Nhà văn Đặng Vương Hưng, người sáng lập tủ sách nêu trên vừa có cuộc trò chuyện với PV của TT&VH…
Thử thách của số phận
* Nguyên do nào làm ông phát khởi nên ý tưởng thành lập Tủ sách Chuyện đời tôi?- Cuộc đời mỗi con người ta không phải ai cũng may mắn, không phải lúc nào cũng vui vẻ, chỉ có màu hồng. Nhiều người từ khi sinh ra đã có số phận khốn khổ, phải gánh chịu những vận hạn, những vấp váp khôn lường. Có thể là về sức khỏe, công việc, chuyện tình cảm, liên quan đến sinh mệnh… Đó là những thử thách của số phận. Nếu họ có khả năng trụ vững, vượt qua được là thành công. Những người như thế, thường có nhu cầu được chia sẻ rất lớn, nhưng không phải ai cũng có điều kiện để giãi bày với cộng đồng và xã hội.
Năm 2005, sau thành công của sự kiện Mãi mãi tuổi 20, chính tôi cũng bị “vận hạn và thị phi”, nên rất thấm thía điều đó. Không thể tự mình mang chuyện của mình đi gặp từng người để thanh minh, hay hét to lên cho cả thiên hạ đồng cảm được, tốt nhất là hãy viết một cuốn sách… Ý tưởng về Chuyện đời tôi đã ra đời như thế.
* Tại sao ông chọn TT&VH để công bố ý tưởng?
- Cuối năm 2006 tôi tạm biệt nghề báo để chuyển về nhận nhiệm vụ tại Nhà xuất bản CAND. Ý tưởng về một tủ sách mới có nội dung và cách thể hiện “chẳng giống ai” đã chín dần. Tháng 4/2007, tôi mang đề án đi “đăng ký quyền tác giả” tại Cục Bản quyên Tác giả Văn học - Nghệ thuật (số 719/2007/QTG). Sau đó, tôi nghĩ ngay đến việc chọn TT&VH để công bố, vì tôi biết tờ báo uy tín và có lượng bạn đọc rất lớn. Thêm nữa, các anh chị đồng nghiệp ở báo cũng rất ủng hộ ý tưởng của tôi. Còn nhớ là trước khi công bố, tôi có điện thoại hỏi qua nhà báo Đỗ Doãn Phương, anh khuyên nên công bố sớm. Bạn viết trẻ Thủy Anna (bút danh Trần Lâm - Tôn Phát) đã giúp tôi chuyển tải thông tin rất nhanh.
* Sự liên kết thực hiện tủ sách đó giữa TT&VH với ông đã diễn ra như thế nào?
- TT&VH chẳng những đã giúp tôi công bố ý tưởng mà còn đồng hành cùng những người thực hiện tủ sách trong suốt thời gian qua. Tờ báo đã đóng vai trò “bảo lãnh thông tin”, chuyển tải nhiều nội dung tác phẩm và hoạt động của tủ sách đến với bạn đọc. Lần lượt các nhân vật - tác giả như Nguyễn Hồng Công, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Toán, Phạm Minh Giắng, Đỗ Trọng Khơi, Nguyễn Thị Phương… đã được TT&VH giới thiệu rất trang trọng. Cả hai cuộc Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam trao giải “Thanh niên sống đẹp” cho các tác giả trẻ và nhân vật của Tủ sách Chuyện đời tôi năm 2009 và năm 2012, TT&VH đều có những bài viết dài để phản ánh sự kiện. Đặc biệt, với sự kiện hàng vạn phạm nhân đang thi hành án trong các trại giam, trại tạm giam cùng thi viết Chuyện đời tôi trong khuôn khổ cuộc thi “Sự hối hận và niềm tin hướng thiện”; do Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Bộ Công an tổ chức giữa năm 2011, TT&VH đã đăng tải nhiều kỳ bài viết của tôi và còn phối hợp với Truyền hình Thông tấn để làm Talkshows Radar Văn hóa tạo hiệu ứng rất tốt trong lòng bạn đọc và khán giả.
