A+ A A- Kiểu đọc sách

Khởi công đường đua F1 Hà Nội

06:20 20/03/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Sáng nay (20/3), tại Mỹ Đình (Hà Nội) diễn ra lễ khởi công đường đua F1 Hà Nội để chuẩn bị cho chặng đua Hà Nội Grand Prix vào tháng 4 năm sau. Đây là một sự kiện rất được chờ đón, đánh dấu mốc mới trong lộ trình ghi danh Việt Nam trên bản đồ giải đua Công thức 1.

Ông Jean Todt, Chủ tịch Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA): 'Việt Nam sẽ tổ chức thành công chặng đua F1'

Ông Jean Todt, Chủ tịch Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA): 'Việt Nam sẽ tổ chức thành công chặng đua F1'

Trả lời phỏng vấn báo chí tại trụ sở Bộ VH, TT&DL vào chiều ngày 18/3, ông Jean Todt, Chủ tịch Liên đoàn Ô tô Quốc tế (FIA), khẳng định ông hoàn toàn tin tưởng rằng chặng đua F1 (Công thức 1) tại Việt Nam sẽ được tổ chức thành công.

Có mặt tại Hà Nội để tham dự lễ khởi công, ông Jean Todt - Chủ tịch Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA) cho biết: “Tôi rất vui khi tới Việt Nam lần này để tham dự lễ khởi công chặng đua F1 tại đất nước của các bạn. Tôi rất nóng lòng chờ đợi lễ khởi công để tận mắt chứng kiến sự chuẩn bị của Việt Nam cho chặng đua này”.

Khi được đề nghị đưa ra đánh giá với bản thiết kế đường đua F1 ở Hà Nội, ông Todt nói: “Đây là một dự án tiềm năng, đáng khen ngợi cả về chất lượng của bản thiết kế.

Đường đua của chặng F1 Hà Nội có một nửa là đường đua chuyên biệt và nửa còn lại là đường đua trên phố nên sẽ vô cùng đặc biệt. Đường đua F1 Hà Nội có 23 góc cua cả thảy và góc cua nào cũng rất khó so với các địa điểm khác nên điều này sẽ làm cho giải đua hấp dẫn hơn nhiều lần”.

Với lộ trình một nửa là đường đua chuyên biệt và một nửa nằm trên các con phố, chặng F1 tại Việt Nam là chặng đua thứ 4 được tổ chức ngoài phố, sau các chặng Monaco, Singapore và Azerbaijan.

Tuy nhiên, không giống đường đua tại Monaco và Singapore, đường đua F1 ở Hà Nội độc đáo ở chỗ được tổ chức xung quanh sân vận động quốc gia Mỹ Đình, và chỉ một phần của đường đua và khán đài được xây mới. Nhờ điểm này, chi phí đầu tư hạ tầng cơ bản để xây dựng đường đua F1 Hà Nội có thể sẽ rẻ hơn các nước.

Thực tế cho thấy việc tổ chức chặng đua F1 trên đường phố đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới, điển hình là Singapore và Monaco, bởi đơn vị tổ chức sẽ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian do không phải xây mới hoàn toàn đường đua, trong khi hiệu quả quảng bá lại cao hơn nhờ lượng cư dân đông đảo xung quanh.

Nhưng dù sao thì F1 vẫn là một trong những sự kiện thể thao đắt đỏ nhất thế giới, xét ở khía cạnh tổ chức, và vì thế, đường đua F1 tại Việt Nam dù có được nâng cấp từ đường phố hiện có thì cũng vẫn sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí nâng cấp, bảo trì hàng năm để luôn đảm bảo tiêu chuẩn của Liên đoàn Ôtô Quốc tế (FIA).

Cụ thể, theo thông tin của báo chí nước ngoài thì số tiền bỏ ra để trả lương cho nhân sự lên tới 16 triệu USD, trong đó có 6,6 triệu USD dành riêng cho đội marketing và tổ chức. Để một chặng đua đi vào hoạt động, BTC cần thuê trung bình 600 nhân viên. Chưa kể đến 120 lính cứu hỏa thường trực sẵn sàng xử lý những sự cố cháy nổ.

Sau khi hoàn tất quá trình nâng cấp đường đua, BTC sẽ tiếp tục phải đầu tư một số tiền rất lớn để xây dựng khán đài. Một chặng đua hoàn hảo theo tiêu chuẩn của FIA yêu cầu khán đài có 80.000 chỗ ngồi cho các CĐV đến xem trực tiếp. Để xây dựng khán đài đạt được tiêu chuẩn như vậy, BTC phải tiêu tốn ít nhất 14 triệu USD. Ngoài ra, chi phí để xây dựng hàng rào bảo vệ khán giả xung quanh đường đua là 8 triệu USD. Tiền thuê nhà làm pit-stop (trạm dừng) cũng không dưới 8 triệu USD.

Phương tiện đi lại, văn phòng và các tiện ích khác sẽ tiêu tốn khoảng 6 triệu USD, và phải tính thêm 4,5 triệu USD cho các chi phí liên quan đến máy xây dựng như cần cẩu và khoảng 350 bình chữa cháy đặt ở mỗi 15m đường đua. Ngoài ra, BTC cũng cần chi 1 triệu USD để mua bảo hiểm.

