A+ A A- Kiểu đọc sách

Ngắm Hà Nội Xưa và Nay

08:20 10/10/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ khoảnh khắc Hà Nội rưng rưng cảm xúc “khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy, nhịp trống rung 36 phố phường”. Thủ đô đã trải qua biết bao đổi thay, nhiều bức ảnh tư liệu về Hà Nội trong quá khứ vẫn còn đọng lại mãi trong tâm thức bao người.

Nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016), hãy cùng nhìn ngắm sự thay đổi của “Hà Nội Xưa và Nay” để hiểu và thêm yêu một Thủ đô thanh bình và rất đỗi thân quen qua từng góc ảnh.

Hình ảnh Hà Nội Xưa được sưu tầm từ nhiều nguồn tài liệu lịch sử khác nhau, các bức ảnh Hà Nội ngày nay do phóng viên Lê Minh Sơn - báo điện tử VietnamPlus thực hiện.


Bắc Bộ phủ từng là nơi đặt trụ sở chính quyền Bắc kỳ. Trong Cách mạng tháng Tám, ngày tổng khởi nghĩa ở Hà Nội (19 tháng 8 năm 1945), lực lượng Việt Minh cùng nhân dân Hà Nội đã tiến công và chiếm giữ tòa nhà này. Sau ngày Hà Nội được giải phóng năm 1954, Bắc Bộ phủ được tu sửa lại và trở thành Nhà khách Chính phủ

Toà nhà này hiện là trụ sở của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nằm ở số 12 Ngô Quyền (Hà Nội)

Sở Bưu điện được xây dựng năm 1922, do kiến trúc sư Adolphe Bussy thiết kế. Nay tòa nhà là Bưu điện Bờ Hồ

Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, được xây dựng giai đoạn (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer Trải qua hơn 100 năm tồn tại, cây cầu vẫn đứng vững như một chứng nhân lịch sử của Thủ đô

Thực dân Pháp, sau khi chiếm Hà Nội, năm 1889, cho lấp sông Tô Lịch, mở phố xá mới. Chợ Bạch Mã và chợ Cầu Đông được dồn tới bãi đất trống ở cạnh đình Đồng Xuân. Chợ đông người họp nên mở rộng phạm vi, xây 5 cầu chợ bằng khung sắt, mỗi cầu dành cho một số loại hàng. Chợ mới này được khánh thành vào năm 1890 và đến năm 1920, chợ được xây lại, rộng hơn và đẹp hơn. Năm 1988, chợ Đồng Xuân được xây lại thành 3 tầng. Ngày 14/7/1994, chợ bị cháy, phải làm lại toàn bộ, đến năm 1996 mới hoàn thành. Ngày nay, chợ chỉ giữ lại 3 cửa, còn cửa đầu phía Nam mở thành lối đi vào phố Cầu Đông, cửa đầu phía Bắc được thay bằng phù điêu diễn tả cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội năm 1947.

Chùa Diên Hựu hay chùa Một Cột được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào năm 1049.Năm 1954, quân đội viễn chinh Pháp trước khi rút khỏi Hà Nội đã cho đặt mìn để phá chùa Một Cột. Sau khi tiếp quản thủ đô, Bộ Văn hóa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành trùng tu lớn chùa Một Cột (chùa Diên Hựu), xây dựng lại chùa Một Cột theo kiến trúc cũ

Phủ toàn quyền Đông Dương do kiến trúc sư Charles Lichtenfelder thiết kế và được xây dựng trong những năm 1901-1906 với quy mô hoành tráng, uy nghiêm và quyền lực. Sau năm 1954, tòa nhà được đổi tên thành Phủ Chủ tịch, hiện là nơi làm việc của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tòa nhà nằm trong khuôn viên của khu Phủ chủ tịch, gần lăng Hồ Chí Minh và quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đây cũng là nơi diễn ra lễ đón các nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ đến thăm chính thức Việt Nam

Đại học Đông Dương được xây dựng năm 1927 do kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế. Năm 1985, Trường được đổi tên thành Trường Đại học Dược Hà Nội nằm trên phố Lê Thánh Tông

Đền Quán Thánh, tên chữ là Trấn Vũ Quán, có từ đời Lý Thái Tổ (1010 - 1028), thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, là một trong bốn vị thần được lập đền thờ để trấn giữ bốn cửa ngõ thành Thăng Long khi xưa (Thăng Long Tứ trấn). Trải qua hàng ngàn năm, Đền Quán Thánh vẫn tồn tại đầy uy nghi bên cạnh Hồ Tây, cùng với chùa Kim Liên và chùa Trấn Quốc tạo nên sự hài hòa trong kiến trúc cảnh quan và trong văn hóa tín ngưỡng đối với cả khu vực phía Tây Bắc của Hà Nội

