loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Rafael Nadal vừa cân bằng kỷ lục 20 Grand Slam của Roger Federer. Và sự nghiệp của anh là những bài học đáng chú ý dành cho tất cả mọi người, ở trong và ngoài sân quần.
Cập nhật trực tiếp bóng đá Cúp C1: PSG vs MU, Barcelona vs Ferencvaros, Chelsea vs Sevilla, Dinamo Kiev vs Juventus. Trực tiếp bóng đá. Trực tiếp bóng đá cúp C1 châu Âu. Trực tiếp PSG đấu với MU. Trực tiếp Champions League. K+PM trực tiếp. Kèo nhà cái.
Những nhà vô địch vĩ đại thường có khả năng bẩm sinh vượt lên trên nỗi sợ hãi, sự đau đớn, thiếu tự tin và bất lực để tiếp tục tiến lên phía trước. Rafael Nadal đã cho thấy điều đó một lần nữa khi chiến đấu như một đấu sĩ để tiếp tục gia tăng kỷ lục vô địch Roland Garros lên con số 13, và cân bằng kỷ lục 20 Grand Slam mà Roger Federer đang nắm giữ.
Trước thềm Roland Garros 2020, rất nhiều người nghi nghờ Nadal, nhất là sau thất bại sốc trước Diego Schwartzman ở Roma Masters. Nhưng tay vợt người Tây Ban Nha đã xóa đi tất cả bằng một màn trình diễn cực kỳ thuyết phục khi vô địch mà không thua một set nào. Đó là lần thứ 4 anh làm được như thế ở Grand Slam – một kỷ lục trong kỷ nguyên Open.
Dưới đây là 5 bài học từ Rafael Nadal và màn trình diễn siêu đẳng của anh ở Paris.
1. Không bao giờ đầu hàng
Khi nhìn lại sự nghiệp lẫy lừng của Rafael Nadal, điều đọng lại lớn nhất trong mỗi chúng ta là hai chữ "kiên cường". Tay vợt người Tây Ban Nha thường xuyên phải thi đấu với những cơn đau và chấn thương, đã trải qua những nỗi thất vọng to lớn, đã trải qua những tình thế thảm hại, nhưng anh đơn giản là không bao giờ đầu hàng.
Ví dụ điển hình nhất cho thái độ kiên cường này là ở trận đấu với Daniil Medvedev ở ATP Finals 2019. Nadal đã phải đối mặt với matchpoint, khi tỷ số là 6-7, 6-3, 1-5 (30-40), nhưng anh đã lội ngược dòng từ thời điểm ấy. Nadal thắng 4 game liên tiếp để cân bằng tỷ số 5-5 trước khi thắng loạt tie-break của set thứ ba, khiến cho Medvedev cũng như mọi khán giả ở sân đấu khi ấy không khỏi bàng hoàng.
Khả năng chiến đấu của Nadal cho tới điểm số cuối cùng, và cường độ vận động cực cao mà anh duy trì suốt khoảng thời gian có mặt trên sân là điều mà chúng ta có thể học hỏi. Sự nghiệp của tay vợt 34 tuổi này là một minh chứng cho việc không có gì thay thế được sự chăm chỉ, và chẳng có con đường tắt nào để dẫn tới thành công cả.
2. Thắng không kiêu, bại không nản
Nadal không bao giờ tự kiêu sau khi đạt được thành công vang dội, và anh cũng không quá chán nản hay quẫn trí sau một trận thua đau đớn. Trong suốt sự nghiệp của mình, Nadal luôn phản ứng với những chiến thắng và thất bại theo cùng một cách – với trạng thái tâm lý cân bằng.
Đã bao lâu rồi chúng ta bắt gặp những nhân vật quá tự tin sau khi nếm trải thành công, hoặc chui xuống hố sau khi trải qua một thất bại? Nadal chắc chắn không phải dạng người ấy: Anh luôn duy trì sự bình tĩnh của mình, cả khi thăng hoa cũng như khi bại trận.
Đó là yếu tố giúp Nadal kéo dài tuổi thọ nghề nghiệp, và giúp anh chơi xuất sắc hơn qua mỗi mùa giải. Từ khi còn là một cậu bé học việc, Nadal đã biết rút ra những điều lạc quan từ thành công của mình, và học hỏi từ những thất bại để liên tục tiến bộ và trở thành những phiên bản tốt hơn.
