loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Kế hoạch ban đầu của chính phủ Nhật Bản là tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền. Thế nhưng, để bảo đảm việc tổ chức Olympic Tokyo không có sự cố nào sau khi sự kiện đã bị hoãn lại 1 năm, nước chủ nhà Thế vận hội đang cân nhắc tiêm phòng cho các VĐV trước những người dân.
Đường đến Olympic Tokyo của thể thao Việt Nam (TTVN) đang… tắc, bởi lịch trình di chuyển tham dự các giải đấu vòng loại theo đường hàng không hết sức khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Động thái từ Triều Tiên
Để thấy rõ chính sách ưu tiên của Tokyo thì hồi đầu tuần, Bộ Thể thao CHDCND Triều Tiên thông báo không tham dự Olympic Tokyo để bảo vệ các VĐV của mình trước đại dịch virus corona. Quyết định được đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Olympic của Triều Tiên, trong đó có sự tham dự của Bộ trưởng Thể thao Kim Il Guk, vào ngày 25/3 và được bộ này thông báo trên trang web của mình, có tên Joson Sports.
Được biết, cuộc họp cũng thảo luận về cách thức phát triển các công nghệ thể thao chuyên nghiệp, giành huy chương tại các cuộc thi quốc tế và thúc đẩy các hoạt động thể thao cộng đồng trong 5 năm tới.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là Triều Tiên thực hiện quy định giãn cách rất nghiêm ngặt, nếu không muốn nói là nhất thế giới, và giải thích tại sao cho đến nay, chính phủ nước này luôn phủ nhận bất kì trường hợp dương tính nào với virus corona đã được phát hiện trong nước.
Theo các nhà phân tích, các biện pháp nghiêm ngặt đã cho phép chính phủ tăng cường kiểm soát cuộc sống hằng ngày ở mức tương tự như những năm ở thập niên 1990. Trong khi đó, truyền thông bên ngoài thì tỏ ra hoài nghi về việc Triều Tiên đã thoát khỏi đại dịch hoàn toàn, khi cơ sở hạ tầng y tế yếu kém và có chung đường biên giới với Trung Quốc.
Mô tả các nỗ lực chống virus corona như là “vấn đề tồn tại của quốc gia”, Triều Tiên đã hạn chế tối đa giao thông qua biên giới, cấm khách du lịch, cách li hàng chục nghìn người có dấu hiệu nhiễm bệnh.
Thú vị là trước đó, Thủ tướng Nhật Bản, Yoshihide Suga, cho biết ông dự kiến sẽ mời Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Thế vận hội và sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hoặc người em quyền lực của ông, Kim Yo-jong, nếu một trong hai người tham dự Thế vận hội. Tuy nhiên, Suga không nói liệu ông có mời một trong hai người hay không.
Trong khi đấy, Bộ Thống nhất Hàn Quốc hôm thứ Ba bày tỏ lấy làm tiếc về quyết định của Triều Tiên, cho biết họ hi vọng Olympic Tokyo sẽ mang lại cơ hội cải thiện quan hệ liên Triều. Trước đó, tại Thế vận hội mùa đông 2018 ở Hàn Quốc, Triều Tiên đã cử 22 VĐV tham dự cùng với các quan chức chính phủ, nghệ sĩ biểu diễn, phóng viên và một nhóm cổ vũ gồm 230 thành viên.
Phản ứng của Nhật Bản
Vốn biết vào thời điểm này, tổ chức Olympic là không thực tế khi có tới 80% số người Nhật muốn Thế vận hội bị hủy hoặc hoãn lại do đại dịch Covid-19, chính phủ Nhật Bản đã phải nhượng bộ bằng cách cấm khán giả nước ngoài đến Tokyo.
Thực ra, với ngày khai mạc chỉ còn hơn 100 ngày nữa là diễn ra, các cơ quan y tế Nhật Bản cũng lo ngại các biến thể của virus corona đang thúc đẩy một làn sóng thứ tư mới.
Các biến thể này có vẻ dễ lây nhiễm hơn và có thể kháng với vaccine, trong khi chiến dịch tiêm phòng vẫn chưa được phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản. Hiện Osaka là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ca nhiễm ở đây đã đạt kỉ lục mới vào tuần trước, khiến chính quyền khu vực bắt đầu các biện pháp phong tỏa có mục tiêu trong một tháng kể từ thứ Hai vừa qua.
Theo Koji Wada, một cố vấn chính phủ về đại dịch, một biến thể Covid-19 đột biến lần đầu tiên được phát hiện ở Anh đã lây lan nhanh hơn và lấp đầy các giường bệnh với nhiều ca bệnh nghiêm trọng hơn so với virus ban đầu. Trong khi đó, Wada, một giáo sư tại Đại học Y tế và Phúc lợi Quốc tế Tokyo, cho biết: “Làn sóng thứ tư sẽ lớn hơn. Chúng ta cần bắt đầu thảo luận về cách chúng ta có thể sử dụng các biện pháp có mục tiêu này cho khu vực Tokyo".
Không có gì ngạc nhiên khi Osaka quyết định hủy bỏ các sự kiện rước đuốc Olympic ở đây, trong lúc ông Suga vẫn khẳng định quyết tâm tổ chức Thế vận hội theo lịch trình. Theo Thủ tướng Nhật Bản, các biện pháp được áp dụng ở Osaka có thể được mở rộng sang Tokyo và các nơi khác nếu cần.
Ưu tiên VĐV tiêm vaccine?
Cùng lúc, theo hãng tin Kyodo, chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 cho các VĐV tham gia Thế vận hội và Paralympic. Vấn đề ở đây ngoài những lo ngại nêu trên còn là việc tốc độ tiêm chủng của Nhật Bản kém xa so với hầu hết các nền kinh tế lớn, với chỉ một loại vaccine được phê duyệt và khoảng 1 triệu người đã tiêm liều đầu tiên kể từ tháng 2, ngay cả khi quốc gia này đang phải vật lộn với số ca mới gia tăng.
Ngay lập tức, thông tin đã tạo ra các phản ứng trái chiều trên mạng xã hội, trong đó nhiều bình luận lưu ý rằng, kế hoạch tiêm chủng ban đầu của chính phủ ưu tiên cho nhân viên y tế, người cao tuổi và những người mắc bệnh nền. Dự kiến việc tiêm chủng cho người cao tuổi sẽ bắt đầu vào tuần tới. Vì thế, nếu các VĐV Nhật Bản được ưu tiên, nhiều khả năng họ sẽ bắt đầu được tiêm trước người cao tuổi.
Tuy nhiên, theo các quan chức chính phủ được Kyodo trích dẫn vào cuối ngày thứ Tư, chính phủ Nhật Bản đã bắt đầu xem xét khả năng đảm bảo các VĐV Olympic và Paralympic của họ được tiêm cả hai mũi vào cuối tháng 6 - vì vậy họ có đủ thời gian để hồi phục khi Thế vận hội khai mạc vào ngày 23/7.
Kyodo cũng cho biết, các cuộc thảo luận với các Ủy ban Olympic và Paralympic Nhật Bản chỉ mới bắt đầu và họ chưa quyết định liệu tất cả các VĐV Nhật Bản hay chỉ những người thi đấu trong các sự kiện nhất định mới đủ điều kiện để tiêm chủng, trong khi có ý kiến lo ngại rằng, nếu tiêm phòng cho cả huấn luyện viên và các nhân viên khác có thể khiến dư luận bất bình.
Nên nói thêm, Nhật Bản và Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho biết, tiêm chủng không phải là một yêu cầu bắt buộc để tham gia Thế vận hội. Mặc dù thế, một số quốc gia, trong đó có Mỹ và các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông đã cho biết họ sẽ tiêm phòng cho các VĐV của mình.
Phần lớn người Nhật Bản muốn Thế vận hội, đã bị hoãn một lần, bị hủy hoặc hoãn lại, nhưng chính phủ cho biết sự kiện sẽ diễn ra theo kế hoạch từ ngày 23/7 - khiến một nhà bình luận cho biết: “Họ chắc hẳn muốn Thế vận hội tiếp tục được tổ chức khi họ đang có những kế hoạch như thế này".
Nhưng những người khác có mối quan tâm đơn giản hơn nhiều. “Hãy tiêm cho mẹ tôi trước”, một người viết. "Các vận động viên đều trẻ và khỏe mạnh rồi".
|
Mạnh Hào
loading...