Quần vợt 2020: Một năm không Grand Slam?
(Thethaovanhoa.vn) - Roger Federer đã chơi tennis trong tuyết với một bức tường trong khi Serena Williams thì tâm sự về sự lo lắng mà cô đang cảm thấy. Đó là một vài những phản ứng đầu tiên từ các tay vợt khi hàng loạt giải đấu bị hủy bỏ vì Covid-19.
Thay vì mục tiêu giành được một danh hiệu Grand Slam thứ 21 (đối với Federer) và 24 (đối với Serena) mùa hè này, giờ đây hai nhà vô địch chỉ còn biết chờ đợi, băn khoăn như tất cả mọi người khác, rằng khi nào quần vợt sẽ trở lại và liệu có kịp trong năm 2020 này hay không.
Một năm không Grand Slam?
Wimbledon bị hủy bỏ. Roland Garros tạm hoãn lại rời lịch thi đấu. Và ngay cả US Open – nơi mà có cơ sở, thiết bị đang được sử dụng như một bệnh viện dã chiến - có thể không thể đáp ứng thời hạn 31/8 tới.
Hãy tưởng tượng nhu cầu vé đặc cách từ đại diện của các tay vợt sẽ thế nào khi sự đình chỉ này được dỡ bỏ. Hãy tưởng tượng niềm vui của tất cả mọi người khi các giải đấu quay trở lại. Và hãy tưởng tượng chúng ta sẽ tận hưởng từng giây phút trong 14 ngày thi đấu Australian Open năm tới. Nhưng tiếc rằng, mọi thứ vẫn còn quá mông lung. Và hiện giờ, tất cả đều phải đối diện với thực tại rằng chúng ta sẽ nhớ rất nhiều điều trong một giai đoạn không có quần vợt.
Sẽ không có mùa giải đất nện châu Âu, không có chuyến đi nào tới Rome, nơi được bao quanh bởi những bức tượng bằng đá cẩm thạch của các vận động viên ở Foro Italico. Và sẽ không có Roland Garros với những buổi chiều ánh mặt trời kéo dài, những tiếng hô độc đáo của người Paris trên các khán đài. Và rồi, ta sẽ nhớ những chiếc quần màu pastel của những người tham gia The Queen’s Club cùng với những cơn gió biển từ Eastbourne.
Sẽ không có những kết thúc đêm khuya đầy kịch tính trên các sân bên ngoài tại Wimbledon. Sẽ không có người cắm trại và không có dòng người xếp hàng. Và vì thế sẽ không có lời nhắc nhở “Trật tự” (Xin đừng chạy, chỉ cần đi bộ!) đối với những khán giả đang muốn tìm tới chỗ ngồi tốt nhất ở Sân đấu trung tâm khi cổng được mở ra.
Thời gian không chờ đợi
Khi sự bình thường dần trở lại, sẽ như thể mọi tay vợt chỉ đang trở lại sau một chấn thương dài hạn đồng thời. Federer, người thực sự đã gặp chấn thương (anh đã phẫu thuật khớp gối vào tháng 2), thường có những khởi đầu tốt: Hãy nhớ anh ấy đã vô địch Australian Open 2017 như thế nào sau 6 tháng nghỉ dưỡng thương. Ở Wimbledon năm sau, nếu còn thi đấu, Federer sẽ tròn 40 tuổi. Và những kì phùng địch thủ của anh cũng vậy, trải qua một mùa hè dai dẳng, thật dài.
Rafael Nadal sẽ tròn 34 tuổi tháng Sáu này, sẽ chỉ có mặt ở một kỳ Wimbledon đánh dấu tuổi 35. Nhưng phía trước anh vẫn còn Roland Garros vào tháng 9 (nếu mọi chuyện diễn ra tốt đẹp) để bảo vệ ngôi vương của mình. Chỉ còn một chức vô địch Grand Slam nữa, tay vợt người Tây Ban Nha sẽ san bằng kỷ lục của Federer.
