Nhiều băn khoăn về giải Sách hay
(Thethaovanhoa.vn) - Giải thưởng Sách hay, do Viện IRED và một nhóm trí thức tổ chức, được khẳng định mục tiêu là: “lan tỏa tri thức” hay “đụng” những vấn đề vô cùng rộng: “sách và khai minh”. Song, thực chất của giải thưởng là gì?
Giải Sách hay 2013 vừa trao giải hôm qua (22/9) tại TP.HCM. Theo TT&VH thông tin, ở các mùa giải trước, đây là giải thưởng góp phần kích cầu văn hóa đọc. Tuy nhiên, việc tôn vinh các giá trị qua giải thưởng này khá chừng mực sau 3 lần trao giải.
Sách dịch và cũ
Nhìn vào danh sách những cuốn sách in bằng chữ Quốc ngữ đoạt giải thưởng này sẽ thấy đa phần là sách dịch. Có thể kể ở lĩnh vực “nghiên cứu” có cuốn: Xứ Đàng Trong, lịch sử kinh tế-xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18 do Nguyễn Nghị dịch của tác giả nước ngoài; lĩnh vực “giáo dục” có: 7 tri thức tất yếu cho nền giáo dục tương lai do Nguyễn Hồi Thủ dịch; lĩnh vực “kinh tế” có Tại sao các quốc gia thất bại do một nhóm dịch giả tiến hành…; Tệ hại hơn, trong các mùa giải trước, ở lĩnh vực “quản trị”, nhận giải cũng toàn sách dịch, lần này là cuốn Chiến lược đại dương xanh do Phương Thúy dịch…
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn, nhận giải Sách hay 2013 ở hạng mục “văn học” cho tiểu thuyết Biển và chim bói cá in năm 2009. |
Nhà văn Lê Tất Điều hiện sinh sống ở hải ngoại có gửi “diễn từ” về trong buổi phát giải: “Hơn bốn thập niên trước, khi hoàn tất tác phẩm Những giọt mực, tôi không mơ ước điều gì xa xôi hơn là sự đón nhận của các thiếu nhi cùng thời đại mình. Rồi cuốn sách được chào đón nồng nhiệt, tái bản nhiều lần...
Đóng góp được gì?
Mọi giá trị đã được khẳng định qua thời gian thì mặc nhiên tồn tại và hiển nhiên được con người đón nhận bất kể thăng trầm số phận của tác phẩm đó. Nhưng như đã nói ở trên, các tác phẩm được nhận giải Sách hay trong các mùa giải qua đều là những cuốn sách đã khẳng định giá trị qua thời gian. Như vậy, đến hơn một thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21, thêm một giải thưởng cho các giá trị đã xác định theo thời gian để làm gì nữa?
Riêng lĩnh vực “văn học”, giải thưởng này từng trao cho Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh in lần đầu năm 1991 với tên gọi Thân phận và tình yêu, tính đến nay đã có mặt trên đời hơn 20 năm với hàng chục lần tái bản và dịch ra tiếng nước ngoài. Hoặc tác phẩm Hoàng tử bé đoạt giải được thi sĩ Bùi Giáng dịch và NXB An Tiêm ấn hành tại Sài Gòn từ năm 1973, nhưng mãi đến năm 2005 NXB Văn nghệ mới tái bản Hoàng tử bé từ bản dịch của Bùi Giáng.
Sở dĩ phải trao giải cho sách cũ bởi phải chăng, BTC giải thưởng này muốn khẳng định một giá trị nào khác ngoài việc tôn vinh… sách hay? Những cuốn sách đã khẳng định giá trị thời gian hay thời cuộc của mình, thì cuốn sách đó đã làm xong số phận của mình rồi!
Có chăng, đóng góp lớn nhất của giải thưởng này là tạo ra một sinh hoạt văn hóa lành mạnh về văn hóa đọc, gặp nhau để nói về sách. Nhưng trong lần trao giải này, đóng góp của giải thưởng nằm ở hạng mục “phát hiện mới” khi trao giải cho: Chuyện nghề của Thủy (Trần Văn Thủy – Lê Thanh Dũng), Giã biệt hoang vu (Nguyễn Hàng Tình), Chuyên ngành cơ khí (Nhóm dịch giả). Tuy nhiên, “phát hiện mới” chỉ là một yếu tố không thể so sánh “khập khễnh” với những giá trị đã định hình.
Trần Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa