A+ A A- Kiểu đọc sách

Quần vợt nam thế giới trước mùa giải mới: Vẫn là 'Big Three' và phần còn lại

16:46 21/12/2014
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2014, Novak Djokovic làm bố, giữ vững ngôi số 1 thế giới, Rafael Nadal mổ ruột thừa phải nghỉ thi đấu, Roger Federer hoàn thành bộ sưu tập danh hiệu bằng chức vô địch Davis Cup đầu tiên với đội tuyển Thụy Sĩ. Mùa giải mới, quần vợt nam thế giới có lẽ vẫn xoay quanh những cái tên quen thuộc này.

Thật ra, những điểm nhấn đáng chú ý trong năm 2014 còn bao gồm sự kiện Grand Slam có những cái tên mới là Stanislas Wawrinka (ở Australian Open) và Marin Cillic (ở US Open). Còn mùa giải sang năm, kịch bản ấy liệu có lặp lại?

Djokovic là Vua…

Chỉ còn một tháng nữa, Australian Open sẽ diễn ra. Ứng cử viên số 1 cho ngôi vô địch, đương nhiên vẫn là Djokovic, người từng lập cú hattrick tại đây với 3 lần đăng quang liên tiếp. Nhớ lại hồi năm 2008, khi Nole lần đầu tiên giành danh hiệu Grand Slam tại Melbourne, mẹ của anh, bà Dijana đã tuyên bố “nhà vua đã băng hà” như một cách nói ẩn dụ thách thức Federer – tay vợt số 1 thế giới lúc bấy giờ.

Trong 3 năm từ 2011 tới 2013, Australian Open không đổi chủ, vẫn là Djoker. Người hâm mộ ở đây bắt đầu cho rằng có lẽ giống Federer thống trị Wimbledon, Nadal là vua ở Roland Garros thì Australian Open là thánh địa của Djokovic. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, bây giờ Djokovic là vua của quần vợt. Ba năm là tay vợt số 1 thế giới, 7 danh hiệu Grand Slam với 6 trong số ấy giành được từ năm 2011 tới nay, không ai có thể sánh bằng Nole ở thời điểm này.


Bây giờ Djokovic là vua của quần vợt

Huyền thoại John McEnroe, người giành danh hiệu Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp khi mới 25 tuổi cũng đã dành những lời có cánh cho hậu bối của mình: “Cậu ấy không ngừng thi đấu tốt lên từng ngày. Trong khi ở vào tuổi cậu ấy, tôi đã bắt đầu xuống sức”. Trong năm thi đấu có nhiều biến chuyển đời tư như việc kết hôn, đón con đầu lòng, Djokovic vẫn giữ được thái độ bình thản và càng tỏ ra sung sức hơn.

… Nhưng Federer chưa chồn chân mỏi gối

Hẳn là những người khó tính nhất cũng chẳng muốn thấy cái ngày mà “tàu tốc hành” gác vợt. Anh giữ lại những nét đẹp, hào hoa, lãng mạn nhất của quần vợt nhưng vẫn chuyển nó thành những danh hiệu và chiến thắng. Ở tuổi 33, vị trí số 2 thế giới cho thấy rằng Federer vẫn còn thừa thể lực và khả năng thi đấu lâu dài. Tuy rằng chấn thương lưng kéo dài từ năm 2013 thỉnh thoảng vẫn “ghé thăm” tay vợt người Thụy Sĩ khiến cho anh kém tự tin hơn và có đôi lúc cũng rơi vào vết trượt dài khủng hoảng thế nhưng điều quan trọng là trong bức tranh tổng thể, Federer vẫn tỏa sáng.


Ở tuổi 33, vị trí số 2 thế giới cho thấy rằng Federer vẫn còn thừa thể lực và khả năng thi đấu lâu dài

Federer đã giành 5 chức vô địch trong mùa giải năm nay, vào bán kết ở 3 giải Grand Slam, và chỉ chịu thua Djokovic sau 5 set căng thẳng ở chung kết Wimbledon. Cả thảy, Federer đã có 1 ngàn 221 trận đấu trong suốt sự nghiệp và chỉ 3 lần xin rút lui vì chấn thương. Anh đang tái hiện lại phần nào đó hình ảnh của cựu số 1 thế giới Andre Agassi, người cũng bị những cơn đau lưng hành hạ sau tuổi 30 nhưng vẫn giữ được vị trí trên top đầu.

Nadal rồi sẽ trở lại?

Sau khi giành được chức vô địch Roland Garros lần thứ 9 trong sự nghiệp, phong độ của Nadal bắt đầu đi xuống. Đây là mùa giải thứ 3 liên tiếp mà tay vợt người Tây Ban Nha không thể thi đấu từ đầu tới cuối bởi chấn thương. Anh đã vắng mặt trong những giải đấu trên sân cứng bao gồm cả US Open và ATP World Tour Finals. Trong mùa thu vừa qua, Nadal chỉ chơi vỏn vẹn được 3 giải đấu trước khi hoàn toàn rút lui khỏi mọi mặt trận bởi chứng viêm ruột thừa và ca phẫu thuật sau đó.