Ga Hàng Cỏ được xây dựng từ năm 1901. Đây từng là nhà ga quy mô lớn nhất xứ Đông Dương với chiều dài gần 200m, có kiến trúc giống như công sở hơn là kiến trúc công cộng. Trước năm 1900, mảnh đất này vốn là chợ bán cỏ cho ngựa thuộc thôn Tiên Mỹ, huyện Thọ Xương. Ga Hà Nội hiện nay là nhà ga đường sắt chính của Thủ đô. Phía đường Lê Duẩn là khu A, chuyên phục vụ các chuyến tàu Thống Nhất. Khu B nằm trên phố Trần Quý Cáp (đoạn gần ngã ba Nguyễn Khuyến -Trần Quý Cáp). Sảnh phía trước bị chiến tranh phá hủy nhưng đến năm 1976 đã được xây dựng lại theo kiến trúc mới

Trung tâm Hà Nội ngày xưa và ngày nay nhìn từ trên cao 

Qua bao nhiêu năm tháng, Tháp Rùa vẫn đứng sừng sững, là biểu tượng tinh thần của người dân Thủ đô nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung

Nhà hát Lớn Hà Nội là một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn nghệ thuật tọa lạc trên quảng trường Cách mạng tháng Tám, vị trí đầu phố Tràng Tiền. Công trình được người Pháp khởi công xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opéra Garnier ởParis Ngày nay, Nhà hát Lớn là một trong những địa điểm biểu diễn quan trọng bậc nhất ở Hà Nội, được những người làm nghệ thuật coi như một “ngôi đền” dành cho nghệ thuật cổ điển. Nhà hát Lớn Hà Nội trở thành minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của thành phố, thời kỳ mà các nền văn hóa giao thoa lẫn nhau

Nhà thờ lớn Thánh Joseph được xây dựng vào năm 1886. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu. Nhà thờ Lớn ngày nay không thay đổi so với trước nhiều. Nhà thờ hiện nay tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nằm trên một khu đất rộng, liền kề với tòa tổng Giám mục Hà Nội. Giờ đây khu vực Nhà thờ Lớn luôn là điểm thu hút đông người vào mỗi ngày hay các dịp lễ lớn

Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của tòa thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm 1749). Đến năm 1817 được xây dựng lại. Đây là một trong 21 cửa ô còn sót lại của thành Thăng Long cũ. Ngày nay, ô Quan Chưởng vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc ngày xưa, nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần chân cầu Chương Dương

Phố Hàng Than trước đây là đất của thôn cũ Hoè Nhai và Yên Thuận. Đó là nơi bán, nơi buôn, nơi dỡ từ thuyền lên những bao những giỏ những gánh than hoa, than kíp lê.... Phố Hàng Than ngày nay có chiều dài khoảng 1,6 km kéo dài từ điểm tiếp giáp với Hàng Đậu đến điểm giao với Yên Phụ. Phía Bắc tiếp giáp với đường Yên Phụ, phía Đông Nam tiếp giáp với Hàng Giấy

Thành Cửa Bắc là một trong số ít di tích còn sót của thành cổ Hà Nội. Dấu vết lỗ do đại bác bắn trên bức tường thành có từ khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ hai năm 1882. Cổng thành Cửa Bắc nay nằm trên đường Phan Đình Phùng thuộc quận Ba Đình, Hà Nội

Phố Đinh Tiên Hoàng thời Pháp thuộc. Ngày nay, con phố Đinh Tiên Hoàng có chiều dài khoảng 2km mỗi cuối tuần trở thành phố đi bộ cho người dân Thủ đô

Bốt Hàng Trống Trung tâm chỉ huy của cảnh sát Pháp ở Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20. Nay là trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm

Ngày 6/1/1908, trường nữ sinh tiểu học Pháp - Việt khai giảng buổi đầu tiên ở phố Takou (nay là phố Hàng Cót) Hà Nội với 178 học sinh. Hai năm sau ngày 12/8/1910, theo đề nghị của Thống sứ Bắc Kỳ, Phủ toàn quyền Đông Dương đồng ý để ngôi trường chính thức mang tên nhà viết kịch người Pháp Brieux. Năm 1948, trường Brieux được đổi tên thành Thanh Quan, tên nữ sĩ Nguyễn Thị Hinh hay thường được gọi là bà Huyện Thanh Quan

Khuê Văn Các là công trình nổi tiếng đề cao học vấn, văn chương thơ phú lại được xây dựng nhờ công của một vị quan võ - Tổng trấn Bắc thành Nguyễn Văn Thành vào năm 1805 dưới triều Nguyễn. Khuê Văn Các là biểu tượng thể hiện tầm nhìn về giáo dục và mang đậm tinh thần khuyến học của đất nước, xứng đáng là công trình văn hóa biểu tượng đất Thăng Long nghìn năm văn hiến

Theo Vietnam+

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...