(Thethaovanhoa.vn) - Người Pháp ăn mừng chiến thắng lịch sử trên sân nhà trong khi cả thế giới tự hỏi điều gì đã xảy ra với tượng đài, “người ngoài hành tinh” Ronaldo.
Vào lúc quốc thiều Brazil được cử lên ở Stade de France, máy quay bám chặt vào một người, điều chẳng có gì lạ. Ronaldo, với tên họ đầy đủ Ronaldo Luís Nazário de Lima, đang là Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới, Hiện tượng, Người ngoài hành tinh, Siêu sao của một ĐT Brazil đang hy vọng trở thành đội đầu tiên trong lịch sử 2 lần bảo vệ thành công chức vô địch World Cup. Chẳng có gì lạ khi máy quay tập trung vào những cầu thủ tài năng, và tài năng lớn nhất lúc bấy giờ của bóng đá thế giới là Ronaldo, một sự kết hợp siêu nhiên của sức mạnh, tốc độ, kỹ năng, cầu thủ mà mọi cậu bé từng xỏ giày chơi bóng đều muốn trở thành. Ronaldo mới 21 tuổi, nhưng những hy vọng và giấc mơ của nền bóng đá thế giới đã được đặt lên vai anh.
Giả định lúc đó rằng Brazil sở hữu một đội hình đủ tài năng để xử lý áp lực, nhưng đó không phải là một buổi tối như mọi buổi tối, ngay cả với tiêu chuẩn điên loạn của một trận chung kết World Cup. 18 năm đã qua, những gì còn đọng lại ở buổi tối Paris đó vẫn đầy bí ẩn và lạ lùng, tình huống khó hiểu dẫn tới việc Ronaldo đầu tiên bị loại ra khỏi đội hình xuất phát của Brazil rồi sau đó được đưa vào trở lại là một trong những sự cố kỳ quặc nhất mà bóng đá từng chứng kiến. Phủ bóng lên đó là những tin đồn đại, những thuyết âm mưu, những tuyên bố cáo buộc, những lời phủ nhận đầy giận dữ, và trên hết, một câu chuyện mà tìm ra sự thật cũng như mò kim đáy bể.
Tới tận ngày nay, chỉ một nhóm nhỏ vài người biết điều gì đã xảy ra trong vài giờ trước trận chung kết, điều đã khiến HLV ĐT Brazil khi đó, Mário Zagallo, rút lại quyết định và đưa Ronaldo vào đội hình xuất phát. Sau này, tin tức lộ ra từ Brazil cho biết Ronaldo đã bị co giật trong phòng khách sạn buổi chiều hôm đó, được các đồng đội cứu và đưa tới bệnh viện. Như thế, quyết định của Zagallo khó có thể mang tính chiến thuật. Rất nhiều người tin rằng đằng sau đó là cả một âm mưu chính trị.
Cựu tiền đạo ĐTQG Brazil vừa đưa ra một tuyên bố gây sốc về sự ảnh hưởng của tình dục đối với phong độ của các cầu thủ trên sân cỏ.
Chúng ta biết chắc là vào ngày 12/7/1998, ĐT Brazil chuẩn bị đá trận chung kết World Cup với chủ nhà Pháp và bởi có Ronaldo, họ là đội được đánh giá cao hơn. Vào lúc 7g48 tối giờ địa phương, 72 phút trước khi bóng lăn, đội hình xuất phát của hai bên được in ra nộp cho FIFA. Người nhận tài liệu này của FIFA tất nhiên phải kiểm tra rất kỹ. “Đây rồi, mọi thứ xem ra ổn rồi. Taffarel; Cafu, Júnior Baiano, Aldair, Roberto Carlos, Leonardo, Dunga (đội trưởng), César Sampaio, Rivaldo, Bebeto, Edmundo. Edmundo? Edmundo sao?! Đợi tí đã, Ronaldo đâu? Ngài Zagallo, ngài không nhầm chứ?”
