(Thethaovanhoa.vn) - Chỉ còn khoảng 8 tháng cho các cuộc thi đấu tìm kiếm tấm vé chính thức dự Olympic 2016, song đến thời điểm hiện tại Thể thao Việt Nam (TTVN) mới chỉ có 3 cái tên nằm trong danh sách tới Brazil vào năm tới là Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Hoàng Xuân Vinh, Trần Quốc Cường (bắn súng) .
Một thực tế không thể phủ nhận là có khá nhiều khó khăn và những diễn biến nằm ngoài tính toán của giới chuyên môn đã xuất hiện trong các cuộc thi đấu của các tuyển thủ Việt Nam ở vòng loại Olympic và điều này đang đem đến ít nhiều lo lắng.
Trong số báo này, Thể thao & Văn hóa Cuối tuần xin gửi đến độc giả cuộc trò chuyện cùng với ông Trần Đức Phấn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT xung quanh công tác chuẩn bị, cũng như dự báo về khả năng hoàn thành mục tiêu có trên 15 VĐV giành quyền dự Olympic 2016 của TTVN.
Nỗi ám ảnh chấn thương
Việc 2 gương mặt từng giành suất dự Olympic 2012 ở môn thể dục là Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng không thành công trong việc giành vé đến Brazil vào năm 2016 từ giải VĐTG, có nằm trong dự báo của những người làm chuyên môn?
+ Một trong những lý do khiến Hà Thanh và Phước Hưng thi đấu không thành công và chưa giành được vé dự Olympic 2016 từ giải VĐTG vừa qua là do chấn thương và chúng tôi cũng đã dự báo được phần nào kết quả này.
Bởi sau SEA Games 28, ngoài yếu tố tuổi tác, Hà Thanh vẫn chưa hoàn toàn bình phục chấn thương và việc không thể điều trị dứt điểm đã ảnh hưởng tới phong độ thi đấu. Riêng ở môn thể dục, trình trạng chấn thương (không chỉ của riêng Hà Thanh) là điều chúng tôi thực sự lo ngại vì ngoài áp lực tập luyện, điều kiện, trang thiết bị cơ sở vật chất cũng còn những hạn chế nhất định.
Có một thực tế là nhiều gương mặt được coi là hy vọng lớn của TTVN trong chiến dịch chuẩn bị giành vé, cũng như thi đấu ở Olympic 2016 như Phan Thị Hà Thanh (thể dục), Thạch Kim Tuấn (cử tạ) đều đang đối diện với chấn thương hoặc chấn thương chưa hoàn toàn bình phục. Vì sao tình trạng này lại kéo dài quá lâu và Tổng cục TDTT sẽ xử lý như thế nào?
+ Đúng là một số VĐV được đặt nhiều hi vọng và đã có thành tích ở đấu trường thế giới của TTVN hiện nay đang đối mặt với chấn thương. Trong một năm, số VĐV này thường phải thi đấu rất nhiều các cuộc thi đấu và không thể dừng việc thi đấu hoặc tập luyện trong một khoảng thời gian quá dài để chữa trị dứt điểm.
Ông Trần Đức Phấn thừa nhận TTVN gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị cho Olympic Rio 2016
Trường hợp của Thạch Kim Tuấn là một ví dụ. Thạch Kim Tuấn bị một chấn thương ở đầu gối và hiện tại vẫn đang được điều trị kết hợp trong quá trình tập luyện. Hà Thanh cũng như vậy, vừa phải tập luyện song song cùng quá trình điều trị chấn thương. Tới đây, Thạch Kim Tuấn sẽ dự giải VĐTG và theo đánh giá của BH, lực sỹ này có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu về chuyên môn.
Tuy nhiên, rõ ràng, nguy cơ bị chấn thương luôn đe dọa số VĐV này ở bất cứ thời điểm nào và chúng tôi luôn đề nghị BHL phải bám sát nhiệm vụ để tránh những chấn thương đáng tiếc xảy ra.
Tăng cường tập huấn nước ngoài
Việc Nguyễn Thị Huyền môn điền kinh đang đứng trước nguy cơ mất suất dự Olympic dù đã đạt chuẩn do thành tích không được cải thiện, thậm chí là sa sút phong độ bắt nguồn từ những trục trặc trong công tác huấn luyện và quản lý VĐV từ sau SEA Games 28, Tổng cục TDTT đã xử lý thế nào để tránh tình trạng tương tự xuất hiện?
+ Nguyễn Thị Huyền là VĐV đã đạt chuẩn dự Olympic ở môn điền kinh sau SEA Games 28 ở nội dung 400m và 400m rào nữ, tuy nhiên, theo cách tính của Liên đoàn Điền kinh quốc tế, để được có mặt tại Brazil vào năm tới thì việc đạt chuẩn mới chỉ là điều kiện cần và danh sách các VĐV dự Olympic sẽ được lấy từ cao xuống thấp. Thành tích của Nguyễn Thị Huyền ở SEA Games đã nằm ngoài tốp 48 VĐV được dự Olympic và nếu muốn được tới Brazil, Nguyễn Thị Huyền cần phải tiếp tục cải thiện, nâng cao thành tích. Hiện tại, Tổng cục TDTT cũng đã lên phương án tập huấn cho Nguyễn Thị Huyền và tính toán phong độ để tham dự một giải quốc tế nữa với hi vọng sẽ giành được vé.