Như vậy, mức phí ban đầu để xây dựng một chặng đua F1 dựa trên đường phố có sẵn rơi vào khoảng 57,5 triệu USD hàng năm và sau 10 năm sẽ là 575 triệu USD.

Đường đua F1 Hà Nội dự kiến có chiều dài 5,565 km, là sản phẩm sáng tạo Tập đoàn Tilke của Đức với 23 khúc cua, lấy cảm hứng từ đặc trưng của các đường đua trên khắp thế giới, để làm nên sự đặc biệt của chặng F1 tại Việt Nam.

Chẳng hạn, khúc cua số 1 và 2 được các nhà thiết kế của Tập đoàn Tilke lấy cảm hứng từ đường đua Nurburging tại Đức, còn được biết tới với cái tên "vùng đỏ". Đây là vị trí được coi như "thiên đường của các cú vượt mặt" tại đường đua lâu đời này.

Hay khúc số 16 đến 19 (điểm 16 nằm gần khán đài C sân vận động quốc gia Mỹ Đình) áp dụng thiết kế điển hình "S-Curves" của đường đua Suzuka (Nhật Bản), hàng loạt cú bẻ cua trái, phải liên tiếp với tốc độ cao sẽ khiến nhiều tay đua chóng mặt, còn khán giả thì vô cùng phấn khích.

Còn đoạn đường thẳng kéo dài từ đường Tân Mỹ đến Cung hữu nghị Việt - Trung được dự tính dài khoảng 1,5 km, là nơi mà tốc độ đoàn đua có thể được đẩy tới 335 km/h.

Các chuyên gia kỹ thuật F1 đã nhiều lần đến Hà Nội để khảo sát, đánh giá, xác định thành phố Hà Nội có đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng để tổ chức giải đua xe Công thức 1 như: Sân bay; Hạ tầng giao thông (từ sân bay về đường đua trong vòng 01 giờ đồng hồ); Hệ thống khách sạn; Dịch vụ vận chuyển hàng hóa; Hạ tầng viễn thông; Mạng 4G; Hạ tầng truyền hình; các hệ thống kho bãi (Logistics); Nguồn nhân lực.

Qua kết quả khảo sát, đánh giá toàn diện phương án địa điểm tổ chức giải đua xe Công thức 1 do các chuyên gia F1 thế giới khảo sát, đánh giá: Khu vực Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình là nơi đã có sẵn một số cơ sở hạ tầng phục vụ cho thể thao, là phương án phù hợp, tối ưu để tổ chức giải đua xe Công thức 1, điều kiện để bổ sung cho giải đua nên có chi phí thấp (tiết kiệm) khi đầu tư cho cơ sở hạ tầng cho Giải đua xe F1.

Chặng đua F1 tại Việt Nam dự kiến tổ chức vào tháng 4/2020 và diễn ra ở khu Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Chặng đua dự kiến tổ chức trong vòng 1 tuần.

Việc đăng cai tổ chức giải đua Công thức 1 tại Hà Nội khác với việc đăng cai SEA Games, Asiad, Olympic hoặc các giải bóng đá. Thành phố Hà Nội chỉ là đơn vị đăng cai, hỗ trợ cho Công ty Grand Prix Việt Nam đứng ra tổ chức (giống như mô hình tổ chức giải bắn pháo hoa quốc tế tại thành phố Đà Nẵng).

Hơn nữa, các đội đua đến tham dự đều là những đội đua chuyên nghiệp, toàn bộ khâu tổ chức, thể lệ cuộc đua đều thống nhất tại các chặng đua của các nước. Giải đua tại Việt Nam chỉ là một chặng đua. Do vậy, thành phố Hà Nội không phải huy động quá nhiều lực lượng và nguồn lực cho giải đua này.

UBND thành phố Hà Nội là đơn vị đăng cai. Tập đoàn Vingroup là đơn vị tổ chức. Để thực hiện tổ chức thành công sự kiện này, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Công ty Grand Prix Việt Nam (là công ty con của Tập đoàn Vingroup) là đầu mối đứng ra tổ chức độc quyền sự kiện. Phí đăng cai do Công ty Grand Prix Việt Nam chi trả cho F1.

Nguồn thu dự kiến từ tổ chức giải đua bao gồm: Doanh thu bán vé; Từ các dịch vụ cung cấp cho F1 và các đội đua; Doanh thu từ dịch vụ quảng cáo trong toàn bộ Giải đua; Doanh thu từ việc tổ chức các sự kiện bên lề của Giải đua (một số sự kiện có bán vé), việc tổ chức khu bán các sản phẩm của các thương hiệu; Các sản phẩm lưu niệm và dịch vụ phục vụ Giải đua; Hỗ trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; Doanh thu từ bán lại quyền phát sóng truyền hình cũng như cùng F1 tổ chức truyền hình trực tiếp qua các kênh truyền hình trả tiền trên lãnh thổ Việt Nam.

Anh Huy

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...