loading...
(Thethaovanhoa.vn) - 6-1, 6-4. Roger Federer chỉ cần 63 phút để hạ gục John Isner để lần thứ 4 vô địch Miami Open, cũng là chức vô địch Masters 1000 thứ 28 và là danh hiệu thứ 101 trong sự nghiệp.
Ước mơ trở thành nhà vô địch Olympic trước sinh nhật thứ 39 của anh vẫn luôn là điều mong mỏi của tay vợt người Thụy Sĩ.
Triệt tiêu vũ khí giao bóng của John Isner
“Trận này tôi giao bóng không được tốt nhưng chính Federer đã khiến tôi phải trả giá. Anh ấy đứng rất gần, chặn quả giao bóng của tôi. Anh ấy phản ứng rất tốt, rất nhanh. Federer không giống như những tay vợt khác”, John Isner nhìn lại mấu chốt của vấn đề đã khiến anh nhanh chóng gục ngã trước huyền thoại quần vợt Thụy Sĩ ở chung kết Miami Open.
Điểm mạnh nhất của tay vợt Mỹ cao tới 2,08m trước nay vẫn là những cú giao bóng sấm sét nhưng vũ khí sở trường ấy gần như đã bị Federer vô hiệu hóa trong một trận chung kết chóng vánh. Trên đường vào chung kết, Isner chỉ để đối thủ bẻ game đúng 4 lần nhưng ngay set đầu tiên gặp Federer, anh có tới 3 game cầm giao bóng thất bại.
Đấy chỉ là ví dụ nhỏ cho thấy Federer phán đoán và trả giao bóng tốt thế nào trong chiến thắng mang phong cách “tốc hành” đặc trưng của anh. Nếu thống kê ấy vẫn chưa đủ khiến bạn thấy được sức mạnh tuyệt đối của tay vợt Thụy Sĩ?
Trên đường vào chung kết, chỉ 10 lần Isner phải đối mặt với nguy cơ bị bẻ game nhưng chỉ riêng trận chung kết với Federer, anh cũng đã 10 lần lâm vào tình huống ấy và chỉ cứu được break 6 lần. Trong khi Federer không một lần để mất điểm giao bóng 1 thì Isner chỉ thành công 23 lần và có tới 16 lần thất bại. Trong khi Federer ăn điểm 12/15 lần giao bóng 2 thì Isner chỉ thành công 7/14 lần.
Giao bóng là thế mạnh lớn nhất của Isner nhưng suốt trận đấu tay vợt Mỹ chỉ ăn điểm ở 30/53 lần giao bóng (tỷ lệ 57%), thua xa so với 32/35 lần ăn điểm (tỷ lệ 91%) của Federer. Như vậy có thể thấy Federer chỉ để Isner ăn điểm khi anh cầm giao bóng đúng 3 lần còn khi Isner cầm giao bóng, Federer ăn điểm tới 23 lần. Một khác biệt cực lớn về hiệu quả trả giao bóng giữa hai tay vợt.
Chúc mừng “lão đại”. Cây trường sinh của quần vợt thế giới
Thực ra, nếu là những năm trước đây thì chuyện Roger Federer đánh bại một tay vợt gần như chỉ dựa vào vũ khí duy nhất là những quả giao bóng cực mạnh như John Isner không phải điều gì đó đặc biệt. Nhưng đây là Federer ở tuổi 37.
Ở cái tuổi mà nhiều tay vợt đã giải nghệ, Federer vẫn ở đó, sừng sững như một tượng đài, vẫn không ngừng chiến thắng và chinh phục các danh hiệu mới dù anh đã sở hữu cả bộ sưu tập khổng lồ các chiếc cúp đủ mọi giải đấu đỉnh cao trong sự nghiệp.
Đã bao lần người ta đặt ra câu hỏi: bao giờ thì Federer dừng lại? Nhưng đến lúc này câu hỏi ấy vẫn chưa có câu trả lời. “Tôi đang cảm thấy mình cực khỏe và rất sẵn sàng cho mùa giải đất nện”, Federer nói sau khi vô địch Miami Open.
Thông điệp đã được phát đi rất rõ ràng. Sau hơn 2 năm không chơi các giải đất nện, Federer sẽ trở lại trên mặt sân ấy mùa này, cho những cuộc chinh phục mới mà anh từ lâu đã coi chúng nhẹ nhàng như những cuộc dạo chơi. Có thể thắng, có thể thua nhưng tinh thần chiến đấu của Federer không thay đổi. Tình yêu quần vợt của Federer vẫn vẹn nguyên.
20 cúp vô địch Grand Slam, 28 cúp vô địch Masters 1000 và 101 danh hiệu trong cả sự nghiệp là gia tài khổng lồ đủ khiến bất cứ tay vợt nào cảm thấy thỏa mãn và ngưng chiến đấu. Nhưng Federer thì khác. Với anh không có khái niệm “đủ”. Anh không đếm những chiếc cúp đã giành được. Anh chỉ lắng nghe cơ thể và tinh thần của mình.
Chừng nào còn sung sức và tình yêu với quần vợt còn cháy bỏng, chừng đó anh còn cầm vợt ra sân để chơi, chơi nữa, chơi mãi. Quá hạnh phúc cho người hâm mộ khi còn được thưởng thức những tuyệt kĩ của một thiên tài nhưng lại quá đáng lo ngại cho những đối thủ vì tình yêu quần vợt của Roger là vĩnh cữu và hẳn là vẫn còn lâu lắm anh mới cảm thấy mệt mỏi để rút lui. Chúc mừng “lão đại” trong lịch sử quần vợt thế giới, người vẫn tiếp tục chứng minh tuổi tác chỉ là con số và thách thức mọi giới hạn.
HT
loading...