A+ A A- Kiểu đọc sách

Ánh Viên sa sút vì áp lực huy chương

06:04 30/07/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Nguyễn Thị Ánh Viên - kình ngư xuất sắc nhất và nhận được nhiều kỳ vọng lớn nhất của thể thao Việt Nam trên đường đua xanh vừa trải qua một phần thi đấu đầy thất vọng tại giải vô địch thế giới 2019. Chuyện Ánh Viên không vào chung kết, không giành được chuẩn dự Olympic trong cuộc so tài với nhiều kinh ngư xuất sắc nhất thế giới cũng không phải vấn đề quá lớn, điều thực sự lo ngại là thành tích của “tiểu tiên cá” đang có dấu hiệu đi xuống trong 2-3 năm trở lại đây.

Không ai ngăn nổi Ánh Viên

Không ai ngăn nổi Ánh Viên

Môn Bơi trong chương trình thi đấu Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII sẽ chính thức khởi tranh vào ngày 1/12 tới đây nhưng ngay từ thời điểm này có thể khẳng định, kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên sẽ thâu tóm phần lớn số HCV trong số 20 bộ huy chương giành cho nữ trên đường đua xanh.

Thành tích đi xuống

Ánh Viên đến với giải VĐTG 2019 tại Hàn Quốc với rất ít nhiều sự kỳ vọng sau một kỳ ASIAD đẫm nước mắt trên đất Indonesia. Gần 1 năm qua, cái tên Ánh Viên cũng không được ngành thể thao nhắc tới quá nhiều và nó giống như một giải pháp để giúp kình ngư này lấy lại sự thăng bằng về tâm lý, cũng như vượt qua những áp lực thành tích mà nhiều khi do chính cô đặt ra với bản thân mình. Dù vậy, phần thi đấu của Ánh Viên không đáp ứng được sự kỳ vọng của chính mình khi các thông số đều cho thấy sự đi xuống ở mức đáng báo động.

Cụ thể, ở nội dung sở trường 400m hỗn hợp tại giải VĐTG, thành tích của Ánh Viên là 4 phút 47 giây 96 và là thành tích được coi thấp nhất trong sự nghiệp thi đấu kể từ khi người ta biết đến cái tên Ánh Viên. Bởi vào năm 2013 khi mới 17 tuổi, cũng tại giải VĐTG, Ánh Viên từng đạt mốc 4 phút 47 giây 06, tại Olympic 2016 là 4 phút 36 giây 85 giây và tại ASIAD 18 vừa qua là 4 phút 42 giây 81.

Chỉ một vài con số thống kê ở nội dung sở trường đã đủ cho thấy, thành tích của Ánh Viên đã thực sự đang mức đáng lo ngại khi mọi sự chuẩn bị của cô trong các năm gần đây là giống nhau nếu như không muốn nói là có những mặt còn được cải thiện hơn. Kình ngư này được ưu tiên tập huấn dài hạn theo chế độ “một thầy, một trò” tại Mỹ với những điều kiện rất lý tưởng về các yếu tố trong và ngoài chuyên môn. Ánh Viên cũng được thường xuyên thử sức ở các giải quốc tế “chuẩn” để rèn luyện tâm lý, cải thiện thành tích.

Và như vậy, sự sa sút của Ánh Viên đem đến rất nhiều dấu hỏi, mà các nhà chuyên môn cần sớm có giải thích thỏa đáng.

Chú thích ảnh
Không biết khi nào niềm vui chiến thắng như thế này mới trở lại với Ánh Viên? Ảnh: LĐ

Quá tải vì áp lực huy chương?

Từ chỗ là một “viên ngọc quý mà trải qua cả thế kỷ mới có” của Thể thao Việt Nam như nhận định của rất nhiều nhà chuyên môn, vậy mà chỉ sau 4 năm kể từ SEA Games 2015, giờ đây Ánh Viên đối mặt với một thực tế đáng buồn là thành tích ngày một đi xuống. Điều gì đã khiến Ánh Viên trở nên như vậy? Mọi thứ rất cần được làm rõ bởi sự sụt giảm về thành tích không có nghĩa mọi tội lỗi đều được trút lên Ánh Viên một cách đơn giản như vậy, khi chính bản thân Ánh Viên từng là niềm cảm hứng truyền tải thông điệp “từ Zero đến Hero” cho giới trẻ với nỗ lực và sự cố gắng phi thường.

4 năm qua, kể từ khi cái tên Ánh Viên được ví như “cô gái thép” tại SEA Games 28, người ta thấy Ánh Viên phải gồng mình gánh vác nhiệm vụ giành huy chương trên khắp mọi mặt trận từ trong nước đến quốc tế. Từ giải VĐQG, đến SEA Games, đến ASIAD và thậm chí cả những đại hội thể thao mà sự có mặt của Ánh Viên được giới chuyên môn đánh giá là không cần thiết.

Việc phải tham dự nhiều nội dung, nhiều cự ly thi đấu khác nhau và nhiều kiểu bơi để hoàn thành nhiệm vụ giành huy chương, khiến Ánh Viên không còn cơ hội để hoàn thiện chính mình và tập trung cho một nội dung chuyên sâu. Điều này dẫn đến tình trạng kể cả khi bước vào độ chín chuyên môn, Ánh Viên vẫn phải chỉnh sửa kỹ thuật. Sự dàn trải, thiếu trọng tâm trong thi đấu là nguyên nhân khiến Ánh Viên gặp vấn đề về thể lực và chuyện thành tích đi xuống là điều chắc chắn, nếu như một kình ngư không đảm bảo được thể lực lẫn việc có lỗ hổng trong kỹ thuật.

Thất bại của Ánh Viên thực sự gióng lên hồi chuông báo động với thể thao nước nhà trong cách giúp các tài năng cải thiện và nâng cao thành tích. Phát hiện tài năng hiếm có là quan trọng nhưng cách rèn giũa và nuôi dưỡng tài năng ấy để đem về thành tích cụ thể thì còn quan trọng hơn và quyết định tất cả.

Cơ hội nào còn lại cho Ánh Viên?

Thành tích cụ thể trong 3 năm trở lại đây đặt ra những bài toán thực sự hóc búa đối với ngành thể thao với nhiệm vụ “giải cứu” Ánh Viên, khi việc vươn tới đỉnh cao ở châu lục hay ghi dấu ấn ở đấu trường thế giới với Ánh Viên lúc này hay tương lai gần là điều không thể. “Ánh Viên sẽ vẫn được tập trung với nhiệm vụ ở SEA Games 30 theo như kế hoạch từ đầu năm và cùng với đó là tham dự các giải quốc tế để hướng tới mục tiêu đạt chuẩn Olympic”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn chia sẻ. Các bộ phận chuyên môn ở Tổng cục TDTT cũng đang nóng lòng chờ đợi cuộc gặp gỡ với HLV Đặng Anh Tuấn và Ánh Viên sau giải VĐTG để nắm bắt kỹ lưỡng mọi nguyên nhân dẫn đến sự sa sút về thành tích. Bởi trong thời gian qua, mọi vấn đề chuyên môn quá trình tập luyện của Ánh Viên chỉ được thể hiện qua báo cáo từ Mỹ, trong bối cảnh, ngành thể thao gần như không thể kiểm soát được tình hình thực tế do đường xá xa xôi và kinh phí không đủ để cử người giám sát thường xuyên.

Như vậy, sau thất bại trên đấu trường châu lục và thế giới, Ánh Viên sẽ trở lại với SEA Games và đấu trường khu vực giờ đây lại trở thành cứu cánh trước mắt về sự nghiệp cho “tiểu tiên cá”. Sự thành bại trong các cuộc thi đấu vào cuối năm nay trên đất Philippines cũng sẽ quyết định rất nhiều tới sự nghiệp trên đường đua xanh của Ánh Viên trong tương lai.

Vũ Lê

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...