Không có gì nhầm lẫn. Zagallo được cho là đã ra quyết định vào lúc khoảng 5 giờ chiều, thông báo với Edmundo rằng anh sẽ đá chính và Ronaldo, chân sút số 1 của Brazil ở giải với 4 bàn, ngồi dự bị. Ông sau đó thông báo với cả đội và trong một nỗ lực khích lệ tinh thần đội nhà, Zagallo cho biết ông từng có mặt trong đội hình Brazil chiến thắng trận chung kết 1962 mà không có Pelé. Tuy nhiên, một số cầu thủ của Zagallo trước đó đã chứng kiến đồng đội của họ, ngôi sao lớn, và một chàng trai trẻ khỏe mạnh co giật trên giường.
Danh sách đội hình xuất phát đầu tiên được đưa cho các nhà báo, chỉ ngay sau 8 giờ tối, và lý do không chính thức giải thích cho sự vắng mặt của Ronaldo là anh dính chấn thương mắt cá ở trận bán kết gặp Hà Lan 5 ngày trước. Các câu hỏi ngay lập tức đổ tới dồn dập từ cánh phóng viên. Trên BBC, John Motson kể lại: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy điều gì như thế trong sự nghiệp. Khung cảnh trong phòng bình luận là hoàn toàn hỗn loạn và rối rắm”.
Việc Ronaldo bị loại bỏ hoàn toàn khó hiểu. Dù có những tin tức nói cân nặng của anh nhiều hơn so với bình thường và có khả năng vấn đề với đầu gối của anh sẽ ảnh hưởng tới giai đoạn sau trong sự nghiệp - anh đã bị đau đầu gối gần suốt giải và phải dùng thuốc giảm đau liên tục - Ronaldo vẫn là cầu thủ giỏi nhất của Brazil và được chờ đợi sẽ đá chính và là ngôi sao của trận chung kết, ngay cả trước một đối thủ Pháp với hàng thủ mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ.
Khán giả thì không thể tránh khỏi sự thất vọng, không Ronaldo, mất vui. “Anh ấy không tới Pháp để tranh tài với các cầu thủ cùng thế hệ, mà để tìm kiếm vị trí trong số những người giỏi nhất của cả 2 thiên niên kỷ”, Jorge Valdano viết vào ngày trước khi trận đấu diễn ra. “Nếu Romário, người tiền nhiệm của anh, tài năng, thì Ronaldo là một thiên tài. Nếu Romário là sát thủ trong vòng cấm, thì Ronaldo có thể chơi như thế ở một nửa sân đối phương. Nếu Romário là quá khứ, thì lối chơi tốc độ choáng ngợp của Ronaldo thuộc về tương lai”. Đặt trong bối cảnh, hãy tưởng Argentina sẽ phản ứng ra sao nếu họ vào chung kết World Cup 2014 mà Lionel Messi vắng mặt. Twitter sẽ sập mạng.
Sự bối rối tiếp tục, và Brazil không ra sân để khởi động, nhưng tin đồn đã lan đi rằng đội hình xuất phát đã được sửa lại và Ronaldo sẽ đá chính. Anh hồi phục nhanh trong một thời gian siêu ngắn. Nhiều người tỏ ý nghi ngờ.
Zagallo loại Ronaldo ra khỏi đội hình xuất phát rồi đưa trở lại
Ronaldo là cầu thủ Brazil cuối cùng rời đường hầm. Máy quay tập trung vào anh và tiếp tục thế trong suốt thời gian cử quốc thiều, xoáy sâu vào vẻ mặt thụ động ấn tượng của anh. Về phần anh, khuôn mặt lạnh lẽo của Ronaldo không thể hiện điều gì, hoặc là anh bị chóng mặt. Anh có vẻ hơi nhếch mép, và chỉ có thế. “Ronaldo”, bình luận viên của kênh ITV, Brian Moore, nói. “Anh đã vượt qua được cuộc khủng hoảng chấn thương đột ngột”.
