(Thethaovanhoa.vn) - Sau những cảnh báo về an ninh, tình hình tội phạm và hiểm họa có thể đến từ virus Zika, ban tổ chức Thế vận hội Rio 2016 đang đối mặt với một thách thức mới: Nhiệt độ tăng cao.
Là một đất nước ở Nam bán cầu, khi Olympic khởi tranh, Brazil đã bước vào mùa Đông. Tưởng như đây là thời điểm lý tưởng cho ngày hội thể thao toàn cầu bởi vào mùa Đông nhiệt độ ở xứ Samba thường dao động từ 13-18 độ C. Thế nhưng, biến đổi thời tiết đang khiến ban tổ chức giải đấu đứng trước những thách thức không ngờ tới.
Theo Accuweather.com, nhiệt độ ở thành phố Rio có thể tăng đến 30 độ C vào ngày 15/8. Ông Jose Marengo, nhà khoa học khí tượng của Trung tâm Giám sát cảnh báo thiên tai Brazil, thừa nhận mức nhiệt tăng cao này có thể ảnh hưởng tới hiệu suất của VĐV, đặc biệt là ở các môn thi đấu ngoài trời.
Lịch sử Olympic ghi nhận kỷ lục của giải đấu chỉ bị phá vỡ trong điều kiện nhiệt độ dưới 12 độ C. Thông thường, ở mức nhiệt từ 8-11 độ là có nhiều kỷ lục nhất.
Chưa kể, việc nhiệt độ tăng cao sẽ khiến các VĐV kiệt sức, đặc biệt là với những ai tới từ xứ lạnh. "Họ sẽ đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường và nhanh chóng mất sức", tay vợt người Brazil Fernando Meligeni chia sẻ.
Trước đó, trong các giải đấu "tiền Thế vận hội", một số VĐV đã gặp các vấn đề liên quan tới nhiệt độ tăng cao ở Rio. 11 trong số 18 VĐV trong một cuộc thi đi bộ đã không chống chọi nổi sức nóng của thời tiết và bị ngất.
Hiện tại, để đối phó với tình trạng này, một số công ty dệt may ở Brazil đang tạo ra vật liệu mới để có thể giúp VĐV đối chọi với cái nóng. Ý tưởng sản phẩm có tên "mũ bảo hiểm băng" đang được nhen nhóm. Tuy nhiên, công nghệ mới này được cho là quá đắt so với VĐV tới từ những quốc gia có kinh phí eo hẹp.
Bởi thế, trước mắt ban tổ chức Olympic đang cân nhắc về khả năng chuyển một số môn thi ngoài trời vào trong nhà. Trong trường hợp nhiệt độ tăng quá cao, môn đi bộ có thể được chuyển vào ban đêm để đảm bảo không ảnh hưởng tới hiệu suất thi đấu của VĐV.
K.Đ
Thể thao & Văn hóa