Bạo loạn bóng đá ở Indonesia: Nuôi lớn con quái vật
Thật khó tin là trong một thời đại mà mọi thứ đang trở nên trực tuyến hơn bao giờ hết, thì trải nghiệm trực tiếp một trận bóng đá lại nguy hiểm đến vậy.
1. Ngoại trừ chuyện công việc, tôi không đến sân với tư cách khán giả đã gần hai năm, một điều có lẽ chẳng nên phô ra, với những người yêu thích bóng đá từ bé như tôi. Nhưng trải nghiệm khó quên trong một lần ngồi trên khán đài và chứng kiến hai nhóm cổ động viên lời qua tiếng lại gần như sắp ẩu đả đến nơi đã khiến tôi trở nên dè dặt, trước khi quyết định hòa vào đám đông trên khán đài một lần nữa.
“Đánh chết m* nó đi” - một người trong nhóm CĐV của đội chủ nhà hét lên. Ngay lập tức, phía bên kia la ó lại, đòi “đập chết ** chúng mày giờ”. Hai bên bắt đầu gườm nhau suốt cả trận, và đấy là lúc cận kề bạo lực. May làm sao, dưới sân, một pha sút bóng đập cột dọc đã thu hút sự chú ý của cả hai bên. Tôi vốn nhát, nên thấy vậy xin về vội, thì anh bạn, một người trong hội CĐV chủ nhà, mới bảo: “Có thế thôi mà đã sợ à? Xem bóng nó phải máu lửa thế mới vui chứ”.
Kiểu máu lửa này tôi cũng không lạ gì, khi còn chơi bóng phong trào. Bạn có thể bắt gặp rất nhiều lời dạy về “kinh nghiệm” chơi bóng là phải thủ tí “võ”, kê tay, đánh chỏ, và sẵn sàng “chiến” nếu cần thiết. Bóng đá là môn thể thao đối kháng, tất nhiên bạn không thể đòi hỏi người ta thi đấu và thưởng thức chúng một cách nhẹ nhàng. Trong nhiều năm, tôi chấp nhận chuyện này như một lẽ đương nhiên, rằng xem bóng thì phải “máu” và chơi bóng thì phải sẵn sàng “múc”. Kiểu sân chơi của đàn ông mà, sợ thì về nhà với mẹ.
Nhưng vào cái ngày ngồi giữa hai nhóm CĐV đang gằm ghè và sẵn sàng lao vào nhau đến nơi, có khác biệt so với những lần đến sân trước đây: Tôi bế theo đứa con nhỏ của mình đến sân. Trong một khoảnh khắc kiểu vậy, bạn bất chợt sợ hãi. Dù trước đó, bạn coi sự bất an này là một phần thú vị của cuộc chơi.
Phải đến khi đọc tin tức về vụ bạo loạn khiến gần 200 người chết trong một trận bóng ở Indonesia, tôi mới hiểu cảm giác lúc đó của mình. Trên sân lúc đó không đơn giản là chuyện hai nhóm CĐV ngứa mắt với nhau: Tôi đã chứng kiến hoạt cảnh này nhiều lần, và giờ nghĩ lại, bạn đều có thể nghĩ ra một lý do khiến số phận không đẩy mọi chuyện đi thêm một ly nữa. Khi bạn đã gieo một hạt giống, thì bạn luôn có khả năng phải chứng kiến nó lớn lên thành cái cây.
- ĐT Indonesia có nguy cơ khủng hoảng trầm trọng sau vụ bạo loạn của các CĐV
- V-League và bài học từ thảm kịch bóng đá Indonesia
2. Irlan Alarancia, người đứng đầu nhóm CĐV Hard-Lines cuồng CLB Jakarta, đã truyền đi một thông điệp thống nhất trong nhiều năm cùng các “chiến hữu” cổ động đội Persija: “Tôi muốn các anh phải mạnh mẽ, và luôn sẵn sàng để chiến. Đàn ông là phải thế”. Người đàn ông này chính xác là hình ảnh đại diện của văn hóa cổ động tại Indonesia bây giờ: “sampai mati”, dịch nôm na là “cho đến chết”.
Trước thảm họa ở Malang Regency vừa qua, có đến 70 CĐV Indonesia đã thiệt mạng vì bóng đá kể từ năm 1995 tới nay: 14 người bị đâm, 11 người bị đánh, 6 người chết vì bị giẫm đạp, 2 người rơi từ trên khán đài, 12 người bị tai nạn giao thông, 1 người bị bắn, 2 người chết vì hơi cay và một người khác chết trong một vụ nổ. Lần gần nhất xảy ra cách đây bốn năm, khi Haringga Sirila, một CĐV của đội Persija, đã bị nhóm CĐV Persib hành hung đến chết bên ngoài sân vận động Gelora Bandung Lautan Api.
Số lượng cảnh sát ở Indonesia đã được tăng cường liên tục, cho đến khi thảm kịch xảy ra. Tất nhiên là bây giờ, bạn có thể đổ lỗi cho rất nhiều điều, trực quan nhất là sự dung túng của ban tổ chức, thậm chí là cả… chính phủ Indonesia. Sự trấn áp có vẻ chưa đủ mạnh, dẫn đến những hành vi bạo lực leo thang không thể kiểm soát.
Nhưng chủ nghĩa côn đồ ở đây có vẻ không đơn giản chỉ là sự nóng giận. Chúng bám rễ mạnh mẽ qua các thông điệp, là tinh thần cổ động “cho đến chết”, hoặc thậm chí là lời bài hát của rất nhiều nhóm CĐV Indonesia, vốn thường có câu cửa miệng “chúng phải bị giết”. Hạt giống bạo lực đã được gieo từ lâu, và chúng tăng trưởng mạnh mẽ trong một ngày số phận thấy rằng không việc gì phải nương tay nữa cả.
***
Quay trở lại với khoảnh khắc bế con ngồi trên sân đã khiến tôi quyết định rằng đấy có thể là lần cuối mình đến sân, bạn có thể cho rằng tôi đã quá cực đoan. Nhưng hãy nhìn lại thảm kịch vừa qua tại Indonesia: Nó không phải là thứ rơi từ trên trời xuống. Nó tích lũy, bền bỉ phát triển, và bùng nổ khi có cơ hội.
Tôi đã nhìn thấy những thông điệp ủng hộ kiểu ấy, trong suốt quá trình gắn bó với bóng đá của mình. Những gì đã diễn ra có thể là một bài học, cho những người lo xa. Nhưng đó cũng có thể chỉ là một câu chuyện tầm phào, ta sẽ thấy xót xa đôi chút, và quên ngay vào buổi tối, sau khi MU vừa thua một trận thảm họa trước Man City, chiếm sóng lại mạng xã hội. Dù nghĩ cho kỹ, chúng ta đều hiểu rằng chuyện gì hệ trọng hơn, và đáng phải bàn nhiều hơn.
Phạm An