SEA Games 28 khép lại với những thành công rất ấn tượng của những môn thể thao Olympic, xong ngay sau đó, TTVN lại đối mặt với nhiều lo lắng trong quá trình chuẩn bị cho các cuộc thi đấu giành vé tới Brazil, hiện tại, Tổng cục TDTT đang có những giải pháp thế nào cho những bài toán này?
+ Hiện tại, nhóm VĐV được đầu tư trọng điểm vẫn đang được chuẩn bị hết sức tích cực để hoàn thành nhiệm vụ ở các cuộc thi đấu tại vòng loại Olympic. Một trong những giải pháp hiện nay là tăng cường cho các tuyển thủ này được tập huấn tại nước ngoài. Việc được tập luyện trong một môi trường đảm bảo về thời tiết, khí hậu, trang thiết bị dụng cụ, cũng như các vấn đề dinh dưỡng sẽ giúp các VĐV nâng cao và cải thiện thành tích.
Từ nay cho đến cuối năm 2015, hầu hết các cuộc thi đấu vòng loại Olympic sẽ không diễn ra và đây là quãng thời gian để chúng ta rà soát, cũng như chuẩn bị cho các kế hoạch tập huấn nước ngoài của những đội tuyển đã được xây dựng trước.
Từng là dân bóng đá, nên ông Trần Đức Phấn có sự hiểu biết khá sâu sắc về thực trạng “thể thao vua” nước nhà. Dù bận nhưng ông vẫn có cuộc trao đổi khá cởi mở với TT&VH, xung quanh những vấn đề nhức nhối của bóng đá Việt Nam.
Trên 15 suất chính thức và phấn đấu có huy chương Olympic 2016
Quá trình chuẩn bị cho vòng loại Olympic 2016 của TTVN đã và đang diễn ra như thế nào ở thời điểm này khi thời gian không còn nhiều và liệu mục tiêu có từ 16 đến 23 VĐV giành vé tới Brazil có thực sự khả thi? Hi vọng nằm ở những môn thể thao nào ngoài điền kinh, bắn súng, bơi lội và cử tạ?
+ Trong kế hoạch của Tổng cục TDTT đã xây dựng, TTVN sẽ có trên 15 VĐV ở 11 đến 13 môn thể thao sẽ giành suất chính thức dự Olympic. Và đánh giá đến thời điểm hiện tại, không thể phủ nhận là có khá nhiều khó khăn vì nhiều lý do khác nhau. Về lực lượng, số VĐV có thành tích ổn định đã từng dự Olympic 2012 thì tuổi đời đã lớn, còn lực lượng kế cận thì thành tích vẫn chưa cao.
Hà Thanh chưa thể giành vé dự Olympic Rio 2016. Ảnh: Quang Thắng
Bên cạnh đó, TTVN không có đủ lực lượng đồng đều để tham dự những môn đồng đội mà chỉ có thể cạnh tranh ở những môn cá nhân nên số lượng VĐV giành vé cũng hạn chế. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang nỗ lực hết sức để đoàn TTVN hoàn thành mục tiêu về số lượng VĐV giành quyền dự Olympic.
Từ những khó khăn thực tế này, liệu hi vọng TTVN sẽ giành được huy chương ở Olympic 2016 có thành hiện thực hay không?
+ Mục tiêu phấn đấu có huy chương ở Olympic 2016 đã được đặt ra với đoàn TTVN. Tuy nhiên, phải khẳng định là số lượng VĐV của TTVN đủ khả năng giành huy chương ở Olympic 2016 rất hạn chế, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo đánh giá của chúng tôi, lần này tham dự Olympic về lực lượng của đoàn TTVN là rất khó khăn. Nếu chúng ta giải quyết được mọi vấn đề liên quan đến công tác chuẩn bị để các tuyển thủ nâng cao, cải thiện được thành tích, bên cạnh đó là tránh được các chấn thương đáng tiếc, thì hy vọng đoàn TTVN có được thành tích tốt tại Olympic 2016 mới thành hiện thực.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Việt Nam tổ chức SEA Games 2021 với kinh phí 1.757 tỷ đồng Theo thông tin từ báo chí, Bộ VH,TT&DL đã trình Chính phủ đề án đăng tổ chức SEA Games 31 năm 2021 tại Hà Nội với mức kinh phí dự kiến là 1.757 tỷ đồng (khoảng 78 triệu USD). Trong số đó chi phí để sửa chữa, nâng cấp các công trình thể thao (như SVĐ Mỹ Đình, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình, Trường bắn súng, bắn cung, bắn đĩa bay Trung tâm HLTTQG Hà Nội, Cung thể thao Quần Ngựa …) là 803 tỷ đồng và không xây dựng thêm công trình thể thao mới.
Kinh phí dành riêng cho việc tổ chức SEA Games là 954 tỷ đồng, gồm lễ khai mạc, bế mạc, công tác chuyên môn kỹ thuật (tổ chức thi đấu, mua sắm trang thiết bị thi đấu), công tác giao thông, hậu cần và dịch vụ công cộng, công tác thông tin và truyền thông, kiểm tra doping, công tác an ninh....
Dự kiến SEA Games 31 sẽ diễn ra cuối tháng 11, đầu tháng 12-2021 tại Hà Nội và một số địa phương lân cận gồm Bắc Ninh, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định và Hòa Bình. Đại hội sẽ diễn ra 17 ngày, có sự góp mặt của 20.000 thành viên (khoảng 7.000 VĐV) của 11 đoàn thể thao quốc gia Đông Nam Á. |
Vũ Lê (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa cuối tuần