Đó cũng là một điều mà chúng ta đều có thể học hỏi trong cuộc sống của mình, ngay cả trong công việc và thói quen hàng ngày, để không ngừng phát triển và không bao giờ trì trệ.
3. Luôn sống với hiện tại
Ở trận tứ kết US Open 2018, Nadal bị đàn em Dominic Thiem hủy diệt trong set đầu tiên với tỷ số 6-0 sau 24 phút. Đó có thể là một sự tổn thương lớn lao đối với bất cứ tay vợt nào, trừ Nadal.
Ý thức được nhiệm vụ khổng lồ trước mắt, Nadal vẫn phản ứng như thể chưa từng có điều gì xảy ra. Nói một cách hình tượng, anh bấm nút reset cho một sự khởi đầu mới và duy trì sự tập trung của mình để thắng 6-4 trong set thứ hai. Tay vợt người Tây Ban Nha giành chiến thắng sau 5 set, nhưng rất có thể điều đó sẽ không thể xảy ra nếu như anh không biết cách gác cú sốc ở set đầu sang một bên, để chơi set thứ hai như khởi đầu một ngày mới. đó là lý do anh đã “sống sót” sau những màn tấn công không ngừng nghỉ của Thiem, và cuối cùng giành chiến thắng.
Tay vợt sở hữu 20 danh hiệu Grand Slam này liên tục dạy chúng ta rằng không được để quá khứ ảnh hưởng đến hiện tại hay hủy hại tương lai.
4. Không bao giờ bào chữa
Nadal thật may mắn khi có một HLV khó tính như người chú Nadal của anh. Ông không chỉ giúp anh rèn luyện sức khỏe để trở thành một tay vợt vĩ đại, mà còn là một nhân cách tốt. Ngay từ khi còn trẻ, Nadal đã phải tự gánh vác trách nhiệm của mình, và không bao giờ được đưa ra một lời biện bạch nào cả.
Chế độ nghiêm ngặt của Toni đã cho thấy tác dụng trong nhiều năm qua, và nó cũng được thể hiện ở Roland Garros 2020. Nadal đã phải đối mặt với không ít khó khăn do những khác biệt về mặt điều kiện bất thường tại Paris do giải đấu này bị lùi lại 4 tháng. Thời tiết lạnh hơn, mặt sân chậm hơn, trái bóng Wilson nặng hơn, hay việc đóng mái che ở sân Philippe Chatrier trong trận chung kết đều không phải những điều kiện lý tưởng để Rafa phát huy thế mạnh của mình, và thậm chí, nó còn tăng cường sức mạnh cho những đối thủ của anh, đặc biệt là Novak Djokovic.
Tuy nhiên, Nadal chưa bao giờ để những yếu tố ấy cản đường mình. Ngược lại, anh còn lấy những điều kiện bất lợi ấy làm động lực cho mình. Quyết tâm chứng tỏ cho những kẻ nghi ngờ đã giúp anh phát huy sức mạnh của mình và vô địch mà không thua một set nào.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể kiểm soát được mọi thứ xung quanh mình. Nhưng không nên tự bào chữa, thay vào đó, chúng ta nên thử một con đường khác để thành công. Như Nadal.
5. Sự khiêm tốn
Nhiều người cho rằng đây là đặc tính lớn nhất của Rafa bên ngoài sân đấu. Sự khiêm tốn là điều để phân biệt giữa những huyền thoại và những tay vợt đơn giản là nhà vô địch.
Phong thái ở trên sân của Nadal đơn giản là đáng kinh ngạc. Anh luôn tôn trọng đối thủ, luôn đối xử với họ một cách đàng hoàng – dù họ thấp hơn anh thế nào về tầm đẳng cấp. Nadal chưa bao giờ đánh mất nguồn gốc của mình và không bao giờ nghĩ mình vĩ đại hơn bất cứ ai.
Nadal đang có 20 Grand Slam, và đang là đồng kỷ lục cùng với Federer, nhưng anh chưa bao giờ lấy thống kê đó để cho rằng mình là vĩ đại nhất. Thay vào đó, anh vẫn ca ngợi Federer bằng những lời lẽ tốt đẹp nhất và nhấn mạnh rằng kỷ lục không phải điều quan trọng nhất.
Những màn trình diễn siêu đẳng cùng sự khiêm tốn của Nadal đã giúp anh trở thành hình mẫu lý tưởng cả đối với một VĐV cũng như một con người.
Phương Chi
loading...