GS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn nghiên cứu tín ngưỡng và văn hóa VN, đã có hàng chục năm nghiên cứu về hầu đồng và đang là cố vấn chuyên môn cho Liên hoan (LH) Tín ngưỡng thờ Mẫu 2014 đang diễn ra tại Hà Nội. Ông trò chuyện cùng TT&VH Cuối tuần.
* Chúng ta cùng nói về sự hấp dẫn của hầu đồng ngay từ trường hợp... của chính ông! Theo đuổi nghiên cứu hầu đồng gần 30 năm, hẳn ông đã nhìn ra sức sống riêng của nó từ khi diễn xướng này còn đang bị cấm?
- Đúng là trong thập niên 1980, tôi bắt đầu tham gia nghiên cứu hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu trong tình trạng “bí mật”. Bị cản trở, vặn hỏi vì trực tiếp xem hầu đồng đã đành, tôi còn suýt chịu kỷ luật nặng của cơ quan nữa (cười). Mà tất cả cũng chỉ bắt đầu bởi sự thắc mắc rằng cái món này mê tín dị đoan, không lành mạnh ở chỗ nào mà bị cấm ngặt như vậy? Rồi càng xem, càng tìm hiểu thì biết thêm rằng khi ấy vẫn có rất nhiều người bằng mọi cách tìm đến với tín ngưỡng thờ Mẫu, như một dòng chảy ngầm trong cuộc sống hàng ngày.
Vì sao hầu đồng có sức hấp dẫn đến vậy thì báo giới, trong đó có các ấn phẩm của TT&VH, cũng đã viết nhiều rồi. Vắn tắt, tín ngưỡng thờ Mẫu đã có bề dày hàng trăm năm với các hệ giá trị độc đáo, gắn liền việc thờ nữ thần, thờ bà mẹ thiên nhiên với các khát vọng về sức khỏe, tài lộc của con người. Rồi, trạng thái thăng hoa tinh thần mà hầu đồng mang tới cho người tham dự có vai trò như một kiểu “trị liệu tâm lý”, gây hưng phấn cao độ khi khai mở nhu cầu giao hòa giữa con người với thần linh... Tôi chỉ muốn nhấn mạnh thêm: chính việc từng bị cấm cùng trạng thái tồn tại theo kiểu “nửa kín nửa hở” trước khi chính thức trở lại cũng là lý do để hầu đồng càng trở thành một thứ gì bí hiểm và gây tò mò cao độ.
* Nhưng, cùng với sự hồi sinh của hầu đồng, chúng ta cũng sẽ phải chấp nhận trở lại những hệ lụy tiêu cực luôn đi kèm với nó. Và, cá nhân ông có thấy hầu đồng hiện nay có xuất hiện thêm những biến tướng, tiêu cực mới so với chính nó của vài chục năm trước không?
- Đành rằng việc lợi dụng sự mê muội, kém hiểu biết để trục lợi trong hầu đồng thì thời nào cũng có. Nhưng, trong bối cảnh xã hội và sự chi phối của đồng tiền như hiện nay, câu chuyện ấy diễn ra thường xuyên và phổ biến hơn. Chẳng hạn, trong giới thanh đồng có những trường hợp mà dân gian gọi là “đồng đua”. Nếu chỉ vì ham vui, vì muốn “xả stress” thì còn dễ hiểu, nhưng chúng tôi cũng biết nhiều trường hợp trở thành “đồng đua” chỉ vì thấy kiếm tiền từ hầu đồng dễ quá.
Hoặc, một câu chuyện khác là việc “phát lộc” bằng tiền. Tại LH Tín ngưỡng thời Mẫu 2014 này, Ban tổ chức đã đề nghị các nhóm diễn xướng lưu ý không phát lộc bằng loại tiền có mệnh giá lớn. Thực ra, trong hàng trăm năm qua, việc phát lộc bằng tiền khi hầu đồng là điều dễ hiểu, vì đạo Mẫu phần nào mang nặng tính thị dân và thương dân. Nhưng thay vì tính tượng trưng cho quan niệm về tài lộc, một số trường hợp hầu đồng những năm qua đã lợi dụng điều này để lôi kéo những người tham dự, nên Ban tổ chức phải quy định như vậy.
