(Thethaovanhoa.vn) – Maracana là biểu tượng ở Olympic những ngày qua, nhưng những dòng chữ “Olympic chỉ dành cho kẻ giàu” đã mang đến một nỗi ám ảnh thực sự.
Có tiền, hãy đi xem OlympicĐó là con phố dài nối từ sân trung tâm Maracana đến một khu ổ chuột gần đó. Ở Professor Gabizo là con phố dành cho những gia đình trung lưu và công sở, sạch sẽ và yên tĩnh, còn hết con đường ấy, thoai thoải trên triền đồi là một favela (khu ổ chuột) với những ngôi nhà san sát, ngõ hẻm, dây treo chằng chịt và nhiều màu sắc.
Sáng đầu tiên đi dạo vòng quanh sân Maracana, nơi diễn ra trận chung kết, tôi đặc biệt chú ý dòng chữ viết phun trên một bức tường nhà bằng cả tiếng Bồ Đào Nha lẫn tiếng Anh: “Vulta, vulta, vulta. Olympics only for the rich. Vulta, vulta, vulta” (Hãy quay về đi, quay về đi, quay về đi. Olympic chỉ dành cho kẻ giàu. Quay về, quay về, quay về). Một thông điệp của giới cần lao Brazil viết cho nhau để tẩy chay Thế vận hội được tổ chức trên chính quê hương họ? Chính xác là như vậy.
Olympic vẫn chưa dành cho tất cả mọi người
Trong một thống kê gần nhất, gần 60% người Brazil được hỏi không thích Olympic, và đó là điều dễ hiểu khi đất nước họ còn nhiều vấn đề phải giải quyết hơn, từ tình trạng ô nhiễm môi trường, mức độ tội phạm cao khủng khiếp (Rio, nơi tôi đang tác nghiệp, nằm trong số 11 thành phố có tỷ lệ tội phạm cao nhất thế giới), cho đến sự sa sút của nền kinh tế và biến động chính trị. Nữ tổng thống Dilma Rousseff bị bãi nhiệm trong khi người thay thế tạm thời Michel Telmer cũng đang gánh chịu nhiều hoài nghi.
Tất nhiên, không phải ai cũng nghĩ một cách tiêu cực như thế. Anh tài xế Sergio Mauricius Dos Santos Junior, người đã chở tôi từ Barra sang Deorodo thì bảo “Tôi thấy Olympic tốt đấy chứ, nó mang đến những cơ hội, ít nhất là cho cánh tài xế chúng tôi (anh cười khoái trá)”. Thế mỗi ngày anh kiếm được bao nhiêu, và trong dịp Olympic này thì thế nào? “Bình thường tôi kiếm dược 180 reais (tầm 60 USD), nhưng đợt này tranh thủ thì cũng được tới 300 reais (100 USD)”. Sergio không vui mới lạ.
Mà có đi taxi ở Brazil đợt này mới thấy là các bác tài xế tại đây dễ kiếm tiền thế nào. Dường đi nhiều đoạn tại các địa điểm thi đấu hay bị cấm và taxi đều phải đi khá lòng vòng. Mà mỗi khi xe dừng đèn đỏ hay tắc đường thì người đi sốt hết cả ruột trong khi các bác tài cười thầm. Lý do: xe dừng nhưng đồng hồ tính tiền thì vẫn chạy. Hôm đi Maracana về Barra, tôi mất toi 180 reais là vì thế.
Ngẫm từ những giọt nước mắt từ một cuộc biểu tình
Một hình ảnh khác đọng lại trong tôi tại Maracana là cuộc biểu tình của người thân cảnh sát ở Gabizo chỉ vài giờ trước những lễ khai mạc. Vợ của viên cảnh sát quá cố Pereira Leão đã địu cả đứa nhỏ chưa đầy tháng và dẫn đầu đoàn biểu tình với những lời lẽ kêu gọi tẩy chay Thế vận hội. Chồng cô, một cảnh sát đẹp trai, cùng một đồng nghiệp khác đã hy sinh trong cuộc chiến chống tội phạm, nhưng bản thân họ đều đã không được quan tâm xứng đáng.
