Nhà văn Nhật Chiêu: Tổ tiên ta - cột mốc về dịch thuật
(TT&VH) - Chắc chắn bộ ba Tổ tiên ta của Italo Calvino (1923-1985) gồm Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôi và Hiệp sĩ không hiện hữu do Vũ Ngọc Thăng dịch, NXB Văn học vừa phát hành chẳng thể trở thành sách “hot” hay bán chạy, nhưng sẽ để lại dấu ấn lớn trong giới văn chương, giới nghiên cứu. Đã có nhiều luận văn cử nhân và trên cử nhân viết về tác gia này, đơn cử như luận văn vừa được điểm tuyệt đối của Sity Maria Cotika, sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM.
Nhà văn cao đạo Salman Rushdie đã nói như sau: “Nếu như tôi cần một tác giả bên cạnh mình khi mà nước Ý nổ tung, nước Anh bốc cháy và thế giới này đã tận, thì không tác giả nào tuyệt hơn Italo Calvino”.
Để độc giả có thể chia sẻ nhiều hơn về bộ ba tác phẩm quan trọng và tác giả bậc thầy này, TT&VH có cuộc trò chuyện với nhà văn Nhật Chiêu, người có nhiều kinh nghiệm về nghiên cứu và giảng dạy văn học nước ngoài.
Siêu hư cấu
* Thưa ông, bộ ba Tổ tiên ta giữ vị thế như thế nào trong văn nghiệp của Italo Calvino?
- Tôi phải nói ngay rằng việc xuất bản Tổ tiên ta là một cột mốc về dịch thuật, bởi nó trở thành cơ sở văn bản cho các nghiên cứu ở đại học. Bởi vì không phải lúc nào người làm nghiên cứu hay sinh viên cũng có thể tiếp xúc với nguyên tác, nhất là các ngôn ngữ khó và ít người thông thạo như tiếng Ý.
Suốt đời mình, Italo Calvino có 3 phong cách viết rõ rệt: 1) hiện thực và tân hiện thực, điển hình như tác phẩm Đường đến tổ nhện (chưa dịch); 2) kỳ ảo (fantastic), bộ Tổ tiên ta; và 3) siêu hư cấu (metafiction), với tác phẩm Nếu một đêm Đông có người lữ khách. Nêu ra như vậy để thấy bộ ba này rất quan trọng trong sự nghiệp của tác giả này, mà trong đó tác phẩm cuối Hiệp sĩ không hiện hữu đã bắt cầu từ bút pháp kỳ ảo sang siêu hư cấu, siêu tiểu thuyết.
Bộ ba Tổ tiên ta
* Siêu hư cấu là loại tác phẩm như thế nào?
- Siêu hư cấu là văn chương về văn chương, là tiểu thuyết về tiểu thuyết; hay là loại tiểu thuyết tự quy chiếu vào công việc viết và đọc về chính nó. Có một nhận định gọi đây là “tiểu thuyết lướt trên làn sóng của lịch sử tiểu thuyết” (surfiction). Chính vì vậy, nó đòi hỏi sự tương tác cao độ giữa người đọc và tác phẩm, chính người đọc phải sáng tạo ra cách đọc của riêng mình. Gần đây cũng đã có một số tác phẩm theo phong cách này được dịch ra tiếng Việt, ví dụ Từ điển Khazar của Milorad Pavíc, Thành phố thủy tinh, Người trong bóng tối của Paul Auster…
Trang viết đỉnh cao
* Nếu Tử tước chẻ đôi viết về chuyện Medardo tham gia cuộc chiến chống Thổ Nhĩ Kỳ bị xẻ dọc thân thể, sau khi lưu lạc, hai nửa này cùng trở về quê nhà, sống độc lập với nhau, thiện ác đối lập. Thì Nam tước trên cây viết về chuyện Cosimo lên cây sống từ lúc 12 tuổi vì không muốn ăn món ốc sên. Với thủ pháp kỳ ảo, hai tác phẩm này có lối hành văn tuyệt vời, sâu sắc và đầy biểu tượng. Ông nói Hiệp sĩ không hiện hữu được viết với bút pháp siêu hư cấu, vậy có thể đọc nó như thế nào trong quan hệ với bộ ba này?
- Quyển này có thể đọc lệ thuộc hoặc độc lập với bộ ba, đều được, vì trong này có cả thủ pháp kỳ ảo và siêu hư cấu.
Như tôi nhiều lần đế cập, đây là tiểu thuyết về việc đọc và viết tiểu thuyết. Cho nên, ta không đọc như một tiểu thuyết bình thường với cấu trúc theo kiểu mở đầu, phát triển, đỉnh điểm, tháo gỡ và kết thúc. Hiệp sĩ Agilulfo chiến đấu, ngồi bàn tiệc, trò chuyện, gặp gỡ phụ nữ… đều trong bộ áo giáp. Thế nhưng, đó chỉ là bộ giáp bạch, chẳng có người ở bên trong, một hiện hữu bằng quyền lực ý chí, trái lại với người hầu Gurdulù, một hiện hữu đến mức đồng hóa với vạn vật, nếu gọi con cừu hay chén súp, Gurdulù cũng tưởng gọi mình.
Theo Italo Calvino, trên đời này quá nhiều sự vật có tên gọi nhưng không biết có thực sự dính dáng với thực thể nào đó hay không. Ngược lại, nhiều thực thể lù lù ra đó nhưng không có tên. Nói như vậy là chúng ta mới men theo cái mà Italo Calvino muốn đưa ra mà thôi, thực chất thì tác phẩm rất đa tầng đa nghĩa, tùy vào cách tiếp xúc và tầm đón nhận của người đọc mà có cách “hồi đáp văn chương” khác nhau.
* Nghe có vẻ quá khó đối với độc giả bình thường ở Việt Nam?
- Văn chương đích thực chẳng có tác phẩm nào dễ cả, vấn đề là ở chọn lựa của độc giả, nếu chỉ tìm sự giải trí bình thường thì đừng đọc tác phẩm này. Dưới góc độ văn chương, tác phẩm này có những trang viết đỉnh cao, khiến ta phải sững sờ.
Ví dụ như quan niệm về tử thi của Rambaldo: “Không có ngày tháng nào hiện hữu ngoài những ngày tháng trước nấm mồ, cả với chúng tôi là người sống, cũng như với bạn là người chết”.
Về hiện hữu và không hiện hữu, theo tôi chỉ có William Shakespeare và Italo Calvino mới viết thâm trầm và tinh tế đến như vậy.
* Xin cảm ơn ông
Văn Bảy (thực hiện)