Nhà văn Trần Hoài Dương: Một thế giới trong ngần còn mãi
(TT&VH) - Gần nửa thế kỷ viết cho thiếu nhi, Trần Hoài Dương đã hun đúc, góp phần xây dựng, bồi dưỡng cho bao tâm hồn. Ông là một của hiếm trong các nhà văn Việt Nam đương đại có đời sống và sáng tạo nhất quán: chân thành, tử tế. Sự trong sáng khiến hình ảnh ông đồng hiện điều ông khao khát suốt cuộc đời mình...
13h chiều 9/5, đọc báo, tôi sững sờ biết tin nhà văn Trần Hoài Dương qua đời từ tối 6/5. Chính buổi tối ấy, tôi đã gọi cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền nhắc bà giục Trần Hoài Dương đến lấy tập thơ Phim đôi - Tình tự chậm của tôi. Chiều hôm đó, tôi đã gửi email “hờn dỗi” sao chú không đến lấy sách. Vậy mà...
Nhiều người nhớ đến Miền xanh thẳm của Trần Hoài Dương. Tuổi ấu thơ ở thị xã Hải Dương, chắc chắn rất sâu đậm trong tâm trí, Trần Bắc Quỳ lấy bút danh Hoài Dương và dùng làm chữ ký suốt đời. Hoài Dương không chỉ nhớ quê nhà, mà nhớ tuổi thơ. Những gì đẹp, mơ mộng nhất thuộc về kí ức ấy, ông không muốn mất, không thể/ không để mất, bằng cách nối dài, tìm kiếm, gìn giữ nó và viết cho các em. Cái đẹp, sự độ lượng, vốn sống, những quan sát, kinh nghiệm thành triết lý giản dị trong văn Trần Hoài Dương, người đọc lứa tuổi nào cũng tìm được ý nghĩa, thấy mình trong miền xanh thẳm ấy.
Con người thuần phác, ngay thẳng, hiền và nhiều khi rụt rè, e ngại trước những chấn động, ồn ã, lại cực đoan, quyết liệt trước những thói xấu xa đê hèn. “Tôi gắng chắt lọc từ cuộc sống ngổn ngang bề bộn những gì tinh túy nhất, trong ngần nhất để viết cho các em. Tôi đến với văn học thiếu nhi như đến với một thứ đạo. Viết là để đem lại yêu thương và vẻ đẹp tuyệt vời của văn chương cho trẻ thơ” – ông tự bạch như vậy trong cuốn Kỷ yếu Nhà văn VN hiện đại. Mảng văn học thiếu nhi tưởng dễ mà khó. Chung thân say mê như Trần Hoài Dương, đến bao giờ có được? Dời bỏ cơ quan, hôn nhân đổ vỡ, Trần Hoài Dương sống với đứa con duy nhất. Cậu con trai mang tên loài hoa (nhạc sĩ Trần Lê Quỳnh), vì cha rất yêu hoa, không chỉ hoa, mà thiên nhiên, loài vật con người, tất cả hiện lên trên trang viết của Trần Hoài Dương vô bờ niềm tha thiết sống.
Bạn chí thân là truyện ngắn Trần Hoài Dương đặt tên Quỳnh cho nhân vật. Cậu bé thích chơi với con chó ki. Và tôi tin, ở tất cả các truyện ông viết bao giờ người có phần nghĩ đến con trai mình. “Hôm nay Chủ nhật rảnh rỗi, bố dắt Quỳnh sang ông Báu chơi...”. Những ngày thơ ấu đã xa, ông là người nuôi dạy, ảnh hưởng lớn để có Trần Lê Quỳnh (sinh 1978) tài năng, thành đạt. Thừa hưởng từ cha tâm hồn phong phú, đa cảm, những ca khúc của Trần Lê Quỳnh luôn có ca từ trong sáng, tin yêu, hy vọng, đầy mơ mộng mà chiêm nghiệm sâu sắc như Chân tình, Tuyết rơi mùa Hè...
Cuốn sách cuối trước khi mất của Trần Hoài Dương in tại NXB Kim Đồng là Nàng công chúa biển (6/2009). Ông còn bản thảo Huyền thoại về loài chim cánh cụt hẹn từ năm ngoái chưa đưa cho Kim Đồng, vì cứ sửa đi sửa lại.
Lễ viếng nhà văn Trần Hoài Dương tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, TP.HCM, bắt đầu từ 15 giờ ngày 10/5 tới hết ngày 11/5. Lễ truy điệu bắt đầu từ 7h30 sáng 12/5. Sau đó thi hài nhà văn được hỏa táng tại Đài hóa thân Bình Hưng Hòa.
Trần Hoài Dương ra đi và nằm lại thành phố tha hương, song tâm hồn ông luôn hướng về miền Bắc, về cố hương. Tâm hồn dịu dàng ấy không ngừng xao động, mỗi cuốn sách của ông như một ô cửa, dẫn chúng ta tới “Thế giới trắng của cái đẹp và cái thiện” mà ông tôn thờ, say mê theo đuổi suốt đời. Điệp từ “trong sáng, trong vắt” luôn được cất lên khi nhắc tới Trần Hoài Dương. Ông đã mở ra những ô cửa xanh cho bao lứa trẻ và giờ đây, ông đang trở lại những năm tháng cuộc đời ý nghĩa của mình, qua những cánh cửa của nỗi nhớ mọi người dành cho ông, mở những ô cửa xanh của chính ông. Trần Hoài Dương sẽ thanh thản siêu thoát và không thể bị lãng quên chìm khuất bởi sự thánh thiện của mình.
Và, tôi như thấy chú Dương từ tốn và quả quyết mở ô cửa xanh vào bầu trời trong ngần, với nụ cười sáng bao trìu mến.
Vi Thùy Linh (nhà thơ)