Thể thao Việt Nam từ Olympic đến Parlympic
Khép lại một kỳ Olympic với kết quả không như mong đợi song thể thao Việt Nam đã sẵn sàng bước vào Paralympic với khát vọng vươn lên.
Giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Paris tiếp tục là điểm đến của những tài năng thể thao thế giới trong những ngày hè sôi động. Sau hàng loạt cuộc tranh tài rất hấp dẫn tại Olympic vừa khép lại, sắp tới là cuộc trình diễn của những VĐV đặc biệt hơn ở Paralympic. Đó là cuộc tranh tài của những VĐV là người khuyết tật.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2023 cho biết, ước tính có hơn 1 tỷ người bị khuyết tật, tương ứng với khoảng 15% dân số thế giới. Trong khi đó, số liệu của Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, cả nước có khoảng 7 triệu người khuyết tật.
Với sứ mệnh rất đặc biệt, Paralympic - Thế vận hội mùa hè dành cho người khuyết tật - sau lần tổ chức đầu tiên tại Roma vào năm 1960, trải qua hơn 6 thập kỷ, đã trở thành sự kiện mang tính biểu tượng rất lớn để người khuyết tật có thể hòa nhập với cộng đồng.
Xuyên suốt 16 kỳ Paralympic đã diễn ra trong hơn nửa thế kỷ, đi kèm những cuộc tranh tài hào hứng là rất nhiều câu chuyện xúc động đầy tính nhân văn về hành trình vượt qua số phận không may mắn, nhiều VĐV người khuyết tật đã trở thành tấm gương của ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống.
Paralympic Paris 2024 được kỳ vọng sẽ tạo động lực lớn nhất cho phong trào thể thao người khuyết tật trên toàn thế giới kể từ sau khi đại hội tại London vào năm 2012 đã có sự đổi mới, vượt ra khỏi khuôn mẫu truyền thống.
Đặc biệt, theo mong muốn của Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) Andrew Parsons, kỳ đại hội lần này sẽ mang lại tác động tích cực lớn lao trong nhận thức về thể thao người khuyết tật trên toàn thế giới và góp phần đưa vấn đề quyền của người khuyết tật lên hàng đầu trong danh sách ưu tiên toàn cầu.
Với thể thao người khuyết tật Việt Nam, đây là lần thứ 7 góp mặt tại Paralympic tính từ lần đầu tiên tại Sydney vào năm 2000 với mục đích thực hiện công ước quốc tế về người khuyết tật với mục đích bảo vệ quyền được hưởng thụ bình đẳng các dịch vụ công cộng.
Bên cạnh đó, tham dự Paralympic là dịp để HLV, VĐV thể thao người khuyết tật Việt Nam được thi đấu quốc tế, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và tăng cường hợp tác, đoàn kết, bình đẳng với các quốc gia trên thế giới và khẳng định vị trí trên đấu trường quốc tế.
Sẵn sàng cho Paralympic 2024
Công tác chuẩn bị cho Paralympic 2024 của thể thao người khuyết tật Việt Nam đến thời điểm hiện tại đã gần như hoàn tất và chỉ còn đợi thời điểm lên đường tới Paris. Kế hoạch tham dự đại hội được triển khai trong 2 năm qua, bắt đầu từ quá trình thi đấu giành vé, cho đến công tác tập huấn, chăm sóc y tế và dinh dưỡng cho đến thi đấu cọ xát nâng cao trình độ.
Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Paralympic gồm 14 thành viên, do ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Cục trưởng Cục TDTT làm Trưởng đoàn, cùng với 2 cán bộ, 1 bác sỹ, 7 VĐV và 3 HLV tham gia tranh tài ở 3 môn điền kinh, bơi và cử tạ. So với mục tiêu đề ra, thể thao người khuyết tật Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ về số lượng VĐV giành suất tham dự.
"Quá trình tập huấn của các VĐV diễn ra tại Trung tâm HLTTQG TPHCM (môn điền kinh, cử tạ) và Đà Nẵng (môn bơi) với các điều kiện được đảm bảo ở mức tối đa về trang thiết bị tập luyện và chế độ dinh dưỡng theo chỉ đạo của Cục TDTT. Bên cạnh đó, ngành thể thao cũng tạo điều kiện để các VĐVthi đấu quốc tế ở các giải châu Á và thế giới để nâng cao trình độ trước khi lên đường làm nhiệm vụ", ông Nguyễn Hồng Minh cho biết.
Trong kế hoạch tham dự đại hội, Cục TDTT đã phối hợp với Hiệp hội Paralympic Việt Nam, cùng với các đơn vị có liên quan chuẩn bị chi tiết từng hạng mục công việc, từ kinh phí, kế hoạch di chuyển, lịch trình tập luyện và thi đấu, cho đến công tác tiền trạm về nơi ăn ở, nhập cảnh và vận động tài trợ, xây dựng quỹ khen thưởng kịp thời cho các VĐV giành thành tích xuất sắc.
