(Thethaovanhoa.vn) - Tôi bắt đầu quan tâm đến Ferrante sau khi một người bạn nói rằng, "nếu cậu muốn hiểu hơn về Napoli và Italy những năm trước kia, hãy đọc serie sách của bà ấy". Sự tò mò tăng lên hơn nữa, khi hãng phim Fandango, Freemantle và Wildside tuyên bố đã chuyển thể serie này để đưa lên màn nhỏ. Nhưng thực ra Elena Ferrante là ai? Không ai biết.
1. Tình bạn của hai người phụ nữ nghèo của một vùng ngoại ô Napoli trải dài từ những năm 1950 tới nay, qua biết bao thăng trầm và biến cố của cuộc đời, là sợi chỉ xuyên suốt bốn tập trong serie tiểu thuyết mà Elena Ferrante đã viết, kể từ cuốn đầu tiên ra đời vào năm 2011, ngay lập tức trở thành best-seller ở Italy, được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Cuốn thứ tư của bộ tiểu thuyết này mang tên Storia della bambina perduta (Câu chuyện về một đứa trẻ bị đánh mất) được nhật báo New York Times bầu chọn là một trong 10 cuốn sách hay nhất của năm 2015, trong khi Storia del nuovo cognome (Câu chuyện về một tên họ mới), cuốn thứ hai trong serie, giành được giải Sách dịch hay nhất trong năm 2014 ở Mỹ.
Trọn bộ 4 tập của bộ sách về tình bạn Elena-Lila đang gây sốt ở Italy và nhiều nước trên thế giới. Sách của Ferrante đã được dịch và phát hành ở 39 nước trên thế giới (chưa có Việt Nam)
Trong khi tạp chí Foreign Policy đưa Ferrante vào danh sách "Những người có ảnh hưởng trên toàn cầu" thì New York Times gọi bà là "một trong những tiểu thuyết gia vĩ đại của thời đại chúng ta".
Trong serie chuyện, người ta sẽ thấy nhân vật chính Elena Greco đã phải vượt qua những hạn chế về xuất thân của mình để được học hành, trở thành một nhà văn, sau đó chuyển đến sống ở Florence, trong khi Lila, bạn của bà, thì bị buộc phải thôi học và cuối cùng không bao giờ rời khỏi khu ngoại ô buồn của Napoli. Nhưng họ chưa bao giờ thôi liên lạc với nhau.
Mối quan hệ ấy được duy trì qua nhiều năm, dù Elena di chuyển qua nhiều nơi, với nhiều thăng trầm. Quan hệ của họ cũng như của họ với những người khác xảy ra trong những năm tháng đầy biến động về xã hội và chính trị của Italy.
Các thành phố của Italy, đặc biệt là Napoli, hiện lên sống động, đẹp đẽ, không quá lãng mạn, nhưng rất đời, qua từng ngóc ngách, quảng trường, khu phố qua bộ tiểu thuyết này. Thậm chí mới đây, một tour khám phá các địa điểm ở Napoli được nhắc đến trong sách cũng đã được tổ chức, và khá ăn khách.
2. Ngay từ khi tiểu thuyết đầu tiên của Ferrante được xuất bản, nhiều nhà phê bình văn học Italy cho rằng, Ferrante sẽ là một tác gia đáng chú ý của văn học Italy hiện đại. Việc nữ văn sĩ hoàn toàn không ra mặt, cố gắng tạo ra một bóng mây bí hiểm xung quanh nhân thân của mình càng khiến câu chuyện về bà trở nên ly kỳ và thu hút sự chú ý của không chỉ các độc giả, mà còn cả giới trí thức và giới xuất bản cả ở Italy lẫn nhiều nước khác, nhất là ở Mỹ.
Những cuộc suy luận về việc ai thực sự là Elena Ferrante đã dẫn đến việc không ít người dành nhiều thời gian để phân tích các chi tiết trong cuốn sách và tìm kiếm trong giới văn sĩ xem có ai giống bà không.
Bài viết của nhật báo nổi tiếng New York Times về Napoli qua tiểu thuyết của Elena Ferrante Người mới nhất lên tiếng phủ nhận mình không phải là Elena Ferrante là giáo sư lịch sử đương đại ở trường Đại học Federico II ở Napoli tên là Marcella Marmo. "Không, tôi không phải là Elena Ferrante", bà nói trên tờ La Repubblica. "Tôi không giỏi viết văn. Tôi chỉ sáng tạo ở trong bếp thôi".