Các cuốn tự truyện trong Tủ sách Chuyện đời tôi
Vượt qua vận hạn để chiến thắng chính mình
* Nhà văn đã đến với những nhân vật của Chuyện đời tôi như thế nào? Tủ sách có đạt được mục đích đề ra? Và từ cuộc đời của những nhân vật - tác giả ấy, ông có những suy nghĩ gì?
- Chẳng ai tin một người bình thường, thậm chí là khuyết tật có thể trở thành tác giả của những cuốn sách được bạn đọc đón nhận, trở thành người nổi tiếng. Cho nên thời gian đầu tôi phải tìm đến họ để vận động, thuyết phục. Còn bây giờ thì rất nhiều người chủ động liên hệ và tự tìm đến với tôi. Mỗi người có một thân phận, một hoàn cảnh, chẳng ai giống ai. Nhưng quan trọng là họ đều biết vượt qua vận hạn để chiến thắng chính mình. Chúng tôi đã biết cách đồng cảm, chia sẻ cùng nhau và thành công.
Một đặc trưng của Tủ sách Chuyện đời tôi là nhiều nhân vật đồng thời cũng là tác giả. Bởi hầu hết các tác phẩm đều được thực hiện theo phương thức nhà văn cho “mượn bút”, hoặc đánh thức tiềm năng và tư vấn sáng tạo của chính người tự truyện… Đến nay, sau 5 năm đã có hàng chục tác phẩm, với hơn 50 nhân vật - đồng thời là tác giả được trình làng. Hàng vạn bản in, làm xúc động hàng triệu trái tim bạn đọc.
* Kỷ niệm đáng nhớ nhất mà ông có với nhân vật - tác giả của tủ sách Chuyện đời tôi là gì?
- Đó là với Nguyễn Hồng Công, sinh năm 1978. Tôi biết Công từ hơn 10 năm trước. Em là bệnh nhân phải chạy thận nhân tạo, con một liệt sĩ. Tôi đã vận động và mời Công tham gia tủ sách, trong khi em chưa bao giờ nghĩ đến chuyện viết văn, chưa hề biết đến vi tính. Nhưng sau một thời gian chật vật, Công đã có tự truyện Khát vọng sống để yêu, tiếp đó là Ở trọ trần gian. Em là một trong 5 tác giả của tủ sách, được TW Hội Liên hiệp TNVN tặng giải “Sống đẹp”. Tên tuổi của Nguyễn Hồng Công đã trở thành niềm tin, niềm tự hào và là “thần tượng” để nhiều bạn trẻ noi theo. Em sống lạc quan, yêu đời và được mọi người quý mến tới mức sau khi qua đời năm 2009, bạn bè đã tự đóng góp vận động xuất bản tiếp cho em cuốn sách Nụ cười ở lại. Cái chết của Nguyễn Hồng Công đã gây chấn động dư luận, hầu hết các báo lớn đều có bài viết. Chỉ trong thời gian 3 năm, Công đã đóng góp vào Tủ sách Chuyện đời tôi 3 cuốn sách với những trang viết vô giá, mà sau này rất khó có tác giả khác đạt được.
* Dự định tiếp theo của ông với tủ sách?
- Tôi sẽ chú trọng hướng tới người cao tuổi và những người dễ bị “lãng quên” trong xã hội. Bởi cuộc đời mỗi người ta, nếu đã “sống nhiều”, thì dù thành công hay thất bại, cũng đều là những bài học kinh nghiệm quý báu, nếu không kể lại, không viết ra sẽ là có lỗi đối với thế hệ sau. Nếu quý vị và các bạn muốn tham gia, xin hãy điện thoại: 0913.210.520; E-mail: dangvuonghung02@gmail.com.
* Xin cảm ơn ông.
Việt Quỳnh (thực hiện)