A+ A A- Kiểu đọc sách

74 năm ngày Thể thao Việt Nam (27/3/1946 - 27/3/2020): 'Dân cường thì Quốc thịnh'

06:00 27/03/2020
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - 74 năm trước Hồ Chủ tịch viết lời kêu gọi Toàn dân tập thể dục, trong đó có đoạn - “Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ta ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập”. Điều này càng trở nên thiết thực hơn trong bối cảnh dịch Covid 19 đang bùng phát và mỗi người dân cùng chung ý thức giữ gìn sức khỏe sẽ tạo nên sức mạnh để đẩy lùi dịch bệnh.

Hoãn Olympic 2020: Thể thao Việt Nam có thuận lợi nhưng không ít khó khăn

Hoãn Olympic 2020: Thể thao Việt Nam có thuận lợi nhưng không ít khó khăn

Olympic 2020 đã chính thức bị hoãn lại tới mùa Hè năm 2021 sau khi Ủy ban Olymic quốc tế (IOC) đồng ý với đề xuất của nước chủ nhà Nhật Bản. Việc sân chơi này bị hoãn lại sẽ giúp Thể thao Việt Nam (TTVN) có điều kiện tốt hơn để chuẩn bị cho quá trình thi đấu giành vé, cũng như hướng đến mục tiêu cao hơn là giành thành tích cao tại Thế vận hội.

Từ “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục”...

Ngày 31 tháng Giêng năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 14, thành lập Nha Thể dục Trung ương thuộc Bộ Thanh niên (tiền thân của ngành TDTT ngày nay). Ngành TDTT mới ra đời nhiệm vụ là liên lạc mật thiết với Bộ Y tế và Bộ Giáo dục để nghiên cứu phương pháp và thực hành thể dục trong toàn quốc nhằm nâng cao sức khỏe quốc dân và cải tạo nòi giống Việt Nam.

Để tăng cường và mở rộng các hoạt động TDTT và trực tiếp chỉ đạo công tác giáo dục thể chất cho thế hệ trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tiếp Sắc lệnh số 33 ngày 27/3/1946 thành lập Nha Thanh niên và Thể dục thuộc Bộ Quốc gia Giáo dục. Ngành TDTT mới là cơ quan tham mưu của Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và là cơ quan đặc trách công tác TDTT vì lợi ích của nhân dân và đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh đã chỉ hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT mới. Để nền thể thao mới hình thành và phát triển mang bản chất cách mạng, vì lợi ích của toàn dân và đất nước thì điều cơ bản nhất là có sự định hướng đúng đắn, chỉ ra được mục tiêu, nhiệm vụ rõ ràng. Vào cuối tháng 3 năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh viết “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” với văn phong bình dị, rõ ràng, ai cũng có thể hiểu được và như ánh dương tỏa chiếu, định hướng cho sự hình thành và phát triển nền TDTT cách mạng của nước Việt Nam mới.

“Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần có sức khỏe mới thành công.
Mỗi một người dân yếu ớt, tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe, tức là góp phần cho cả nước mạnh khỏe.

Vậy nên tập luyện thể dục, bồi bổ sức khỏe là bổn phận của mỗi một người dân yêu nước.

Việc đó không tốn kém, khó khăn gì, gái trai, già trẻ ai cũng nên làm và ai cũng làm được. Mỗi người lúc ngủ dậy, tập ít phút thể dục, ngày nào cũng tập thì khí khuyết lưu thông, tinh thần đầy đủ. Như vậy là sức khỏe.

Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục.

Tự tôi ngày nào cũng tập”.

… đến sứ mệnh mới thể thao

“Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ với ý tưởng cao đẹp, có ảnh hưởng sâu sắc với tình cảm, tinh thần và hành động của nhân dân khiến mọi người hăng hái làm theo. Chỉ hai tháng sau khi “Lời kêu gọi toàn dân tập thể dục” của Bác Hồ đăng trên báo Cứu quốc số 199, ngày 27/3/1946, trong toàn quốc đã dấy lên phong trào Khỏe vì nước sôi nổi diễn ra ở khắp mọi nơi. Phong trào Khỏe vì nước giống như những viên gạch đầu tiên, đặt nền móng cho ngành TDTT mới còn non trẻ nhưng đầy sinh lực phát triển.

Chú thích ảnh
Nâng cao sức khỏe người dân, góp phần cùng toàn xã hội đẩy lùi bệnh dịch, đó là nhiệm vụ quan trọng của Thể thao Việt Nam ở tuổi 74. Ảnh: Hoàng Linh

Từ đó đến nay, phong trào thể thao quần chúng phát triển sâu rộng trên toàn quốc với cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” gắn liền với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và “Chương trình nông thôn mới” đã thu hút hàng triệu người tham gia. Thống kê trong năm 2019 số người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn quốc ước tính đạt 33,5%, số gia đình tập luyện TDTT ước đạt 24,6%. Hệ thống thi đấu, tập luyện thể thao quần chúng ngày càng được mở rộng với 57.218 câu lạc bộ và có trên 45.000 cuộc thi đấu được tổ chức hàng năm.

Với thể thao thành tích cao, hệ thống thi đấu quốc gia ngày càng mở rộng với gần 200 giải đấu được tổ chức hàng năm ở gần 50 môn và phân môn, trong đó, có những môn đã được chuyên nghiệp hóa như bóng đá, bóng rổ, quần vợt... TTVN sở hữu một lực lượng khá hùng hậu với trên 2000 tuyển thủ quốc gia ở các đội tuyển và đội tuyển trẻ. Vị thế của TTVN đã được khẳng định trong tốp đầu ở khu vực Đông Nam Á, Top 16 châu Á và hội nhập ngày càng sâu rộng với phong trào thể thao thế giới. Thành tích của TTVN tại Đại hội thể thao khu vực (SEA Games), châu lục (ASIAD) và thế giới (Olympic) ngày một được cải thiện, nâng tầm vị thế thể thao nước nhà

74 năm sau ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh ra nền thể dục thể thao cách mạng với tư tưởng vì lợi ích của nhân dân và đất nước, thể thao Việt Nam đã từng bước phát triển, gặt hái nhiều thành công trong và đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của đất nước. Trong thời kỳ đổi mới, ngành thể thao cần tiếp tục phấn đấu, phát huy sáng tạo, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và triển khai nhiều chủ trương, chính sách về thể dục - thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa trong thời đại mới.

Chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh

TTVN bước vào hành trình mới với khát vọng vươn tầm, chinh phục những đỉnh cao phía trước với truyền thống đầy tự hào nhưng chắc chắn sẽ đối diện với rất nhiều khó khăn và thử thách. Ngay trong những tháng đầu năm 2020 cho tới thời điểm này, sự ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến hệ thống thi đấu các môn thể thao quốc gia gần như đóng băng, kế hoạch tập luyện và thi đấu của toàn bộ các đội tuyển quốc gia bị xáo trộn do các giải đấu bị hoãn, hủy. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ mở rộng quy mô phát triển thể thao quần chúng cũng bị ảnh hưởng và đình trệ.

Dịch bệnh đang tác động rất lớn tới toàn bộ hoạt động chuyên môn của ngành thể thao và đòi hỏi những người làm công tác TDTT phải có sự ứng phó linh hoạt, khoa học và xây dựng kế hoạch phù hợp để hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đã đề ra. Trong đó, công tác chuẩn bị lực lượng thi đấu tại SEA Games 31 khi Việt Nam trong vai trò chủ nhà và hoàn thành nhiệm vụ giành 20 vé tham dự Olympic 2020 được coi là thử thách trước mắt lớn nhất.

Bên cạnh đó, trong vai trò dẫn dắt, kêu gọi và truyền cảm hứng cho toàn bộ người dân thường xuyên tham gia tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe chống lại dịch bệnh cũng là nhiệm vụ cần ngành thể thao đặc biệt quan tâm trong hoàn cảnh hiện tại. Lúc này, việc hướng dẫn người dân lựa chọn các hình thức tập luyện thể thao phù hợp để vừa đảm bảo các yêu cầu chống dịch, vừa cải thiện, giữ gìn sức khỏe cũng là điều hết sức cần thiết. Mỗi người dân mạnh khỏe, có tinh thần lạc quan và cùng nâng cao ý thức phòng chống dịch chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh vô song để vượt qua mọi khó khăn và thử thách.

Vũ Lê

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...