Một tiết mục trong Liên hoan Nghi lễ chầu văn năm 2013 tại Hà Nội
* Thật ra, sau hàng chục năm “im tiếng” của hầu đồng, dường như chúng ta cũng chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để chủ động đón nhận sự trở lại này. Đó mới là nguyên nhân chính để ngành quản lý thường xuyên lúng túng khi nhắc tới việc hạn chế những tiêu cực từ nó...
- Chúng tôi gọi đó là vấn đề “lệch chuẩn” khi hầu đồng từng bị gián đoạn trong quá khứ. Tôi có thể khẳng định rằng có tới 70, 80% các thanh đồng hiện nay đều thiếu một kiến thức đầy đủ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Và, khi đã không hiểu, họ lại ở trạng thái tự do, muốn làm gì thì làm, nên đôi khi lại càng đưa hầu đồng hiện đại đi xa với nguyên gốc hơn. Cái đáng nói là hầu đồng cũng như tín ngưỡng thờ Mẫu hiện phát triển rất rộng trên cả nước nhưng lại không có một quy chuẩn gì.
Vấn đề “lệch chuẩn” ấy đôi khi có thể nhìn ra ngay từ những chuyện nhỏ. Chẳng hạn, tại LH năm 2013, báo chí đã từng chỉ ra việc nhiều nhóm thanh đồng đưa cả các điệu nhạc Hoa đẹp Chăm pa của Lào hay Cây trúc xinh của dân ca Bắc Bộ vào phần diễn xướng. Nhiều khi, sự thay đổi ấy có thể đến từ những việc rất đơn giản, chẳng hạn như anh cung văn biết là chơi sai nhưng vẫn phải chiều theo sở thích của các thanh đồng. Có nghe đúng kiểu nhạc ấy thì thanh đồng mới “say”, mới tung tiền cho nhiều...
* Nghĩa là, để khắc phục những tiêu cực trong hầu đồng, cái đích cuối cùng mà giới quản lý hướng tới vẫn là cung cấp kiến thức cho khán giả, cũng như “chuẩn hóa” các nhóm thanh đồng. Trong sự xuất hiện ngày càng nhiều của những nhóm hầu đồng như hiện nay, ông có nghĩ loại hình diễn xướng văn hóa - tâm linh này sẽ sớm “trở về quỹ đạo” không?
- Tôi nghĩ, chỉ trong vài năm qua, xã hội đã có sự chuyển biến rất mạnh khi công nhận hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu là di sản quốc gia - thay vì tính chất của một loại hình mê tín dị đoan cần cấm đoán như trước. Bước chuyển ấy đến từ nhận thức, từ sự kiên trì của những thanh đồng đích thực, cũng như của những nhà nghiên cứu quan tâm tới di sản này. Bởi thế, việc đưa hầu đồng vào quỹ đạo cũng phải đi theo con đường ấy, nghĩa là tác động vào nhận thức, thay vì đưa ra những quy định hành chính có tính cứng nhắc.
Những cuộc LH văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu như Hà Nội đang tổ chức cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Bởi, chủ thể văn hóa của hầu đồng chính là đội ngũ thanh đồng hiện có. Mỗi cuộc LH như thế là những lần đội ngũ thanh đồng được “gạn đục khơi trong” và tìm hiểu, nghiên cứu để hoàn thiện vốn kiến thức về hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu của mình. Tôi tin, theo thời gian, hầu đồng cũng sẽ sớm trở về với sự ổn định cần có thôi.
* Xin cảm ơn GS về cuộc trò chuyện này.
LH Văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Hà Nội 2014 quy tụ 250 nhóm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trên toàn thành phố. Đợt 1 của LH kéo dài tới 17/11 tại một số đền, phủ. Tiếp đó, những chương trình đặc sắc nhất sẽ được lựa chọn để tham dự vòng 2 tại Cung văn hóa Hữu Nghị Việt Xô Hà Nội trong các ngày 28 - 29/11.
Đây là hoạt động thường niên được Sở VH,TT&DL Hà Nội tổ chức nhằm đánh giá, kiểm kê và xây dựng hồ sơ về tín ngưỡng thờ Mẫu. Năm 2013, cuộc thi này đã được tổ chức lần đầu với tên gọi Liên hoan Nghi lễ chầu văn Hà Nội.
|
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần