(Thethaovanhoa.vn) - Sống hết mình vì đam mê tuổi trẻ. Nắng, mưa, gió, bụi đường với họ là chuyện nhỏ. Nguy hiểm nhất là họ luôn thường xuyên đối mặt với mối đe dọa trực tiếp đến tính mạng. Không phải ngẫu nhiên mà bà Lý Nhã Kỳ, Phó Chủ tịch Liên đoàn xe đạp – mô tô thể thao Việt Nam, đã không giấu nổi sự xót xa khi chứng kiến các VĐV nữ trên đường đua.
Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương 2016 đã kết thúc, mọi danh hiệu đều xứng đáng với những cá nhân và tập thể đạt được. Nhưng, đằng sau những giải đấu thành công ấy, ít ai biết rằng các VĐV đã phải đánh đổi rất nhiều.
Hiểm nguy chực chờ
Để chinh chiến được ở các giải đấu, các tay đua nữ cần có quá trình dài rèn luyện trên đường đua. Họ phải dầm nắng, đội mưa, nuốt trọn giáo án mà ban huấn luyện đề ra. Trong giới đua xe đạp, chuyện “đo đường” dường như là rất bình thường với các tay đua. Tuy nhiên, sự lì đòn và kiên trì đã giúp các cua-rơ trưởng thành hơn. Ở giải đấu vừa qua, hầu như ở chặng đấu nào các tay đua cũng phải gặp phải tai nạn, nhưng sau cú té ngã ấy, các cô gái lại mau chóng đứng dậy và tiếp tục đạp tăng tốc bám theo đoàn đua.
Đặng Thị Ngọc Huyền, tay đua nổi tiếng của Đồng Tháp, chia sẻ “Trên người chúng em chi chít những vết sẹo, nhưng không sao anh ạ, có sẹo mình mới có được thành công. Không phải chúng em té ngã vì chúng em chạy không tốt, không đúng kỹ thuật mà có những tình huống mình không biết phải làm sao khác được. Ai mà muốn mình té đâu, mà đôi khi té lại giúp mình chịu đòn hơn, biết phấn đấu hơn. Vấp ngã biết đứng dậy đi tiếp mới là tốt chứ”.
Trên đường đua có đội mô tô làm nhiệm vụ bảo vệ đường đua nên các phương tiện lưu thông trên đường giảm đi hẳn, nhưng điều đó không có nghĩa là các cuarơ sẽ tránh khỏi những nguy hiểm phải đánh đổi cả tính mạng. Như ở chặng thi đấu thứ 9, tay đua Kim Anh (Đồng Tháp) và 2 tay đua khác va vào nhau làm té ngã. Sau đó, Kim Anh đứng dậy tiếp tục đạp tăng tốc để bám tốp thì bất ngờ một xe tải lại lao ra đường, lúc đấy Kim Anh phải phanh gấp và đánh một vòng để tránh va vào xe.
Kim Anh nói: “Lúc ấy, em chỉ biết đạp tăng tốc để bám kịp tốp 1 nhằm hỗ trợ cho đồng đội là Ngọc Huyền. Do em lại khom người lại đạp nên tầm quan sát thấp và cũng nghĩ là đường trống, khi đó nếu không nhìn lên và kịp né tránh thì không biết chuyện gì xảy ra với em”.
Trường hợp của Kim Anh là chuyện thường tình mà các tay đua hay đối diện. Nhưng không phải VĐV nào cũng may mắn như Kim Anh, bởi làng xe đạp đã từng ngậm ngùi đưa tiễn tay đua nữ Nguyễn Duy Phương (An Giang) tử nạn vì tai nạn giao thông trên đường tập.
Vẫn biết hi sinh trong thể thao là chuyện không tránh khỏi, nhưng vẫn cảm thấy xót lòng cho những cô gái trẻ. Họ mạnh mẽ, nhanh nhẹn, dấn thân vì đam mê, cống hiến cho màu cờ sắc sắc áo, chấp nhận đánh đổi nhan sắc, tuổi trẻ và đương đầu với những nguy hiểm.
