(Thethaovanhoa.vn)- Sáng thứ Sáu (19/8), Usain Bolt cán đích đầu tiên ở nội dung 200m nam. Bolt dánh bại Andre De Grasse và Christophe Lemaitre với thành tích 19 giây 78. Đó là chiếc HCV thứ 2 của Bolt ở Olympic Rio và là HCV thứ 8 ở các kỳ Thế vận hội. Bolt rõ ràng là một ngôi sao không thể tranh cãi của Thế vận hội hiện đại.
Mong ước của BoltTuy nhiên, điều Bolt mong chờ nhất là hai chữ “huyền thoại”, giống như Muhammad Ali, Pele... Mặc dù đạt được những kỳ tích trên đường chạy nhưng cho tới bây giờ, Bolt vẫn chưa được coi là biểu tượng thể thao.
"Tôi đang chờ đợi xem sau Olympic, người hâm mộ có đặt tôi vào đó (ngôi đền huyền thoại) hay không? Tôi đã sẵn sàng và đang chờ đợi xem truyền thông sẽ viết gì", Bolt chia sẻ sau đường chạy 200m.
Rõ ràng đã có sự hồi hộp trong Bolt ở ngày thi đấu hôm qua. Anh không còn vẻ tự tại, ngoái lại nhìn đối thủ, vỗ ngực trước khi về đích. Bolt có chút lo lắng hơn. Phóng viên BBC đưa tin về cuộc thi mô tả rằng chưa bao giờ anh thấy Bolt nhìn đồng hồ đếm giờ liên tục như vậy. Bolt căng thẳng vì anh đã tự đặt mục tiêu phá kỷ lục của chính mình ở nội dung này. Với Bolt, kỳ tích đó sẽ là minh chứng cụ thể hơn nữa cho sự vĩ đại của anh. Đáng tiếc, Bolt đã không làm được.
Bolt về nhất ở nội dung 200m
Dẫu có chút thất vọng nhưng Bolt vẫn cảm thấy rằng danh xưng “huyền thoại” xứng đáng để gắn vào tên anh. Anh đã chạy trong nhiều năm, trở thành hiện tượng, giành nhiều giải thưởng và điều quan trọng nhất là anh biến điền kinh thành môn thể thao được dư luận quan tâm ở các kỳ Thế vận hội.
“Tôi cần làm gì nữa để chứng minh với thế giới? Tôi không thể làm gì nữa”, Bolt nói.
Tại sao chưa gọi Bolt là huyền thoại?
“Trời sinh Du, sao còn sinh Lượng”. Trở ngại lớn nhất trên con đường trở thành huyền thoại của Bolt chính là sự vĩ đại của Michael Phelps. Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, Phelps và Bolt là chủ đề được bàn luận và phân tích nhiều nhất. Từ đó, xuất hiện so sánh ai mới là người vĩ đại hơn.
Những người yêu Phelps nói rằng Bolt còn cách xa sự thống trị trong làng thể thao của kình ngư người Mỹ, vì nhiều lý do. Ở độ tuổi gần như tương đương (Phelps 31 tuổi và Bolt sắp bước sang tuổi 30), Phelps cạnh tranh ở Thế vận hội đầu tiên năm 2000, xếp thứ 5 ở nội dung bơi bướm 100m. Trong khi đó, Bolt dừng chân ở vòng loại nội dung 200m tại Athens 2004 khi mới 17 tuổi. Bởi thế, Phelps duy trì được đỉnh cao trong thời gian dài hơn.
Tại Rio, nổi lên cuộc tranh cãi Bolt và Michael Phelps ai là người vĩ đại hơn
Trước khi tuyên bố nghỉ hưu, Phelps nắm trong tay 23 HCV (13 HCV cá nhân), 3 HCB, 2 HCĐ, thiết lập 15 kỷ lục thế giới tại Thế vận hội. Trong khi đó, Bolt hiện có 8 HCV (5 cá nhân) và 3 lần thiết lập kỷ lục thế giới tại Olympic.
Nhưng sẽ thật bất công cho Bolt nếu dư luận cứ so sánh anh với Phelps khi xác nhận vị trí trong lịch sử thể thao. Rõ ràng, bơi lội và điền kinh là 2 chiến tuyến khác biệt. Bản thân Bolt cũng rất mệt mỏi với những câu hỏi về cảm nhận khi “bị” so sánh với Phelps.
“Chúng tôi chiến đấu ở những nội dung hoàn toàn khác nhau. Phelps đã thống trị làng bơi thế giới. Anh về hưu, quay trở lại và tiếp tục chứng minh mình là người giỏi nhất. Tôi kính trọng Phelps nhưng chúng tôi ở trong 2 lĩnh vực khác nhau”.
Hãy đánh giá Bolt với những gì anh đã làm được trong điền kinh, đó là điều “Tia chớp” Jamaica mong mỏi. Phelps đã nghỉ hưu. Đây cũng có thể là Olympic cuối cùng của Bolt. Kết thúc nội dung 200m, Bolt quỳ gối, tay đặt lên ngực để tri ân người hâm mộ. Với Bolt, đó là cách anh thường làm khi nói lời tạm biệt.
Nữ CĐV cầu hôn Bolt
Tại nội dung chạy 200m, Usain Bolt cán đích thứ nhất với thành tích 19,78 giây, bỏ xa người về nhì, Andre De Grasse (Canada) 24% giây, hơn người về ba Christophe Lemaitre (Pháp) 34% giây Giữa đám đông CĐV phấn khích vì màn trình diễn của Bolt, một fan nữ người da màu đã trưng lên tấm giấy khổ to, được chuẩn bị sẵn. Trên khổ giấy in dòng chữ bằng hai thứ tiếng Anh và Bồ Đào Nha: "Bolt, anh sẽ cưới em chứ". |
K.Đ