Thể thao Việt Nam khó hoàn thành mục tiêu 12 đến 15 suất dự Olympic 2024
Thể thao Việt Nam (TTVN) đặt mục tiêu giành từ 12 đến 15 suất dự Olympic 2024 nhưng để hoàn thành nhiệm vụ này là không dễ dàng nếu nhìn từ sự cạnh tranh ở các cuộc thi đấu gần đây.
Hy vọng giành vé dự Olympic 2024 của TTVN đặt trên vai 63 VĐV ở 14 môn trọng điểm gồm: Bơi, điền kinh, cầu lông, xe đạp, bắn súng, bắn cung, bóng bàn, quyền Anh, taekwondo, judo, cử tạ, canoeing, rowing, TDDC.
Ngoại trừ 4 VĐV đã giành vé, cơ hội cạnh tranh vẫn còn ở cả 14 môn, song thử thách không nhỏ là sự cạnh tranh quyết liệt trong hành trình tìm kiếm suất tham dự. Các tuyển thủ Việt Nam phải cạnh tranh với những đối thủ ở một giải đấu có quy mô thế giới chứ không chỉ riêng châu Á.
Với 4 suất dự Olympic đã giành được của Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Trịnh Thu Vinh và Lê Thị Mộng Tuyền (bắn súng) đến thời điểm hiện tại, TTVN coi như mới hoàn thành được hơn 30% so với chỉ tiêu tối thiểu giành vé dự Olympic 2024.
Con số này phản ánh những khó khăn cũng như khả năng cạnh tranh còn hạn chế của TTVN trong bối cảnh, thể thức tuyển chọn lực lượng dự Thế vận hội ở nhiều môn có sự thay đổi theo hướng nâng cao về độ khó.
Đối với nhóm môn cơ bản gồm điền kinh và bơi, chuẩn thành tích dự Olympic 2024 được nâng lên đáng kể so với kỳ đại hội trước. Ví dụ như ở nội dung 1.500m nữ môn điền kinh, chuẩn thành tích dự Olympic là 4 phút 2 giây 50, cao hơn rất nhiều so với kỳ trước là 4 phút 4 giây 20.
Nhìn từ cuộc thi đấu tại ASIAD 19 vừa qua, Winfred Yavi (Bahrain) người từng giành tấm HCV với thành tích 4 phút 11 giây 65 cũng chưa thể giành vé tới Paris. Hoặc thống kê ở môn bơi, chuẩn tham dự Olympic 2024 ở 12/14 nội dung cá nhân của nam đều được nâng lên.
Ở nhóm môn tích điểm như cầu lông, cử tạ, judo, taekwondo để có thể giành vé qua bảng xếp hạng dự Olympic 2024, đòi hỏi các VĐV cần tham dự và có thành tích ổn định ở các giải đấu trong hệ thống để nằm trong danh sách được trao vé chính thức.
Trong số này, những gương mặt sáng giá nhất gồm có Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Trịnh Văn Vinh (cử tạ). Số còn lại, đều phải chờ đợi kết quả sau khi toàn bộ các giải tuyển chọn khép lại dự kiến vào cuối tháng 4/2024.
Ở nhóm môn bắn súng, bắn cung, bóng bàn, quyền Anh, canoeing, rowing, TDDC để có vé dự Olympic 2024, các tuyển thủ Việt Nam cần tạo sự đột phá về thành tích trong thi đấu ở một giải tuyển chọn cụ thể.
Ví dụ như môn TDDC với Cúp Thế giới vừa diễn ra tại Đức, chỉ các VĐV nằm trong Top 2 VĐV dẫn đầu nội dung đơn mới được trao vé. Hay như tại vòng loại thứ nhất Olympic 2024 môn quyền Anh chuẩn bị diễn ra tại Italia, chỉ có 21 tấm vé tới Paris được trao ở 6 hạng cân của nữ trên tổng số 233 võ sĩ đăng ký tham dự.
TTVN đang bước vào đợt cao điểm của hành trình tìm kiếm vé dự Olympic 2024 với hàng loạt chuyến xuất ngoại của những gương mặt xuất sắc nhất ở 14 môn. Dù vậy, yếu tố quyết định tới khả năng thành công vẫn là sự đột phá về thành tích chuyên môn trong các cuộc thi đấu dưới mọi hình thức, đối kháng loại trực tiếp hay đạt chuẩn tham dự.
Mức độ thành công của chiến dịch săn vé dự Olympic cũng sẽ bộc lộ khả năng giành huy chương ở Thế vận hội của TTVN là cao hay thấp, hoặc của gương mặt ở môn thể thao cụ thể nào.
Từ ngày 1/2/2024, 89 HLV và VĐV ở 14 môn trọng điểm (ngoại trừ 2 VĐV bóng bàn tập trung từ ngày 22/2) tham dự chiến dịch vòng loại Oympic 2024 hiện đang tập huấn ở các Trung tâm HLTTQG được hưởng chế độ dinh dưỡng đặc thù 640.000 đồng/người/ngày (gấp đôi so với mức bình thường là 320.000 đồng/người/ngày).
Đây là 1 trong những động thái cho thấy ngành thể thao đang tập trung nguồn lực cho việc hoàn thành mục tiêu giành từ 12 đến 15 vé dự Olympic 2024.
Dù vậy, khả năng thành công vẫn để ngỏ khi mức độ cạnh tranh quyết liệt hơn và mặt bằng trình độ của thể thao thế giới ngày một nâng cao.