Chưa bao giờ bớt khó khăn
Có những mặt trái sau những giây phút thăng hoa của niềm vui chiến thắng. Với VĐV, họ cảm thấy mặn chát và bạc bẽo, nó ví như một quả chanh bị vắt kiệt nước và vứt đi khi không còn giá trị sử dụng. Những ngày tháng dầm mưa dãi nắng, những vết loang lổ đen sạm trên da khi tuổi đời chưa tròn 20 là điều mà không cô gái nào muốn có. Và còn đó những khó khăn về kinh tế, khiến họ phải cố gắng bám trụ lấy “con ngựa sắt” trên đường đua.
Điển hình như 2 chị em Thùy Trang và Cẩm Lệ cùng nhau thi đấu cho đội đua Bisawe Bình Dương. Tại giải năm nay, hình ảnh người mẹ kiêm tay đua Thùy Trang chăm chút đút cho con ăn sau khi kết thúc thi đấu khiến nhiều người ngạc nhiên. Khi được hỏi, Thùy Trang cho biết: “Vì điều kiện kinh tế gia đình, 2 chị em em vẫn tiếp tục đua để kiếm tiền xoay trở, giúp đỡ mẹ. Ở giải đấu năm nay, mẹ ruột của em cũng theo đoàn đua để lo cho 2 chị em và cháu ngoại khiến em xúc động. Đôi lúc cũng muốn kiếm một công việc ổn định hơn nhưng vì em còn đam mê với xe đạp nên sẽ tiếp tục gắn bó với nó”.
Người viết đã có dịp cùng với đội đua XSKT Đồng Tháp trở về Cao Lãnh sau một mùa giải không thành công. Nói không thành công là bởi sau 6 lần tổ chức thì 5 lần trước đó, thầy trò HLV Trần Văn Quýt đều đạt danh hiệu hạng nhất đồng đội.
“Nữ hoàng kim cương” Lý Nhã Kỳ vừa đảm nhận chức vụ mới: Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của Liên đoàn Xe đạp – Mô tô Việt Nam khóa VI (Nhiệm kỳ 2016 – 2020).
Trên chuyến xe, từ đàn chị Bích Nhiên đến đàn em Quế Trân đều không giấu nổi nỗi buồn. Không ai nói ra nhưng ai cũng tự nhủ lòng mình sẽ cố gắng cho năm sau, vì năm nay ai cũng đã làm hết sức. Còn theo HLV Trần Văn Quýt thì thất bại này cho thấy lớp trẻ của xe đạp Đồng Tháp đang ngày càng sa sút.
Ông nói: “Chúng tôi những năm gần đây không có được nhiều sự đầu tư mạnh mẽ, thành ra công tác tập huấn hay đào tạo vẫn còn hạn chế, chế độ dành cho các em cũng không cao, vì vậy có một số VĐV phải dừng tập luyện và chuyển sang hướng khác. Các em ở đội năng khiếu vẫn chưa phát triển nên ở trên đội lớn vẫn còn khá mỏng. Một phần vì các đội đua khách mời như Nhật Bản và Thái Lan năm nay rất mạnh so với các đội trong nước. Do đó, có mặt trong top 5 cũng đã là thành công đối với những khó khăn của chúng tôi”.
Nói khó khăn với Đồng Tháp là không sai, khi tận mắt thấy các cuarơ phải lau chùi từng “con ngựa sắt”, xếp ngay ngắn lên xe để di chuyển về Đồng Tháp trao trả lại cho các đồng đội nam chuẩn bị cho cuộc đua Cúp truyền hình vào đầu tháng 4, vì cả 2 đội nam nữ đều sử dụng chung một bộ xe đã mua từ nhiều năm trước đó.
Bích Nhiên cho biết: “Chúng em phải lau xe của mình không phải vì không chuyên nghiệp như những đội khác có trợ lý lau xe, mà vì tự bản thân mình lau xe hay bảo dưỡng xe của mình sẽ giúp mình yêu quý chiếc xe hơn và hiểu về nó hơn”.
Vinh quang trên đường đua là thành quả của sự vất vả, nhọc nhằn và đôi khi là cả những giọt nước mắt. Chính vì thế, đối với các cuarơ nữ, những cảm thông, chia sẻ của mọi người chính là sức mạnh tiếp thêm động lực cho họ trong những chặng đường dài tiếp theo để có thể thỏa niềm đam mê với xe đạp.
Quốc Tài
Thể thao & Văn hóa