Và còn có Novak Djokovic, người sắp tròn 33 tuổi với 17 danh hiệu Grand Slam trong tay. Anh vẫn còn nhiều thời gian hơn hai người kia để chinh phục tiếp những kỳ tích mới. Nhưng có lẽ anh sẽ mất đi cái đà giành Grand Slam liên tục ở các giải đấu gần nhất sau mùa hè này.
Thời gian bị gián đoạn càng lâu, mọi người sẽ càng cảm thấy mình chỉ như trong cùng một tiền tuyến với Andy Murray, người mới chỉ thi đấu 16 giải đánh đơn kể từ Wimbledon 2017. Sau vài năm ngụp lặn trong chấn thương và sự sa sút, Murray những tưởng sẽ có cơ hội tìm lại bản thân, đầu tiên là ở Miami này nhưng mọi thứ cuối cùng lại xáo trộn. Tay vợt người Scotland đã gặp biến chứng từ ca phẫu thuật tái tạo xương hông.
Về phần Serena Williams, cô không cần phải cảm thấy bất kỳ áp lực nào khi đã nắm trong tay 23 danh hiệu Grand Slam và vẫn thi đấu ở tuổi 38. Nhưng với tính cách của Serena, hẳn cô vẫn còn muốn san bằng kỷ lục mọi thời đại của huyền thoại Margaret Court. Trong một video dài một phút trên Tik Tok, Serena thừa nhận rằng đại dịch đã khiến cô căng thẳng và lo lắng, cũng như nóng tính với con gái vì ho. Cô cũng đã chia sẻ về việc muốn sinh thêm con.
Đại dịch khiến cho mọi thứ trở nên thật vô nghĩa và ngay cả những vận động viên hàng đầu cũng không ngoại lệ với cảm giác lo lắng, bồn chồn. Nhìn thời gian cứ thế trôi đi và ta không được làm những việc bình thường vẫn làm quả là điều không hề dễ dàng. Không chỉ quần vợt, bóng đá và nhiều bộ môn thể thao khác cũng chung số phận. Loài người giờ chỉ còn biết chờ đợi vào khoa học mà thôi.
Wimbledon nhận đến 114 triệu bảng tiền bồi thường vì bị hủy All England Club đã mua bảo hiểm sau đại dịch SARS 2003 bùng phát. Theo điều khoản hợp đồng, họ phải trả 1,6 triệu bảng mỗi năm. Khoản bồi thường bảo hiểm này sẽ giúp bù đắp khoản doanh thu 250 triệu bảng đáng lẽ sẽ vào túi họ như hàng năm. Với việc đại dịch Covid-19 đang hoành hành khắp châu Âu và Vương Quốc Anh là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, thì việc tổ chức Wimbledon vào tháng Sáu là điều không thể. Các lãnh đạo của giải đấu đã phải đưa ra một quyết định không hề dễ dàng. Trước đó Roland Garros cũng đã rời lịch đấu sang tháng Chín, chỉ một tuần sau US Open kết thúc. Tất nhiên đó là trong trường hợp tới lúc đó Âu Mỹ đã khống chế hoàn toàn được đại dịch. Giám đốc điều hành sắp mãn nhiệm Richard Lewis đã cảnh báo rằng, mặc dù có chính sách bảo hiểm tốt, Wimbledon sẽ vẫn chịu tổn thất không nhỏ từ việc bị hoãn hủy. "Bảo hiểm sẽ giúp bảo vệ thặng dư ở một mức độ nào đó, thậm chí là một khoản lớn", ông nói. “Tất nhiên chúng tôi may mắn có bảo hiểm và nó giúp được phần nào, nhưng nó không giải quyết được tất cả các vấn đề. Các chi tiết và con số cụ thể sẽ cần vài tháng để được đưa ra chính thức”. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến thứ hai, giải đấu Grand Slam trên mặt sân cỏ này không thể diễn ra như dự kiến. Số liệu từ năm 2018 cho thấy giải đấu có doanh thu hàng năm là 254,8 triệu bảng. Dù số tiền được bảo hiểm là khá lớn, việc hủy bỏ giải đấu rõ ràng là một cú đánh tài chính không nhỏ đối với các nhà tổ chức. |
Yến Nhi