Tin vui cho các tuyển thủ, để động viên, khích lệ toàn đoàn trước ngày lên đường đến Paris, lãnh đạo UBND TP.HCM đã vận động các nguồn xã hội hóa để treo thưởng cho VĐV. Theo đó, VĐV giành HCV Paralympic 2024 sẽ được thưởng 300 triệu đồng, 200 triệu đồng cho HCB và 100 triệu đồng cho HCĐ. Ngoài ra UBND TP.HCM cũng tặng 30 triệu đồng cho 4 HLV, 7 VĐV tham dự đại hội.
Dự kiến, đoàn tiền trạm (gồm Trưởng đoàn và 1 cán bộ) sẽ lên đường tới Paris vào ngày 20/8 nhằm làm việc và thống nhất với ban tổ chức Paralympic về các nội dung như đăng ký thẻ, lịch tập luyện,
thi đấu, chuẩn bị tham dự lễ khai, bế mạc, khám thương tật, thủ tục nhập làng. Đoàn chính thức gồm các thành viên còn lại hội quân tại TPHCM và lên đường vào ngày 23/8.
Chờ kỳ tích của Lê Văn Công
Theo ông Nguyễn Hồng Minh, với các VĐV người khuyết tật, điều quan trọng nhất là thi đấu nỗ lực hết sức, vượt qua chính mình, đồng thời, nỗ lực vươn lên, phấn đấu giành thành tích cao mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Đánh giá khách quan từ các cuộc thi đấu giành vé, lực lượng VĐV hiện tại của thể thao người khuyết tật Việt Nam có những khó khăn khi có những VĐV đã lớn tuổi như Châu Hoàng Tuyết Loan (49 tuổi), Đặng Thị Linh Phượng (41 tuổi), Lê Văn Công (40 tuổi), Nguyễn Bình An (39 tuổi)… Điều này đem tới những lo lắng về sức khỏe và thể lực khi phải tranh tài cùng với nhiều VĐV trẻ hơn, sung sức hơn và đã có thành tích tốt ở các cuộc thi đấu gần đây.
Kể cả với Lê Văn Công, người từng giành 1 HCV, 1 HCB ở 2 kỳ đại hội gần nhất vào năm 2016, 2021 và đang nắm giữ kỷ lục thế giới với thành tích 183,5kg ở hạng 49kg nam môn cử tạ hiện cũng đang trong tình trạng vừa tập luyện vừa điều trị chấn thương mãn tính ở bả vai. Tuy nhiên, với khát vọng vươn lên và khẳng định mình, Lê Văn Công vẫn nỗ lực tập luyện, duy trì thành tích và ở giải vô địch thế giới 2023, anh đã giành HCV với thành tích 176kg.
Trong mục tiêu đề ra trước giờ lên đường, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam phấn đấu giành huy chương, trong đó, môn cử tạ với Lê Văn Công và Nguyễn Bình An được coi là hi vọng lớn nhất. Ngoài thành tích ổn định, kinh nghiệm thi đấu quốc tế dày dặn, 2 lực sỹ này cũng sở hữu thành tích ở nhóm VĐV có thể cạnh tranh thứ hạng cao. Đặc biệt, nếu Lê Văn Công giành được huy chương, lực sỹ sinh năm 1984 sẽ lập nên kỳ tích 3 lần giành huy chương ở 3 kỳ Paralympic liên tiếp.
Trong lịch sử tham dự Paralympic, Đoàn Thể thao người khuyết tật Việt Nam đã từng giành được 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ ở môn cử tạ (1, 1, 1), bơi (1 HCB) và điền kinh (1 HCĐ) vào năm 2016 và 2021. Cho đến lúc này, Lê Văn Công cũng là VĐV Việt Nam duy nhất giành được HCV tại Paralympic.
Paralympic Paris 2024 - Ngày hội thể thao của người khuyết tật
Paralympic 2024 diễn ra tại Paris, Pháp từ ngày 20/8 đến ngày 9/9, với chương trình thi đấu gồm 22 môn và 549 nội dung với sự góp mặt của 4.400 VĐV thể thao người khuyết tật đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Lần đầu tiên, lễ khai mạc Paralympic sẽ được tổ chức bên ngoài sân vận động. Các đoàn sẽ diễu hành qua Đại lộ Champs-Elysees và dự kiến có 65.000 khán giả sẽ được chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này.
Đặc biệt, một số môn thể thao của Paralympic được tổ chức tại những địa danh, những công trình kiến trúc vốn đã trở thành biểu tượng của nước Pháp hứa hẹn mang đến nhiều ấn tượng. Ví dụ như
những trận bóng đá dành cho người mù dưới Tháp Eiffel, cưỡi ngựa trong khu vườn Versailles hay thi đấu đấu kiếm và taekwondo tại Grand Palais.
Tất cả nhằm nhấn mạnh cam kết của thành phố chủ nhà về khả năng tiếp cận và tính toàn diện. Hơn 125 triệu euro đã chi cho các sáng kiến mang lại lợi ích cho cả người dân địa phương và hàng triệu khách du lịch đến thăm thủ đô của Pháp mỗi năm và khẳng định khả năng tiếp cận và hòa nhập của Paris mạnh mẽ hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử.
Paralympic Paris 2024 cũng được kỳ vọng tạo nên sự tác động mạnh mẽ khi được phát sóng trên gần 170 kênh truyền hình quốc gia, tiếp cận lượng khán giả tích lũy khoảng 4,2 tỷ người.