Với việc truyền thông và dư luận vẫn chưa hay biết gì về những sự kiện xảy ra trước đó, người ta cho rằng sự có mặt của Ronaldo sẽ khiến trận chung kết nghiêng về phía Brazil. Nhưng họ đã bị chỉ trích dữ dội suốt giải, kết quả của sự thận trọng quá đáng nơi Zagallo, bởi hàng công thiếu sắc bén và sự phụ thuộc quá nhiều vào Ronaldo, người im tiếng ở vòng bảng nhưng bùng nổ ở vòng đấu loại trực tiếp, ghi 2 bàn và sút trúng khung thành 2 lần trong chiến thắng 4-1 trước Chile ở vòng 2, kiến tạo 1 bàn cho Rivaldo trong trận thắng Đan Mạch 3-2 ở tứ kết và ghi bàn ở trận bán kết gặp Hà Lan, trước khi giúp Brazil vượt qua đối thủ này trên chấm 11 mét.
Pelé cảm thấy Brazil là một tập hợp của những cá nhân lớn hơn là một đội bóng lớn, trong khi những chỉ trích từ Johan Cruyff còn gay gắt hơn. “Tôi đã nói điều này vào đầu giải, rằng tôi không thích ĐT Brazil này, và giờ tôi vẫn nghĩ thế. Sẽ rất tệ cho bóng đá nếu Brazil vô địch với lối chơi nghèo nàn như thế, vì cả thế giới sẽ học theo họ”.
Viết vào buổi sáng trước trận đấu, Ruud Gullit nói ông thất vọng với ĐT Brazil và thấy Hà Lan mới là đội mạnh nhất giải cho tới khi họ bị loại đầy tiếc nuối trên chấm luân lưu. Nhưng Brazil đã tỏ ra họ rất vững vàng về mặt tinh thần và Zagallo không ngại những chỉ trích. “Chúng tôi sẽ không mạo hiểm để lộ ra khoảng trống”, ông nói. “Nếu không, chúng tôi sẽ thua”.
Nhưng trong khi hàng thủ Brazil chơi rất tốt trước Hà Lan, họ tan vỡ hoàn toàn trước Pháp. Và Ronaldo thì chỉ lờ lững trên sân, gần như không chạm bóng trong hiệp 1. Anh bị theo sát và gây khó dễ đủ kiểu bởi Frank Leboeuf, trung vệ đá chính thay cho Laurent Blanc bị treo giò. Trong vài dịp hiếm hoi Ronaldo có bóng, anh thường ở ngay đường biên giữa sân, quay lưng về phía khung thành và xử lý chậm chạp, liên tiếp để Leboeuf cướp mất bóng.
Ronaldo lờ đờ trên sân, vô hại trước Bathez
Dễ dàng bị Leboeuf phong tỏa
Gây thất vọng nhưng vẫn đá trọn trận
Trận Chung kết Pháp - Brazil 3-0 tại World Cup 1998
Mới 20 phút trôi qua và đã rõ là Ronaldo gặp trục trặc lớn, dù các BLV chưa ý thức hết sự nghiêm trọng của tình hình; giống như chúng ta, họ không biết câu chuyện hậu trường. “Nếu là một cầu thủ khác, anh ta hẳn đã không được đá, nhưng anh ta hiện quá quan trọng và là cảm hứng của đội bóng”, Kevin Keegan nhận xét. “Hiện giờ, đây là một canh bạc không được sáng sủa. Tôi có cảm giác là mắt cá anh ta sẽ không khá hơn, và cả đầu gối nữa”. Moore phân tích thêm: “Điểm mạnh của anh ấy là tốc độ như điện xẹt và bạn cần mắt cá rất vững để chạy như thế”, anh nói.
Ronaldo gần như chỉ tản bộ suốt thời gian trên sân. Vào giữa hiệp 2, anh tăng tốc vượt qua Thuram bên cánh trái và dù tạt được bóng vào trong, thủ thành của tuyển Pháp Fabien Barthez đã xử lý tốt. Sau khi Zidane đánh đầu đưa Pháp lên dẫn trước từ quả phạt góc của Emmanuel Petit, Dunga chuyền một đường bóng qua đầu hàng thủ tuyển Pháp cho Ronaldo đuổi theo, nhưng Barthez lao ra, giành lấy bóng ngay lập tức từ Ronaldo. Tiền đạo của Brazil ngã sóng xoài ra đất.
