(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 16/12, hội thảo về tác phẩm Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam của GS Trần Văn Giàu đã diễn ra tại TP.HCM.
Hội thảo được Viện Lịch sử Dòng họ và chùa Pháp Hoa (nơi đặt bàn thờ cố GS-NGND Trần Văn Giàu) phối hợp tổ chức nhân tưởng niệm 4 năm ngày mất của GS-NGND Trần Văn Giàu (16/12/2010 - 16/12/2014).
Các tham luận tham dự hội thảo thống nhất rằng công trình cuối cùng của GS Trần Văn Giàu Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (xuất bản lần đầu vào năm 1980, tái bản vào các năm 1992, 2010) có ảnh hưởng lớn đến hoạt động nghiên cứu tư tưởng, văn hóa truyền thống, góp phần đặt nền móng và gợi mở một hướng nghiên cứu, tiếp cận có hệ thống về văn hóa Việt Nam.
Tác phẩm Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam
của GS Trần Văn GiàuGS Trần Văn Giàu nêu bật giá trị của lòng yêu nước và cho rằng đây là: “sợi chỉ đỏ xuyên qua toàn bộ lịch sử Việt Nam từ cổ đại đến hiện đại”, đứng đầu bảng giá trị truyền thống của dân tộc, với các yếu tố “cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa”. GS Trần Văn Giàu cho rằng “yêu nước” dù là một giá trị phổ biến ở bất kỳ quốc gia, dân tộc nào nhưng để nó trở thành “tư tưởng chủ đạo”, thành “triết lý xã hội và nhân sinh” của một dân tộc thì phải tùy từng hoàn cảnh, quá trình phát triển của đất nước đó.
Từ những đặc thù riêng của mỗi dân tộc mà cho dù tất cả đều yêu nước, đều thương người nhưng mức độ “đậm nhạt”, cách biểu hiện lại khác nhau. Vì thế có những nước tư tưởng chủ đạo xuyên suốt là bành trướng, có nước hướng về yếu tố tâm linh, tôn giáo, có nước đề cao chủ nghĩa thực dụng, có nước xem quyền lợi cá nhân là trên hết…
Và “chủ nghĩa yêu nước” trở thành tư tưởng chủ đạo của dân tộc Việt Nam là kết quả của quá trình vận động của một nền văn hóa lâu đời, khẳng định những giá trị riêng từ sớm nhưng lại thường trực đối diện với nguy cơ ngoại xâm, đời đời chống kẻ thù xâm lược từ phương Bắc đến phương Tây. Trong đó, nội dung quan trọng của chủ nghĩa yêu nước là đấu tranh bảo vệ văn hóa dân tộc, xem văn hóa là một “mặt trận” quan trọng chống xâm lăng. Trong bối cảnh hội nhập và tình hình quốc tế phức tạp hiện nay, mặt trận bảo vệ văn hóa dân tộc càng phải được củng cố, phát huy.
Ngọc Tuyết