loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Daniil Medvedev vừa giành được danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp khi đánh bại Dominic Thiem 4-6, 7-6 (2), 6-4 ở chung kết ATP Finals 2020. Liệu đó có phải một bệ phóng để anh chinh phục danh hiệu Grand Slam?
Lịch thi đấu bóng đá hôm nay. Lịch thi đấu bóng đá cúp C1 Champions League: trực tiếp MU vs Istanbul, Rennes vs Chelsea, Dynamo Kiev vs Barcelona. Lịch thi đấu bóng đá cúp C1 châu Á, bóng đá hạng nhất Anh. Lịch bóng đá ngày 24/11, sáng 25/11.
Tại ATP Finals 2019, Daniil Medvedev ra về không kèn không trống sau ba trận thua ở vòng bảng. Một năm sau, tay vợt người Nga toàn thắng 5 trận trước khi bước lên ngôi vô địch. Quan trọng hơn, Medvedev đã cho thấy những bước tiến rõ rệt, cả về chuyên môn cũng như tâm lý.
Sát thủ của những ông lớn
Với màn ngược dòng trước Dominic Thiem, Medvedev đã trở thành tay vợt đầu tiên đánh bại cả ba đối thủ Top 3 thế giới tại ATP Finals. Còn tính trong khuôn khổ ATP Tour từ năm 1990, chỉ có ba người làm được như thế là David Nalbandian (Madrid 2007), Novak Djokovic (Montreal 2007), và Boris Becker (Stockholm 1994).
Medvedev cũng là tay vợt Nga đầu tiên vô địch ATP Finals kể từ sau Davydenko năm 2009. Điều thú vị ở chỗ, Davydenko là quán quân đầu tiên khi giải được tổ chức ở London, còn Medvedev là quán quân cuối cùng trước khi giải đấu này chuyển sang Turin, Italy. "Rất cảm ơn Nicolay Davydenko vì đã truyền cảm hứng cho rất nhiều đứa trẻ như tôi vô địch ở đây", Medvedev tri ân đàn anh đồng hương trong lễ nhận giải.
Hai tuần trước, Medvedev tham dự Paris Masters 2020 với thành tích 18 thắng – 10 thua, và chưa thắng nổi một tay vợt Top 10 nào. Kể từ đó, anh thắng 10 trận liên tiếp, trong đó có 7 trận trước các đối thủ Top 10, để vô địch hai giải đấu lớn ở Paris và London. Những bại tướng đó là Dominic Thiem, Rafael Nadal, Djokovic, Zverev (2 lần), và Schwartzman (2 lần).
Trong khi chiến thắng trước Djokovic ở vòng bảng khá dễ dàng (6-3, 6-3) thì ở sau đó, Medvedev đã cho thấy ý chí thép với hai màn lội ngược dòng quả cảm. Tại bán kết, Medvedev bị Nadal dẫn 6-3, 5-4 và tay vợt người Tây Ban Nha cầm giao bóng ở game thứ 10. Đến chung kết, Medvedev thua set một, và bị dẫn 2-0 ở loạt tie-break của set thứ hai. Nhưng điểm chung là anh đều chiến thắng. Những màn ngược dòng liên tiếp ấy rõ ràng không thể là trùng hợp.
Bệ phóng cho Grand Slam?
Người ta hay gọi ATP Finals (hay trước đây là Masters Cup) là một Grand Slam thu nhỏ. Và chức vô địch giải đấu này được coi như thước đo cho năng lực của một tay vợt, để xem họ có đủ điều kiện để chiến thắng ở Grand Slam hay không.
Nhưng điều đó không có nghĩa lên ngôi ở ATP Finals là một sự bảo đảm cho chức vô địch Grand Slam. Thực tế, cả ba nhà quán quân gần nhất của giải đấu này là Grigor Dimitrov (2017), Alexander Zverev (2018) và Stefanos Tsitsispas (2019) đều chưa một lần giành Grand Slam. Trong số này, cũng chỉ có Zverev là vào đến chung kết Grand Slam mà thôi (US Open 2020). Cả ba tay vợt trên đều đã và đang được coi là thế hệ kế cận của Big Three, nhưng họ vẫn cần một cú hích thực sự để vươn mình thành một ngôi sao lớn.
Trước đó, đồng hương của Medvedev là Davydenko, dù đã vô địch ATP Finals 2009 nhưng chỉ cùng lắm là vào đến bán kết Grand Slam. Nalbandian cũng từng vô địch ATP Finals năm 2005, nhưng cũng chưa vô địch Grand Slam. Còn Andy Murray đến ATP Finals khi đã là chủ nhân của 2 Wimbledon (2013, 2016), 1 US Open, và 2 HCV Olympic, nhưng sau chức vô địch ATP Finals 2016, đã sa sút không phanh.
Những khác biệt lớn về thể thức thi đấu (vòng bảng rồi mới vào bán kết thay vì loại trực tiếp), về khả năng chịu đựng (đánh 3 set thắng 2, thay vì 5 set thắng 3), hay thời điểm tổ chức giải (thường vào cuối năm, khi các tay vợt lớn mệt mỏi và ít động lực hơn) được xem là những lý do xác đáng nhất để lý giải cho hiện tượng này. Nhưng trong một năm 2020 khá điên rồ vì Covid-19 thì mọi chuyện hơi khác một chút khi Nadal và Djokovic đều đến London với thể trạng sung mãn vì ít phải cày ải, và vì thế, chức vô địch của Medvedev cũng có phần thuyết phục hơn.
“Chức vô địch này rất có ý nghĩa với tôi. Nó cho thấy tôi có thể chơi tốt như thế nào khi tôi sung mãn về thể lực và thư thái về tinh thần. Tôi biết năng lực của mình và chỉ cần tiếp tục duy trì những màn trình diễn như thế này nữa”, Medvedev quả quyết. Và anh, cũng như Thiem, hay Zverev, Rublev, Tsitsipas có lợi thế đáng kể, khi thời gian vẫn chờ đợi họ. Chỉ cần kiên nhẫn và cố gắng, thế hệ này sẽ đủ khả năng khỏa lấp khoảng trống mà Big Three sẽ để lại.
Bảng vàng ATP Finals
- 6 lần vô địch: Federer (2003, 2004, 2006, 2007, 2010, 2011)
- 5 lần vô địch: Novak Djokovic (2008, 2012, 2013, 2014, 2015), Pete Sampras (1991, 1994, 1996, 1997, 1999), Ivan Lendl (1981, 1982, 1985, 1986, 1987)
- 4 lần vô địch: Ilie Nastase (1971, 1972, 1973, 1975)
- 3 lần vô địch: Boris Becker (1988, 1992, 1995), John McEnroe (1978, 1983, 1984)
- 2 lần vô địch: Bjorn Borg (1979, 1980), Lleyton Hewitt (2001, 2002)
- 1 lần vô địch: 15 tay vợt
|
Phương Chi
loading...