loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Nick Kyrgios không phải cái tên xa lạ, nhưng tay vợt dễ bùng nổ và cũng dễ sụp đổ này vẫn tiềm ẩn những điều bí ẩn. Thứ Hai tới, khi US Open khai cuộc, tài năng trẻ người Australia vẫn được kỳ vọng là một chú ngựa ô thú vị.
Việc chức vô địch của cả 3 giải Grand Slam 2017 đều thuộc về Roger Federer và Rafael Nadal đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tài năng khan hiếm ở các tay vợt trẻ? Trên thực tế, chúng ta không thiếu tài năng, nhưng các tay vợt vẫn thua kém những huyền thoại sống khá nhiều.
Điểm sáng ở Cincinnati
Ở Cincinnati vừa qua, mọi thứ đã cho thấy một diễn biến sáng sủa với chức vô địch của Grigor Dimitrov (đã 26 tuổi) sau khi đánh bại Nick Kyrgios cùng với đó là những thành công nhất định của Alexander Zverev.
Điều mà người hâm mộ chờ đợi ở Kyrgios là một danh hiệu lớn để thoát khỏi cái bóng “tài năng trẻ”, điều mà Grigor có vẻ hơi muộn màng làm được với chức vô địch ATP 1000 đầu tiên vừa qua. Nói về phong độ của mình, Kyrgios chia sẻ: “Tôi đang trải qua khá nhiều chuyện khiến tôi phân tâm và không thực sự tập trung thi đấu. Tôi hy vọng mình có thể lấy lại phong độ tốt nhất”.
Kyrgios mới 22 tuổi và còn khá nhiều thời gian để thể hiện những tố chất mà người ta đã và đang nhìn thấy ở anh. Đã từ lâu, Kyrgios được coi là tài năng nở rộ nhất của quần vợt nam, người có thể thách thức “Big Four” và thay thế khi họ nghỉ thi đấu. Nhưng vấn đề của Kyrgios quá phức tạp, đặc biệt là những vụ lùm xùm và tính cách lập dị của anh. Tay vợt người Úc đã mất quá nhiều thời gian cho những vụ vạ miệng, án phạt của mình thay vì tập trung thi đấu cho tốt. Anh vẫn cần phải điều chỉnh cái đầu nóng của mình. Đó là chưa kể đến những chấn thương (hông và vai gần đây) mà Nick Kyrgios trải qua nhiều hơn mức bình thường của một tay vợt ở lứa tuổi anh.
Năm ngoái tại US Open, Nick Kyrgios đã phải xin rút lui vì một chấn thương hông sau trận đấu ở vòng 3. Sự kiện này đã khiến huyền thoại John McEnroe bình luận với những lời lẽ khá cay nghiệt.
Ở Australian Open 2017, Kyrgios bị chính những đồng hương huýt sáo sau trận thua ở vòng 2 trước Andreas Seppi và anh đã khóc, một điều đáng ngạc nhiên. Sau đó anh vào bán kết ở Marseille, trước khi gây bất ngờ bằng cách đánh bại Novak Djokovic tại Acapulco. Tiếp đó là Indian Wells, nơi Kyrgios đánh bại cả Zverev và Djokovic (một lần nữa) nhưng việc bị ngộ độc thức ăn đã khiến anh phải rút lui khỏi trận tứ kết với Roger Federer. Vài tuần sau tại bán kết Miami, anh đã khiến Federer phải bước vào 3 loạt tie break nhưng cuối cùng vẫn để thua.
Kyrgios động lực chiến đấu
Khi mùa giải đất nện bắt đầu, Nick Kyrgios xin rút lui khỏi Estoril để có mặt trong đám tang người ông thân yêu của mình. Sau đó anh đã bỏ bê việc tập luyện và chẳng có hứng thi đấu. Tại Roland Garros, sau trận đấu vòng 2 với Kevin Anderson, Kyrgios thổ lộ rằng sự ra đi của người ông nội đã khiến anh mất hết động lực thi đấu và cảm thấy như phát điên. Sau đó tại các giải đấu trên sân cỏ, Kyrgios cũng xin rút lui.
Không ai có thể phủ nhận tài năng của Kyrgios. Khi tập trung, anh có thể thi đấu rất xuất sắc nhưng tiếc là phần lớn thời gian tay vợt 22 tuổi đều thi đấu bất ổn định, khó kiểm soát cảm xúc, thiếu bản lĩnh thi đấu. Đồng ý rằng những chấn thương dai dẳng đối với một tay vợt trẻ là thách thức không nhỏ nhưng bản thân Kyrgios không cho thấy sự cố gắng nỗ lực vì quần vợt mà lại thờ ơ, thiếu hợp tác, thậm chí còn từng khẳng định thích được chơi bóng rổ hơn. Tại Roland Garros, Kyrgios từng nói rằng anh không thích tập luyện trên sân đất nện ở nhà ở Canberra vì sợ đất đỏ sẽ làm bẩn xe.
Vậy có nên đặt niềm tin vào một Kyrgios như vậy không? E là không.
Yến Nhi
loading...