Trong mùa thu vừa qua, Nadal chỉ chơi vỏn vẹn được 3 giải đấu trước khi hoàn toàn rút lui khỏi mọi mặt trận

Hồi phục chưa được bao lâu, tháng này Nadal lại phải tiếp tục điều trị tế bào gốc những cơn đau lưng của mình ảnh hưởng từ trận thua Wawrinka tại chung kết Australian Open hồi tháng 1. Khi tay vợt người Tây Ban Nha từng tái xuất quần vợt sau 7 tháng nghỉ thi đấu hồi đầu năm 2013, anh đã thể hiện sức mạnh kinh khủng với những chức vô địch liên tiếp trong đó có 2 danh hiệu Grand Slam và thậm chí còn kết thúc mùa giải với ngôi vị số 1 thế giới. Còn lần này, liệu Nadal có lập được kỳ tích tương tự?

Hy vọng gì vào những gương mặt mới

Sau Juan Martin Del Potro, Wawrinka cũng đã tham gia vào công cuộc phá bỏ ‘lời nguyền’ “Big Four” khi trở thành nhà vô địch Grand Slam tại Melbourne. Sau anh không lâu, tại Flushing Meadows, Cillic cũng lập được kỳ tích tương tự khiến cho bức tranh quần vợt nam 2014 trở nên sống động và hấp dẫn đặc biệt trong cả thập kỷ qua. Bốn nhà vô địch Grand Slam khác nhau tại bốn giải đấu, đấy là điều mà người hâm mộ đặc biệt yêu thích.

Rồi những cái tên như Nishikori, Milos Raonic, Grigor Dimitrov đều mang trong mình những tiềm năng có thể đánh bại những tay vợt lớn để gây bất ngờ, hay thậm chí xa hơn, là vô địch. Họ đều đã bứt phá trên BXH ATP nhờ vào những màn trình diễn thuyết phục trong mùa giải 2014 này. Tay vợt người Croatia Cillic thì xếp thứ 9, Nishikori thậm chí đã lọt vào top 5 khi lần đầu tiên được dự một trận chung kết Grand Slam ở US Open, tài năng người Canada Raonic đứng thứ 8 còn tay vợt người Bulgaria Dimitrov thì xếp thứ 11.

Cả Federer và Djokovic đều cho rằng những cái tên này là làn gió mới thú vị nhưng cũng nguy hiểm cho chính con đường phía trước của họ. “Thế hệ của Nishilori, Raonic, Dimitrov… sẽ thống trị quần vợt sau này. Họ đang chơi ngày một tốt lên ở những giải Masters 1000 hay cả ở Grand Slam”, Federer chia sẻ. Còn Djokovic thì thấy tiềm năng một trong số họ sẽ trở thành tay vợt số 1 thế giới trong một tương lai không xa.

Quần vợt nam cần điều đó. Trong suốt hơn một thập kỷ qua, những cái bóng mà Federer, Nadal và giờ là Djokovic để lại quá lớn. Đôi khi nó nuốt chửng tham vọng, niềm tin của những tay vợt trẻ. 2015 hứa hẹn sẽ là một mùa giải thú vị và chứa đựng những ẩn số bất ngờ. Hãy cùng chờ xem.

Những HLV ngôi sao

Sau “mối tình” của Ivan Lendl và Andy Murray, quần vợt nam thế giới có thêm những cặp HLV – tay vợt ngôi sao khác xuất hiện ngày càng nhiều. 


Andy Murray và Ivan Lendl

Đầu tiên là Boris Becker đã xóa tan mọi hoài nghi về khả năng dẫn dắt của mình sau thành công ông có được với Djokovic. Rồi đến sự hồi xuân của những cú lên lưới bắt vô lê của Roger Federer nhờ vào công lao không nhỏ của Stefan Edberg. Sau đó, Marin Cilic thì giành được danh hiệu Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp khi hợp tác cùng Goran Ivanisevic còn Kei Nishikori thì việc trở thành tay vợt châu Á đầu tiên tham dự ATP World Tour Finals nhờ sự hướng dẫn của cựu tay vợt Michael Chang.

Vấn đề là sang năm 2015, liệu mọi thứ có còn tốt đẹp như những gì đang diễn ra? Lendl và Murray đã “chia tay” từ đầu năm 2014 sau 2 mùa giải thành công của tay vợt người Scotland. Rõ ràng, những cuộc kết hợp như thế này thu hút người hâm mộ nhiều hơn và cũng nâng cao tầm quan trọng hơn của nghề HLV quần vợt, vốn dĩ không được đánh giá cao trước đây

.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...