Trong khi đó, Pháp chơi rất thoải mái và sau khi Petit, Djorkaeff và Guivarc’h lần lượt phung phí các cơ hội, Zidane lại đánh đầu ghi bàn thứ 2 ngay trước giờ nghỉ.
Zidane, đã bị chê bai vì chiếc thẻ đỏ ngớ ngẩn ở trận gặp Saudi Arabia tại vòng bảng, rốt cuộc bước lên sân khấu lớn sau 2 thất bại liên tiếp ở các trận chung kết Champions League trong màu áo Juventus, dưới tay Borussia Dortmund và Real Madrid. Pháp từng chơi rất chật vật trước Paraguay ở vòng 2 khi không có Zidane, nhưng rồi anh trở lại ở trận tứ kết gặp Italy và trận bán kết trước Croatia. “Zidane, Zidane, Zidane, nước Pháp trải qua cơn cuồng Zizou”, Marcel Desailly viết trong tự truyện của anh. “Tôi chưa bao giờ tưởng tượng mọi chuyện lại có thể diễn tiến như thế. Đôi khi tôi tự hỏi nhờ đâu một cá nhân có thể tạo ra đam mê lớn như thế”.
Những bình luận của Desailly cũng cho thấy áp lực khủng khiếp đè nặng lên các ngôi sao lớn của giải đấu. Ngay cả sau hiệp 1 tồi tệ đó, Zagallo vẫn không thay Ronaldo ra. Roberto Carlos, bạn thân nhất của Ronaldo trong đội hình, tự nhủ phải chăng anh bị quá tải và Ronaldo đã “bật khóc tối hôm đó và vào buổi chiều, anh ấy trông còn vàng vọt hơn màu áo của chúng tôi”.
Dù Desailly bị đuổi khỏi sân vì một thẻ vàng thứ 2 vào cuối trận, Brazil chẳng làm thêm được gì, với Ronaldo chơi trọn 90 phút và Edmundo vào sân khi trận đấu còn lại 15 phút. Họ lại dính đòn phản công vào cuối trận, Patrick Vieira chuyền bóng để Petit ghi bàn thứ 3 cho Pháp. Brazil đã bị đánh bại hoàn toàn. Pháp trở thành nhà VĐTG.
Zidane trở thành ngôi sao của trận Chung kết
Pháp bước lên đỉnh cao thế giới với Aimé Jacquet
Trong khi tuyển Pháp ăn mừng chức vô địch World Cup đầu tiên, một cuộc điều tra về màn trình diễn của Brazil bắt đầu. Điểm nhấn là những chỉ trích nhắm vào Zagallo và ông đã thừa nhận nỗi sợ liên quan tới Ronaldo ảnh hưởng tới đội bóng về mặt tâm lý. “Trong cả hiệp 1 tôi tự hỏi liệu có nên thay cậu ấy ra không”, ông nói. Nhưng Zagallo nổi giận khi bị hỏi thêm về tình trạng thể lực của Ronaldo, ông bỏ ra khỏi phòng, và hét to “tôi cũng có tự trọng”.
Vậy tại sao Zagallo không loại Ronaldo? Trước hết, ông nói ông không thích phải xử lý với những chỉ trích nếu ông thay anh ra. Nhưng các thuyết âm mưu vẫn nở rộ, với thuyết phổ biến nhất cho rằng Nike đã gây áp lực để Brazil phải cho Ronaldo ra sân. Hãng thể thao này bị cáo buộc đã sử dụng hợp đồng tài trợ 105 triệu bảng của họ với LĐBĐ Brazil (CBF) để cầu thủ có giá trị tiếp thị nhất thế giới phải xuất hiện trên sân. “Một cầu thủ 21 tuổi, giỏi nhất thế giới, và bị vây quanh bởi những hợp đồng và áp lực”, Roberto Carlos nói. “Rồi điều đó sẽ xảy ra với cậu ấy, vấn đề là nó xảy ra ngay ở trận chung kết World Cup”.