Thực tế, Marcella Marmo chỉ là một trong số rất nhiều người bị nghi ngờ là Ferrante. Sách của Ferrante càng nổi, càng được thế giới đánh giá cao (sách hiện đã lọt vào chung kết giải đầy uy tín "Man Booker International 2016", ở hạng mục sách nước ngoài hay nhất), thì việc truy tìm bằng được tung tích của Elena Ferrante càng giống như trò đi tìm kho báu.
Những “phát hiện” về thân phận Elena trên thực tế chỉ là một câu chuyện mà dường như chính Elena và nhà xuất bản E/O đang muốn duy trì để tạo ra một bức màn bí ẩn xung quanh những gì họ đã tạo ra. E/O viết trên Twitter của họ hôm 13/3: "Hôm nay, trên báo chí lại rộ lên những giả thiết mới và một phủ nhận mới về danh tính của Elena Ferrante. Làm ơn hãy chỉ nói về những cuốn sách".
3. Bất chấp việc ở Italy và trên thế giới, người ta ca ngợi mình, Elena Ferrante chưa một lần ra mắt trước công chúng. Kể từ ngày ra mắt cuốn sách đầu tiên, L'amore molesto (Tình yêu rắc rối) vào năm 1992, từ đó dần dần trở thành một trong những nữ văn sĩ Ý hay nhất trong 20 năm qua, Elena Ferrante đã cố gắng bảo vệ bí mật cá nhân của mình, không một lần công khai xuất hiện trước công chúng và từ chối mọi cuộc trả lời phỏng vấn qua điện thoại.
Ngay cả Ann Goldstein, người dịch tiếng Anh của Ferrante, cũng chỉ liên hệ với bà qua nhà xuất bản.
Trong một bức thư ngỏ gửi E/O, nhà xuất bản nhỏ trở nên nổi tiếng và thành công nhờ các cuốn sách của mình, Ferrante viết: "Điều quan trọng là cuốn sách được đọc và nếu độc giả thấy nó thú vị, thì tên tác giả cũng có quan trọng gì".
Còn trong một trả lời phỏng vấn trên tạp chí Paris Review, thực hiện qua người xuất bản của bà, Ferrante giải thích rằng, bà sợ phải rời khỏi thế giới của riêng bà, và "tôi ngày càng trở nên sợ hãi trước thái độ của truyền thông, vốn không quan tâm đến cuốn sách và các giá trị của tác phẩm mà chỉ nhăm nhăm chú ý đến tên tuổi tác giả".
Một cách hy sinh cá nhân để cho tác phẩm của mình nổi hơn, đến với nhiều người hơn, hay đơn giản, việc tạo ra một bí ẩn về nhân thân tác giả chỉ là chiêu để quảng bá tác phẩm và chính tác giả hiệu quả hơn? Không phải ai cũng tin những lời mà Ferrante nói, nhưng những cuộc tranh luận và tìm kiếm về tác giả có lẽ sẽ chẳng bao giờ kết thúc, cho đến khi chính Ferrante ra mắt vào một thời điểm nào đó, khi đã chán cái cảnh mai danh ẩn tích rồi. Ai biết được, đến khi ấy, bà đã được Nobel văn học?
Suy cho cùng, bà là ai, hoặc đó chỉ là bút danh của một quý ông nào đó thích chơi trò trốn tìm, cũng không quan trọng, một khi hàng triệu bản sách đã được bán hết, và đang chờ đợi những cuốn sách tiếp theo.
Cũng giống như việc tôi chẳng bao giờ quên những đêm cách đây nhiều năm, nằm nghe tiếng piano mà một ai đó đã chơi ở căn hộ chỉ cách chỗ tôi ở vài bước chân. Lúc đầu, tôi cũng tò mò, khi nghĩ rằng, người chơi là một cô gái. Nhưng sau đó, tôi chẳng tự hỏi hoặc đi hỏi đó là ai nữa. Người ấy chơi Chopin thật tuyệt. Vậy thôi...
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa