A+ A A- Kiểu đọc sách

Lại rộ lên nạn bán hàng đa cấp: Xảo thuật lừa đảo

14:19 11/01/2010
loading...
(TT&VH) - Thời gian gần đây, Hà Nội lại rộ lên dịch vụ bán hàng đa cấp. Hàng nghìn người đã “rỉ tai” nhau tham gia với giấc mơ nhanh chóng trở thành triệu phú mà không biết mình vừa trở thành nạn nhân, vừa là thủ phạm trong trò kinh doanh lừa đảo này.

Ai là triệu phú?

Theo giới thiệu của nhân viên công ty bán hàng đa cấp TNMU trên đường Phú Diễn, người nào muốn tham gia bán hàng đa cấp, trước hết phải trở thành Hợp tác viên (HTV) của công ty bằng cách mua một sản phẩm với trị giá từ 3 triệu trở lên để có 2 triệu PV (giá trị tích luỹ riêng), từ đó có quyền môi giới bán sản phẩm cho người khác để nhận tiền hoa hồng - giá trị phần trăm từ chính tiền của người được môi giới vào.

Cứ giới thiệu được 3 người thì người tham gia được tăng một cấp với những chức danh nhảm nhí như HTV đến tổ trưởng, chủ nhiệm, phó phòng, trưởng phòng rồi Rubi và cao nhất là Đổng Sự. HTV khi giới thiệu 3 người để lên tổ trưởng được nhận 20% tiền thu lao của 2 triệu PV một người là 400 nghìn đồng, tổng thể được 1,2 triệu đồng. Sau đó chỉ việc ngồi sống tầm gửi, đợi ba người tuyến dưới tuyển các HTV tiếp theo để lên các cấp bậc cao hơn và hưởng khoản tiền thù lao gián tiếp 4% của 2 triệu PV là 80 nghìn. Càng giới thiệu được nhiều người, tiền hoa hồng càng tăng lên theo cấp số nhân.

Bàn tròn tuyển HTV


Theo đó những người có “chức vụ” cao như trưởng phòng, phó phòng, chủ nhiệm…cứ ngồi không mà hốt bạc. Người vào trước ăn tiền của người đi sau. Cứ thế họ tự “móc túi” nhau bằng chính đồng tiền của mình qua cái giá cao ngất ngưởng từ sản phẩm phải mua của công ty. Mặt hàng đa cấp là nồi cơm điện, lẩu điện, bình thuỷ điện, bếp ga, máy sinh tố, máy sục ozon... được bán với giá cắt cổ. Ví dụ một chiếc máy xử lí ôzôn, sản phẩm chính của công ty bán ra với giá từ ba triệu đồng trở lên, trong khi đó tại siêu thị Tràng Tiền chỉ với giá 735 nghìn đồng, nhưng người mua vẫn chấp nhận để trở thành HTV.
            
Xảo thuật

Chiến thuật dụ dỗ người tham gia làm HTV bắt đầu bằng những buổi thuyết trình mê hoặc. Với đặc trưng là kinh doanh trên niềm tin và quan hệ, phương châm của các công ty đa cấp là giao giảng cho các HTV “nghệ thuật” lôi kéo người khác vào làm cùng. Với lời giới thiệu mập mờ, nửa úp nửa mở chỉ cần lôi kéo họ đến công ty là gần như đã nắm 80% thắng lợi, kiểu như “Cứ đến nghe, muốn làm giàu thì làm không cũng chẳng sao”. Sau khi HTV lôi kéo được người mới làm khách mời, trong công ty “khách mời” sẽ nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của đội ngũ nhân viên và bảo vệ dày đặc.

Trong vai một khách mời tham gia hội thảo bàn tròn tuyển HTV của công ty TNUV tôi được Nguyễn Ngọc T với chức danh phó phòng giới thiệu một loạt những gương hiệp sĩ: “Họ chỉ việc đến đây chơi và đến tháng nhận tiền, thu nhập không dưới 10 triệu đồng 1 tháng”. T dẫn chứng trường hợp của một nhân vật tên là Hoàng Văn Đôi, ở Phú Xuyên, Hà Nội vào công ty được 5 tháng đã lên phó phòng, anh ta đã xây dựng dưới mình một dây chuyền khoảng 2 nghìn người, ngồi không anh ta cũng thu vài chục triệu một tháng, tháng cao điểm lên tới 72 triệu. Bản thân T cũng thu nhập “không tháng nào dưới chục triệu”. Cứ thế cái viễn cảnh “ngồi mát ăn bát vàng” được vẽ ra trước mắt những người đến đây.

