(Thethaovanhoa.vn) - “Tôi không nghiên cứu Nguyễn Huy Thiệp chỉ từ những cách tân văn chương, tôi nghiên cứu ông như một hiện tượng tạo ra bước ngoặt trong văn chương Việt Nam sau 1975” – nhà phê bình La Khắc Hòa khẳng định.
Đã gần 40 năm kể từ năm 1975 và khi nhìn lại quãng đường văn chương ấy, giới phê bình từng nêu lên vài cái tên nổi bật, trong đó không thể thiếu Nguyễn Huy Thiệp.
Còn riêng với nhà phê bình La Khắc Hòa, tác giả Tướng về hưu là cái tên đỉnh cao. Ông khẳng định điều này qua tọa đàm “Nguyễn Huy Thiệp và bước ngoặt của văn xuôi Việt Nam sau 1975” cách đây ít lâu.
Một “bước ngoặt” quan trọng
Đánh giá về vai trò của Nguyễn Huy Thiệp trong văn chương Việt Nam từ 1975-1991, nhà phê bình La Khắc Hòa nhận định: “Nguyễn Minh Châu mở đường đổi mới văn học Việt Nam sau 1975 với truyện ngắn Bức tranh. Còn Nguyễn Huy Thiệp là người đầu tiên tạo ra bước ngoặt quan trọng của đổi mới”.
Sau khi Nguyễn Minh Châu kêu gọi Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (năm 1987), hàng loạt tác giả xuất hiện làm sôi động văn học thời đổi mới: Lưu Quang Vũ, Bảo Ninh, Nguyễn Khắc Trường, Tạ Duy Anh, Lê Minh Khuê... Nhưng theo nhà phê bình La Khắc Hòa, duy nhất các sáng tác truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đạt đến độ “hoàn thiện nghệ thuật”, có thể gọi là “kiệt tác”.Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (trái) và nhà phê bình La Khắc Hòa
Để đi đến kết luận này, ông Hòa chứng minh bằng hai ý. Thứ nhất, văn Thiệp dùng ngôn ngữ sinh hoạt để phản ánh cuộc đời... Thứ hai, văn Thiệp là truyện kể, xóa bỏ trật tự tôn ti, lấy “mạt thế” làm khung, còn trước đó văn xuôi Việt Nam chủ yếu viết theo kiểu huyền thoại.
Vì thế, đời sống trong văn chương Nguyễn Huy Thiệp sống động với đủ loại nhân vật từ tướng lĩnh, bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, sinh viên, học sinh, nhà báo, nhà văn, sư sãi, nông dân, lái buôn, mổ lợn, vá xe, cả tướng cướp và thợ xẻ...
Trong văn ông, có chuyện bố chồng nhìn trộm con dâu tắm, lại có những truyện bàn về mối quan hệ phức tạp giữa “thiện” và “ác”, “vinh” và “nhục”, “tục” và “thanh”.
Độc giả 9X không biết Nguyễn Huy Thiệp là ai
“Hiện tượng như Nguyễn Huy Thiệp không hề đông đảo, vì thông thường thành tựu văn học của một giai đoạn kết tinh trong sáng tác của một vài nhà văn nào đó” – La Khắc Hòa nói với Thể thao & Văn hóa.
Ông Hòa hiện là phó giáo sư, từng giảng dạy Ngữ văn tại Đại học Sư phạm Hà Nội, là người vẫn theo sát các hiện tượng, xu hướng văn học mới. Ông quan tâm đến các hiện tượng Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, rồi Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Quang Thiều, Đặng Thân… nhưng nhà văn mà ông nghiên cứu sâu nhất vẫn là Nguyễn Huy Thiệp.
Nhắc đến Thiệp, giới phê bình vẫn thường nhắc câu “Sẵn sàng đổi cả đời văn lấy một Tướng về hưu” của nhà văn Nguyễn Khải. Ngoài ra, sự nghiệp truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp còn có: Những ngọn gió Hua Tát, Con gái thủy thần, bộ ba Vàng lửa – Kiếm sắc – Phẩm tiết, Không có vua...
Xuất hiện trên văn đàn năm 1987, Nguyễn Huy Thiệp lập tức gây chú ý với truyện ngắn đột phá Tướng về hưu và có một nhóm độc giả đông đảo. Tuy nhiên, nhà văn vẫn thường nói với ý buồn, rằng dường như độc giả 9x trở đi không còn biết đến ông. Có một bức ngăn vô hình về thế hệ giữa “những người đọc và ngưỡng mộ Thiệp” với những người không biết ông là ai.
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa