loading...
(Thethaovanhoa.vn)- Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) vừa giới thiệu một số sân vận động tốt nhất châu Á. Trong đó, Mỹ Đình cũng được đánh giá là biểu tượng của khu vực ASEAN khi lọt vào TOP 5.
Truyền thông Thái Lan đang tìm cách khích lệ đội nhà trước chuyến làm khách “lành ít dữ nhiều” ở Mỹ Đình tối 19/11 tới đây. Thái Lan chưa thua ở sân đấu này từ nhiều năm trước nhưng ngược lại, thầy Park luôn biết cách đánh bại đối thủ tại nơi này.
AFC nhận định các sân vận động không chỉ là kiến trúc mang tính biểu tượng mà còn là “ngôi nhà” của CLB, CĐV và địa điểm được ĐTQG chọn để thi đấu.
Khu vực châu Á có một số sân lọt TOP những sân đấu tốt nhất trên thế giới, những mặt sân mang tính biểu tượng và thường xuyên xuất hiện hàng vạn CĐV lấp đầy khán đài để cổ vũ cho đội bóng yêu thích.
5 sân vận động được AFC bắt đầu giới thiệu đến với những CĐV trên toàn thế giới nằm trong khu vực Đông Nam Á, trong đó sân Mỹ Đình của Việt Nam cũng góp mặt.
Sân Mỹ Đình được AFC giới thiệu cặn kỹ là Khu liên hợp thể thao quốc gia Việt Nam, là một địa điểm đa năng nằm cách trung tâm Hà Nội 10 km về phía Tây. Sân có sức chứa 40.192 chỗ, được khai trương năm 2003 và được sử dụng cho AFC Asian Cup 2007.
Sân bắt đầu xây dựng vào năm 2002 và được chính thức khai trương vào ngày 2/9/2003, nơi tổ chức một trận giao hữu giữa U23 Việt Nam và CLB ở Super League Trung Quốc Thượng Hải Shenhua. Sau đó, Mỹ Đình được sử dụng cho SEA Games 22.
Vào năm 2007, khi AFC Asian Cup được tổ chức ở Đông Nam Á, sân vận động Mỹ Đình đã tổ chức tất cả các trận đấu, trừ một trận ở bảng B. Việt Nam đã đánh bại Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) 2-0 trong trận mở màn trước khi tiến tới vòng tứ kết và chỉ chịu thua Á quân Nhật Bản. Điều trùng hợp là 12 năm sau ở Asian Cup 2019, Việt Nam cũng thua Á quân Nhật Bản.
Gần đây hơn, Việt Nam đã đánh bại Malaysia để nâng cúp AFF 2018 trước CĐV vào ngày 15/12/2018.
Tuy nhiên, so với các sân đấu trong khu vực ASEAN, sân Mỹ Đình chỉ nhận được 3% phiếu bầu từ CĐV và xếp cuối cùng trong danh sách. Sân vận động gây ấn tượng nhất của khu vực Đông Nam Á chính là Gelora Bung Karno của Indonesia.
Sân đấu nằm ở thủ đô Jakarta có sức chứa 80 ngàn người (trước khi cải tạo cho Asian Cup 2007 đã có sức chứa 120.000 người), nổi tiếng nhất trong khu vực. Sân được chia thành 24 khu vực và thành các tầng trên và dưới, có mái thép hùng vĩ tạo thành một vòng tròn lớn.
Sân được xây cho Đại hội thể thao châu Á lần thứ 4 vào năm 1962, được đặt theo tên của Tổng thống đầu tiên của Indonesia, Sukarno và đã tiếp tục tổ chức một số giải đấu bóng đá và các trận đấu quốc tế ngoài ba giải vô địch điền kinh châu Á, và cũng là nơi tổ chức Đại hội thể thao châu Á năm 2018.
Sân vận động quốc gia Bukit Jalil của Malaysia xếp thứ 2 trong danh sách các sân đẹp nhất ASEAN. Nơi đây cũng được sử dụng cho AFC Asian Cup 2007. Sân được xây năm 1994, có sức chứa 100.000 người nằm ở phía Nam của thủ đô Kuala Lumpur và là một phần của Khu liên hợp thể thao quốc gia ở khu vực Jal Jalil, được xây dựng để tổ chức Đại hội Thể thao Khối thịnh vượng chung năm 1998.
Hai sân đấu xếp hạng 3 và 4 lần lượt là Sydney (Australia) và Rajamangala (Thái Lan). Trong đó, sân vận động Sydney hoạt động vào năm 1999, sử dụng tổ chức Olympic và Paralympic Sydney 2000. Ban đầu sân có sức chứa 110.000 nhưng năm 2003 đã tái cấu trúc giảm xuống còn hơn 83.000 chỗ ngồi. Năm 2015, nơi đâu chứng kiến Australia đánh bại Hàn Quốc 2-1 để vô địch Asian Cup 2015.
Sân vận động Rajamangala nằm ở thủ đô Bangkok chính là sân nhà của đội tuyển Thái Lan. Sân xây dựng năm 1987 trước Đại hội thể thao châu Á lần thứ 13 và có sức chứa gần 5 vạn chỗ ngồi (ban đầu có sức chứa hơn 8 vạn chỗ ngồi), cũng được sử dụng cho Asian Cup 2007 và nhiều sự kiện lớn. Gần nhất, sân đấu này là nơi tổ chức VCK U23 châu Á 2020.
Việt Hà
loading...