Thể thao Việt Nam: Từ SEA Games đến Olympic
Bốn tháng sau khi giành ngôi số một ở SEA Games 32, đoàn Thể thao Việt Nam chỉ về hạng 21 ở ASIAD 19. Kịch bản nào cho sân chơi lớn hơn nhiều: Olympic Paris 2024?
1. Với 136 HCV, 105 HCB, và 114 HCĐ, đoàn Thể thao Việt Nam đã bỏ xa đoàn Thái Lan (108 HCV) để lần thứ hai liên tiếp giành ngôi nhất toàn đoàn ở SEA Games. Tuy nhiên, khi bước ra sân chơi lớn hơn là ASIAD 19 thì đã có những khác biệt rất lớn. Dù vẫn đạt chỉ tiêu 3 HCV, nhưng xét về tổng thể, đây là một kỳ Á vận hội thất bại.
Tại Hàng Châu, Thái Lan vẫn xứng đáng là anh cả Đông Nam Á khi xếp thứ 8 chung cuộc với 12 HCV, 14 HCB, 32 HCĐ. Trong khi đó, đoàn Thể thao Việt Nam xếp tận thứ 21, với 3 HCV, 5 HCB, 19 HCĐ. Tính riêng các đoàn Đông Nam Á thì Việt Nam đứng tận thứ 6, xếp sau cả Indonesia (7 HCV), Malaysia (6), Philippines (4), và Singapore (3). Đó rõ ràng là một sự hụt hơi rất lớn so với SEA Games, và tụt lại so với chính chúng ta ở kỳ ASIAD trước (4 HCV, hạng 17).
Trong khi các cường quốc thể thao Đông Nam Á đã không quá chú trọng đến sân chơi khu vực mà tập trung đầu tư cho các sân chơi lớn hơn như ASIAD, Olympic thì Việt Nam vẫn coi SEA Games là sân chơi lớn nhất. Việc chậm chuyển hướng này đã khiến chúng ta bị chính các đối thủ khu vực bỏ xa trên hành trình vươn ra châu lục và thế giới.
2. Theo thống kê mới nhất về số lượng vận động viên tham dự Olympic Paris, Thái Lan là đoàn dẫn đầu với 51 VĐV ở 17 nội dung thi đấu. Tiếp theo là Indonesia (29), Malaysia (26), Singapore (23), Philippines (22) và Việt Nam (16). Thật trùng hợp, xét về số lượng VĐV giành vé dự Olympic, Việt Nam cũng đứng thứ 6, như thứ hạng của chúng ta so với các đội Đông Nam Á ở ASIAD 19.
Với số lượng VĐV hùng hậu như thế, không ngạc nhiên khi Thái Lan đặt mục tiêu giành 6 HCV, 3 HCB. Indonesia – với số lượng VĐV nhiều kỷ lục trong lịch sử - cũng đặt mục tiêu 3 HCV ở các môn trọng điểm như cầu lông, cử tạ, và leo núi thể thao. Các đoàn như Malaysia, Singapore và Philippines cũng đều đặt mục tiêu giành 1 HCV. Chỉ những đoàn có quá ít VĐV như Timor Leste (4), Campuchia, Lào, Brunei (3) và Myanmar (2) là đặt mục tiêu cọ xát, học hỏi.
Vậy mục tiêu của đoàn TTVN ở Paris là gì? Phát biểu tại Lễ xuất quân, ông Đặng Hà Việt - Trưởng đoàn TTVN dự Olympic Paris 2024 đặt mục tiêu khá khiêm tốn: "Toàn thể cán bộ, HLV, chuyên gia, VĐV của đoàn TTVN xin hứa sẽ nỗ lực thi đấu hết mình, bình tĩnh, tự tin, ngoan cường để giành huy chương, mang vinh quang về cho Tổ quốc".
3. Trong số 5 tấm huy chương Olympic mà Việt Nam từng giành được có 2 tấm từ môn bắn súng (Hoàng Xuân Vinh), 2 từ cử tạ (Hoàng Anh Tuấn, Trần Lê Quốc Toàn) và 1 từ Judo (Trần Hiếu Ngân). Điều này đã khẳng định một thực tế rằng các môn thể thao đòi hỏi cạnh tranh, đối kháng về thể lực vẫn không phải thế mạnh của thể thao Việt Nam, và chúng ta cần tập trung vào những nội dung đòi hỏi sự chính xác, khéo léo.
Căn cứ vào đó, bắn súng vẫn là nội dung được kỳ vọng nhất, nhưng đó cũng là nội dung đòi hỏi kinh nghiệm và tâm lý ổn định, tập trung nhất. Trong khi đó, hai xạ thủ nữ của chúng ta là Trịnh Thu Vinh (sinh năm 2000) và Lê Thị Mộng Tuyền (2003) đều còn khá trẻ. Tất nhiên, ban huấn luyện đội tuyển bắn súng Việt Nam hẳn phải có những phương án giải tỏa áp lực với các VĐV, để giúp họ bước vào Thế vận hội với trạng thái tâm lý tốt nhất.
Trận đánh lớn sắp bắt đầu, hãy tin vào những điều tốt đẹp nhất!
.