Với nhiều người Brazil, chỉ trích một tập đoàn đa quốc gia lớn là hợp lý và là lên tiếng cảnh báo việc tiền bạc đã hủy hoại bóng đá. Tuy nhiên, Nike nhanh chóng và quyết liệt bác bỏ các cáo buộc. Chậm chạp nhưng chắc chắn, các chi tiết của vụ việc xuất hiện và khá rõ là chấn thương mắt cá chỉ là chuyện bịa. “Có vẻ như cậu ấy đã bị quỷ ám”, Roberto Carlos nói. “Ngay cả cậu ấy cũng không biết điều gì đang xảy ra”.
Bác sĩ của đội, Lídio Toledo, phát biểu với truyền thông và nói: “Cậu ấy không thấy khỏe vào buổi chiều và giờ đã thấy khỏe hơn. Điều gì xảy ra với cậu ấy? Khá đơn giản, cậu ấy thấy mệt và muốn nghỉ ngơi, tôi muốn nhấn mạnh là giờ cậu ấy đã khỏe hơn nhiều”. Tuy nhiên, sau đó báo Brazil O Globo cho biết quyết định không thuộc về Zagallo, mà ở trong tay Ricardo Teixeira, chủ tịch CBF và là con rể của João Havelange, lúc đó còn là chủ tịch FIFA.
Tờ báo nói Teixeira được thông báo Ronaldo phải ra sân và nói rằng anh sẵn sàng. Tuyên bố duy nhất của Ronaldo là nói với kênh truyền hình Globo vài tuần sau đó rằng anh không phải là một kẻ hèn nhát. Tới nay, anh vẫn nói là mình sẵn sàng về thể lực. “Tôi không nhớ chính xác, nhưng tôi đi ngủ và bác sĩ nói có vẻ tôi đã bị co giật 30-40 giây”, Ronaldo nói. “Tôi thức dậy và thấy đau nhức toàn thân, nhưng sau một lúc thì hết”.
Người Brazil không thể hài lòng. Zagallo bị sa thải. Toàn bộ ban huấn luyện và đội ngũ bác sĩ cũng thế, và quốc hội Brazil mở điều tra chính thức. Từ cuộc điều tra đó, hóa ra đội hình Brazil đã ăn trưa trước trận chung kết, trở lại phòng của họ ở khách sạn Château de Grande Romaine lúc 2 giờ chiều, khi mà Ronaldo, lúc đó đang ở cùng Ronaldo Carlos, bị co giật và sùi bọt mép. Khi Roberto Carlos hét lên nhờ giúp đỡ, Edmundo, ở phòng bên cạnh, đã chạy sang và chứng kiến khung cảnh gây sốc.
“Hậu vệ César Sampaio là người đầu tiên thực hiện sơ cứu tại chỗ”, Alex Bellos viết trên báo Anh Guardian năm 2002. “Anh tới chỗ Ronaldo trước các bác sĩ và Edmundo giữ chặt Ronaldo, đặt tay lên miệng để ngăn anh cắn phải lưỡi”. Ronaldo sau đó thiếp đi. Anh được theo dõi từng phút một, nhưng không tỉnh lại cho tới cuối giờ chiều.
Đây là nội dung cuộc chất vấn do Guardian tiết lộ vào năm 2002:
* Ủy ban quốc hội: “Ronaldo run rẩy hay co giật?”
- Edmundo: “Co giật rất mạnh”.
* Ủy ban: “Anh ấy có nằm xuống đất”.
- Edmundo: “Nằm xuống đất và co giật mạnh, tay vung vẩy như thế này (làm cử chỉ), răng…”
* Ủy ban: “Nghiến chặt?”
- Edmundo: “Nghiến chặt và sùi bọt mép”.
* Ủy ban: “Cả cơ thể anh ấy co giật?”