Nhưng cách đó không xa, ở đầu phố Professor Gabizo là một hình ảnh khác. Đó là những tiếng gào thét, những tiếng la ó, những tiếng phản đối Thế vận hội từ một cuộc biểu tình. Đó là cuộc biểu tình do chính những người thân của cảnh sát phát động. Viên cảnh sát Pereira Leão và một đồng đội của anh đã thiệt mạng trong những nỗ lực bảo vệ an ninh nhưng các đồng nghiệp nghiệp khác vẫn đang ngày ngày phải làm việc trong tình trạng nợ lương và điều kiện thiếu thốn.
Một cuộc biểu tình ở Olympic Rio 2016
Tôi nghĩ rằng thật may mắn vì cuộc biểu tình ở Professor Gabizo đã diễn ra ôn hòa, dù những người tham gia đã gào thét thật lớn, đã hô vang những khẩu hiệu đòi công bằng. Đó là lý do họ đã nhận được những cái ôm đầy chia sẻ của những viên cảnh sát chắn ngang đường với nhiệm vụ trấn áp bạo động ấy. Đó là những hình ảnh đầy xúc động tại một cuộc biểu tình. Không ngạc nhiên khi những cảnh sát này từ chối việc đưa ra ý kiến của mình về cuộc biểu tình này (họ dĩ nhiên không được phép làm thế), nhưng nhìn vào ánh mắt của họ là có thể thấy được sự cảm thông, và xót thương.
Dù thế nào, Olympic vẫn là ngày hội
Trái với không khí khá trầm lắng ở Tijuca, khu Riocentro và Olympic Park thực sự mang một không khí lễ hội. Các CĐV đi lại rất đông, chật cứng những BRT (một dạng xe bus) từ địa điểm này sang địa điểm kia. Họ cũng phải đi bộ rất nhiều, thậm chí hàng km, nhưng tràn ngập không khí nói cười. .
Phóng viên Tuấn Cương tác nghiệp ở Olympic Rio 2016
Những hàng người dài xếp hàng vào Olympic Park là hình ảnh trái ngược với ở Maracana. Các cổ động viên đổ về đây đông như kiến, trong đó CĐV Brazil vẫn là đông nhất. Không khi tại quảng trường Olympic giống như các khu Fanzone tại World Cup và EURO vậy. Dĩ nhiên, hầu bao của những người đến đây cũng phải kha khá. Họ xếp hàng để nốc hàng vạn vại bia, và coca. Nhân viên các cửa hàng đồ ăn luôn trong tình trạng tất bật. Và nên nhớ, vé vào xem các nội dung thi đấu là không hề rẻ. Hôm Ánh Viên thi đấu bán kết, tôi đã phải xếp hàng mua vé (dù có thẻ phóng viên), và mức giá cho một ghế ngồi trong khu thể thao dưới nước cũng lên đến 162 reais, tức là tương đương hơn 1 triệu đồng Việt Nam.
Dù thế nào, Olympic cũng là một ngày hội. Có điều, không phải ngày hội cho tất cả !
Với những người có thu nhập thấp ở Brazil, xem trực tiếp Olympic vẫn là điều khá xa xỉ. Hôm tôi đến Maracana, giá vé thấp nhất cho lễ khai mạc cũng xấp xỉ 200 reais (khoảng 65 USD), tức là cao hơn mức lương tuần của một công nhân Brazil (khoảng 55 USD/tuần), còn khu VIP thì có thể lên tới 4000 reais (1300 USD). Đó là lý do khán đài sân Maracana vẫn còn không ít chỗ trống, nhưng rất nhiều người không thể mua vé vào xem. Thay vào đó, họ hài lòng với một chai bia rẻ tiền và một vị trí trên đỉnh đồi của favela để chiêm ngưỡng những màn trình diễn ánh sáng của lễ khai mạc. |
Tuấn Cương