Năng lực và bằng cấp - Chuyện của ông thợ mộc và thợ cơ khí
Nhân câu nói của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi xin đưa ra một số dẫn chứng thực tế mà tôi đã trải qua liên quan đến vấn đề năng lực & bằng cấp ở nước ta.
1. Hồi còn làm thợ mộc tại nhà, thình thoảng chúng tôi hay tranh thủ sang "học lỏm" từ các bác cao niên trong nghề. Vừa trò chuyện vừa nghe các bác giải thích kinh nghiệm làm các sản phẩm mộc cao cấp mới thấy nếu có năng lực sẽ có giá thế nào. Bác dẫn chứng chuyện thi tay nghề như sau: thi bậc 3 lên bậc 4, thợ mộc chỉ làm mỗi việc đơn giản là bào phẳng hai mặt của hai tấm gỗ rộng khoảng 20cm, dài 50cm. Sau đó úp vào nhau nhúng xuống chậu nước cho ngập khoảng 2 phút nhấc lên mở ra hai mặt úp vẫn khô là đạt yêu cầu.
Nghe thì như thế nhưng làm được không hề đơn giản, phải qua thực tế nhiều và phải để ý sửa tay liên tục mới có được trình như vậy. Bác kết luận: Học xong có chứng nhận bậc thợ thì chỉ là tạm thời chấp nhận tay nghề thôi, đừng có vội mơ mộng đến việc làm các sản phẩm đẹp, cao cấp. Phải học thêm nhiều lắm và phải yêu nghề thì mới có năng lực thực sự. Nhiều người có tay nghề bậc thợ cao nhưng xin đi làm vẫn bị loại là vì thế, quan trọng là không rèn luyện "năng lực tay nghề" trượt là phải. Đúng là một bài học hay về năng lực và bằng cấp.
2. Năm 1997, tôi đi thi tuyển làm thợ cơ khí tại một công trình do nhà thầu Hàn Quốc làm chủ đầu tư. Đó là một khách sạn tại khu vực Hồ Tây. Bài thi rất đơn giản và thực tế : Mỗi người một đoạn ống thép cộng với một cút góc tự đem ra hàn gắn vào nhau cho vuông góc, sau đó nhà thầu sẽ cho lắp các sản phẩm vào hệ thống, cho bơm áp lực nếu không dò rỉ là đạt yêu cầu.
Trong số người tham gia thi tuyển, có rất đông công nhân Việt Nam được đào tạo bài bản tại các trường dạy nghề, có bằng cấp bậc thợ do các công ty nhà nước chứng nhận. Họ đem vào nộp cho nhà thầu và đề nghị "xem xét ưu tiên". Câu trả lời họ nhận được là: hãy đem sản phẩm của anh vào kiểm tra, nếu đạt thì OK luôn, còn không xin mời cầm hồ sơ về. Kết quả chỉ một trong số năm sáu người có chứng chỉ bậc thợ đạt yêu cầu, còn lại... đều trượt. Kết luận của nhà thầu: Bằng cấp của các anh thì cũng tốt nhưng ưu tiên vẫn là sản phẩm phải đạt yêu cầu, như vậy năng lực thực vẫn cần hơn, mà năng lực thực thì trong bằng cấp nhiều khi không thể hiện được.