi ở Barcelona ngay tuần sau đó, và đang đứng trước thời khắc lịch sử giành “Decima” nếu tiếp tục chinh phục Roland Garros 2017.

Danh hiệu thứ 10 ở Paris của Nadal, nếu điều đó xảy ra, xứng đáng được coi là kỳ tích thể thao tuyệt vời nhất trong lịch sử môn thể thao này.

Bậc thang thứ 10 lên thiên đường

Trước hết, Roland Garros được coi như Grand Slam khó nhất trong 4 giải. Những huyền thoại Arthur Ashe, Boris Becker, Jimmy Connors, Stefan Edberg, John Newcombe, Pete Sampras đều chưa từng lên ngôi ở đây. Sân đất nện khiến tốc độ bóng chậm, khó đoán hướng, bên trong sân thì thường có gió và việc không có mái che cũng khiến Roland Garros là Grand Slam dễ bị hủy và hoãn vì lý do thời tiết nhất. Hơn nữa, trước khi tới Paris, các tay vợt phải trải qua những hành trình không dễ dàng ở Rome, Madrid, Barcelona liên tục và nếu không đủ thể lực, sức khỏe thì họ khó có thể tiến sâu. Thế mà Nadal đã từng 9 lần lên ngôi ở đây với 7 lần liên tiếp. Một điều không tưởng. Và không chỉ là “vua đất nện”, Nadal vẫn giành đủ các danh hiệu ở những đấu trường sân cỏ, sân cứng khác.

Một điều khác khiến những chiến thắng của Nadal luôn đầy cảm xúc, đó là việc anh thường xuyên đối mặt với chấn thương. Quần vợt là bộ môn thể thao cần sức bền và sự dẻo dai khổng lồ thế nên việc dính chấn thương ở những người như Nadal là chuyện thường tình. Anh làm bạn với những cơn đau đầu gối, chân, cổ tay cả thập kỷ nay và suốt 12 năm qua, chưa khi nào tay vợt người Tây Ban Nha hoàn toàn khỏe mạnh nhưng vẫn đủ khả năng để thâu tóm 9 Roland Garros.

Lịch sử chấn thương của Nadal bắt đầu từ năm 2003 khi anh mới 17 tuổi, phải rút lui khỏi giải Roland Garros đầu tiên trong sự nghiệp vì chấn thương cổ tay. Năm 2004, Nadal bị gãy xương và cũng không thể góp mặt tại Paris. Thời điểm đó chẳng ai có thể nghĩ anh sẽ có một sự nghiệp êm đẹp, chứ đừng nói tới việc trở thành tay vợt số 1 với hàng loạt kỷ lục như những gì đã diễn ra. Nhưng ngay sau đó, Nadal đã có được Roland Garros đầu tiên vào năm 2005.

Roland Garros: Djokovic và Nadal thẳng tiến, Muguruza ngược dòng ngoạn mục

Roland Garros: Djokovic và Nadal thẳng tiến, Muguruza ngược dòng ngoạn mục

Hai ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch là Rafael Nadal và Djokovic đều có những chiến thắng cần thiết để bước tiếp vào vòng 3 Roland Garros 2017. Trong khi đó, đương kim vô địch Garbine Muguruza cũng đi tiếp sau khi trải qua một trận đấu đầy khó khăn.

Thép đã tôi thế đấy

Một điều hay ho khác ở Nadal là anh không bị kỳ vọng đạp đổ như nhiều tay vợt khác. Ngay cả trước Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp, khi còn là một tay vợt tuổi teen, anh đã thắng liên tiếp ở Monte Carlo, Barcelona, Monte Carlo trước đó. Năm 2008, Nadal đánh bại tay vợt số 1 thế giới lúc bấy giờ Roger Federer sau 3 set trắng tại Paris để cân bằng kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch Roland Garros của Bjorn Borg. Đó cũng là thất bại tệ nhất của Federer trong 173 trận Grand Slam trong sự nghiệp ở thời điểm đó, và là trận chung kết Roland Garros ngắn nhất trong lịch sử kể từ năm 1977. Và ngay cả sau trận thua đầu tiên tại giải trước Robin Soderling tại vòng 4 năm 2009 (mà nguyên do bắt nguồn từ chấn thương và cú sốc cha mẹ ly dị), Nadal vẫn trở lại cực kỳ lợi hại với 5 chức vô địch liên tiếp các năm sau đó. Nhưng ngoài thể lực, tâm lý thi đấu cũng là phần quan trọng không kém trong quần vợt. Và tâm lý, bản lĩnh của Nadal thế nào có lẽ không cần bàn nhiều nữa.

Sự thống trị của Nadal trên mặt sân đất nện diễn ra trong giai đoạn quần vợt nam đang rất cam go, quyết liệt. Ban đầu phải kể đến việc anh giành chức vô địch đầu tiên sau khi đánh bại Marino Puerta. Rồi sau đó là cựu số 1 thế giới Lleyton Hewitt, Novak Djokovic, Andy Murray nhưng cuộc đối đầu kinh điển cả thập kỷ với Federer vẫn là nổi bật nhất. Cuộc đối đầu trong chung kết Wimbledon 2008 của họ chiếm gần như một nửa cuốn tự truyện của tay vợt người tây Ban Nha. Chính sự thách thức từ Nadal đã khiến Federer thừa nhận rằng anh cảm thấy được học hỏi, thử sức mình thêm rất nhiều.

Những phẩm chất của Nadal không tự dưng mà có, mà được rèn luyện bởi bản thân anh cùng người chú HLV nghiêm khắc. Ông Toni đã rèn luyện đức tính nhẫn nại, có trách nhiệm với bản thân, kỷ luật thép với người cháu của mình.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...