Sinh viên là lực lượng HTV tham gia đông đảo nhất với mục tiêu cố kiếm việc làm để tránh thất nghiệp khi ra trường và có điều kiện trụ lại Hà Nội. Sinh viên chủ yếu được “tư vấn” cách vay tiền để có đủ 3 triệu đồng, điều kiện trở thành HTV. Sau khi vẽ ra tương lai màu hồng, các Tư vấn viên đều chốt lại bằng lời thúc giục: “Bạn thấy hấp dẫn không? Bạn thấy làm giàu đơn giản không? Ngay bây giờ bạn mang tiền ra mua hàng đi thôi”. Khi khách mời nói chưa đủ tiền ngay lập tức Tư vấn viên tiếp cố tìm sự giàng buộc để buộc khách mời “lao” vào. “Thế đặt cọc trước 1 triệu. Thế vài trăm”. Nếu không có “vậy thì đặt chứng minh thư cũng được”.

Khi tôi nói khá hấp dẫn và thích thú với công việc nhưng sẽ về hỏi ý kiến bố mẹ và bạn bè thì “Chuyên Viên cao cấp” Nguyễn Thu H ngay lập tức chùm mũ: “Hãy lẳng lặng mà làm, đừng nói cho ai biết, nếu không họ bảo bạn là thằng điên, bởi không ai tin bạn bỏ 3 triệu ra và cứ thế hốt bạc”.

Ba người ngồi là khách mời, những người đứng là HTV và chuyên viên


Tôi ngỏ ý không biết xoay đâu được 3 triệu, tư vấn viên mách nước: “Có gì khó đâu, mỗi người bạn chỉ cần vay 2 đến 3 trăm nghìn, nói là có việc quan trọng. Rồi xin thêm bố mẹ 1 triệu bảo tháng này con có nhiều khoản đóng góp, mua sách vở. Bố mẹ nào lại không cho. Cần thiết thì em “cắm” một số đồ dùng của mình chẳng hạn như xe đạp, máy tính. Làm sớm gỡ lại vốn sớm, rồi làm giàu em ạ”.

Buổi Đại hội thù lao thường niên vào ngày 13 hàng tháng, khi phần thuyết trình kinh doanh kết thúc, đến phần trao thù lao cho những “chủ nhiệm”, “phó phòng”, “trưởng phòng”… với những khoản tiền mà MC giới thiệu là vài chục triệu đồng?

Những người “…theo lao”

Gần một tuần “sống” thâm nhập môi trường đa cấp, có thể thấy rằng riêng mạng lưới HTV khu vực phía Bắc của công ty lên đến hàng nghìn người. Sản phẩm công ty không chỉ ở Hà Nội mà len lỏi đến tận ngóc ngách vùng quê từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá ra Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Tây lên Yên Bái, Sơn La, Hoà Bình, Lào Cai… Chúng tôi được chứng kiến không ít cảnh không ít HTV ở đây lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười” vì đã trót “đâm lao”…

Khi tham gia, họ đều được “tư vấn viên” dặn dò rất kĩ “Cứ làm đã, đừng vội nói cho ai biết!”. Vì hình thức kinh doanh tiêu thụ trên niềm tin nên đầu tiên những người khi vào làm thường lôi kéo người thân, bạn bè để kiếm tiền thu lao từ chính tiền của những người này.

Khi đã biết thực tế của công ty đa cấp, họ đều chung một cách nhìn nhận là “công ty lừa”. Nhưng vì đã trót theo lao, nên họ tiếp tục “tư vấn” để người khác tham gia, và biến mình thành thủ phạm tiếp tay. N.H.Y, quê Phú Thọ, SV ĐH NN đã oà khóc khi kể: “Bố mẹ người bạn đến tận nhà chửi em là đồ lừa đảo, cò mồi. Em thấy nhục nhã vô cùng. Nhưng bây giờ trót nộp tiền rồi, phải làm nốt để kéo lại vốn trả nợ ”. 

Nhóm PV
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...