- Edmundo: “Cả cơ thể”.
Edmundo (trái) đã chứng kiến cơn động kinh của Ronaldo
Ronaldo hạ Đức ở Chung kết World Cup 2002
Toledo và một đồng sự của ông, bác sĩ Joaquim da Mata, đã kiểm tra Ronaldo và anh được đưa vào bệnh viện Lilas ở Paris vào lúc 5 giờ chiều. Các xét nghiệm cho thấy anh không gặp vấn đề gì và rời viện lúc 6g30 tối, tới sân bóng lúc 8g10 tối và nói với Zagallo rằng anh muốn ra sân. Vì thế anh đã ra sân, có vẻ cả HLV và bác sĩ đều không muốn cản đường anh. “Hãy tưởng tượng tôi ngăn anh ấy ra sân và Brazil thua”, Toledo nói với ủy ban điều tra của quốc hội. “Khi đó tôi sẽ phải chuyển nhà lên sống ở Bắc Cực”.
Zagallo cũng giận dữ bác bỏ cáo buộc nói ông được lệnh phải cho Ronaldo ra sân. “Nếu có người can thiệp, tôi đã từ chức”, ông nói. “Tôi không bao giờ chấp nhận sự can thiệp từ trên khi làm HLV, dù ở CLB hay ĐTQG”. Tuy nhiên, câu hỏi là liệu Ronaldo có phải là người tốt nhất quyết định anh có sẵn sàng hay không cho trận đấu lớn nhất sự nghiệp 7 giờ sau khi bị co giật. Giáo sư Alex Caetano de Barros, từng làm việc ở Inter Milan, CLB của Ronaldo, kiểm tra cầu thủ này và nói việc để anh ra sân là “một sai lầm tồi tệ, do 24 tiếng sau khi bị co giật là khoảng thời gian khả năng tái phát cao nhất”.
Liệu việc dùng thuốc giảm đau quá nhiều trước đó có phải là nguyên nhân dẫn tới cơn co giật? Một tháng sau trận chung kết, Da Mata lên tiếng. “Trong bằng ấy năm, tôi chưa bao giờ thấy một cầu thủ bị co giật”, ông nói. “Tôi nghĩ đó là một bi kịch với Ronaldo”. Ông nói ông đã kê thuốc giảm đau sau khi chấn thương đầu gối của Ronaldo tăng nặng vào đầu giải và đó là thuốc uống chứ không phải thuốc tiêm. “Thuốc không quá mạnh, không thể gây co giật”, Da Mata kết luận.
Dù sự thật có là thế nào, vẫn còn quá nhiều mảng tối trong câu chuyện. Tuy nhiên, cuối cùng thì Ronaldo cũng đã có một kết thúc có hậu: anh ghi 2 bàn trong trận chung kết World Cup 2002 và “O Fenomeno” thật sự bước lên đỉnh cao thế giới.
3 giả thuyết
Giả thuyết 1: Ronaldo che giấu tình trạng thể lực của anh Đây không hẳn là một thuyết âm mưu, mà là một sự quy trách nhiệm rõ ràng cho Ronaldo và các bác sĩ của đội. Vụ co giật ngày 12/7/1998, theo những gì chúng ta biết tới giờ, là lần duy nhất Ronaldo bị như thế trong cả sự nghiệp.
Giả thuyết 2: Các cầu thủ Brazil bán độ Theo giả thuyết này, các cầu thủ Brazil được đề nghị 15 triệu bảng, còn CBF được quyền tổ chức World Cup tiếp theo, nếu họ “buông” trận chung kết trước chủ nhà Pháp. Trong thỏa thuận còn có cả việc sẽ đảm bảo cho Brazil kết quả bốc thăm có lợi tại World Cup 2002.
Giả thuyết 3: Nike buộc Ronaldo phải ra sân Giả thuyết này đã được đề cập trong bài và bị Nike bác bỏ gần như ngay lập tức.
|
Sự nghiệp vinh quang và đau đớn của "Người ngoài hành tinh":
Trần Trọng
Theo Guardian