Thể thao Việt Nam: Đường tới Rio 2016 còn xa
(Thethaovanhoa.vn) - Qua đúng 1 chu kỳ 4 năm, TTVN đang hướng tới Olympic 2016. Nhưng mục tiêu có 15 suất chính thức, giành 1-2 huy chương mà ngành thể thao đặt ra có nguy cơ bất thành nếu nhìn vào thế, lực cũng như sự chuẩn bị hiện tại.
- Taekwondo Việt Nam tìm vé dự Olympic Rio 2016
- Tuyển nữ Việt Nam dự vòng loại thứ 2 Olympic Rio 2016: Chỉ một lựa chọn
- Tuyển nữ Việt Nam tăng tốc cho vòng loại Olympic Rio 2016
8 lần phó hội &2 tấm huy chương mỏng manh
Tái hội nhập từ 1980, chỉ vắng mặt ở Olympic kế tiếp, đến nay, TTVN đã trải qua 8 lần dự tranh Đại hội thế thao lớn nhất hành tinh. Trong đó, có tới 4 kỳ, Việt Nam chỉ phó hội theo đúng nghĩa góp mặt đặt tên với một số suất đặc cách cho những nền thể thao kém phát triển, chủ yếu ở hai môn bơi, điền kinh. Bản thân các tuyển thủ cũng chỉ thi đấu để vượt lên chính mình mà cũng khó.
Tình thế chỉ bắt đầu thay đổi khi taekwondo, môn mà Việt Nam sớm đầu tư phát triển, có thành tích tầm châu Á, được đưa vào chương trình chính thức của Olympic 2000. Và chính môn này đã tạo nên cột mốc lịch sử với tấm HCB quý hơn Vàng ròng của võ sỹ nhỏ bé Trần Hiếu Ngân. Chính kỳ tích đầy gian nan và phần nào đó đã may mắn đó đã tạo ra một cú “hích” cho cả một nền thể thao.
Với đấu trường Olympic, ngành thể thao đã có sự tự tin, nhận thức cần thiết để bắt đầu nghĩ đến việc tiếp cận và từng bước vươn ra biển lớn. Nhờ thế, số môn, số lượng tuyển thủ giành quyền tham dự Olympic dần tăng lên. Một số nội dung của bắn súng, taekwondo và đặc biệt cử tạ đã áp sát trình độ hàng đầu thế giới. Nhờ thế, đến Olympic Bắc Kinh 2008, Việt Nam đã lần thứ 2 có thêm 1 tấm huy chương, HCB rất đẳng cấp và xứng đáng của đô cử hạng 56kg Hoàng Anh Tuấn.
Nếu nhìn lại cả hành trình, kỳ Olympic 2012 với 18 gương mặt của 11 môn vượt qua vòng loại, cùng tấm HCB ở một môn cơ bản, truyền thống như cử tạ, chính là 2 “đỉnh cao” của TTVN. Rõ ràng Việt Nam đã có sự tiến bộ tích cực. Tuy nhiên, qua hơn 2 thập kỷ chỉ với mười mấy đại diện mỗi lần cùng 2 tấm huy chương mỏng manh, có thể thấy, Việt Nam vẫn đang tụt hậu, nhất là so với đòi hỏi, tiềm lực của một đất nước 90 triệu dân, cùng bước tiến mạnh mẽ của thể thao quốc tế hiện tại.
Ánh Viên là một trong 3 VĐV Việt Nam đã giành quyền dự Olympic Rio 2016. Ảnh: Quốc Khánh
Mỏi mòn đếm chờ từng suất Olympic
Xét về mặt nền tảng, có thể coi Olympic 2012 là lần phó hội thành công nhất của TTVN, với 18 suất chính thức của 11 môn, cùng 2 thành tích hạng 4 của cử tạ và bắn súng. Đó là cơ sở để ngành thể thao xác lập mục tiêu có 15-20 suất tới Brazil vào sang năm, và phấn đấu đoạt 1-2 huy chương.
Thế nhưng, đến thời điểm Olympic 2016 chỉ còn đúng 9 tháng, các nhà quản lý huấn luyện đang phải đối mặt với một sự thật là con số 15-20 suất có nguy cơ bất thành cực cao. Ngay cả việc hoàn thành mức tối thiểu là 15 suất cũng đã trở nên vô cùng khó khăn. Hiện tại, Việt Nam mới chỉ có đúng 3 tuyển thủ chắc chắn được tranh tài tại Đại hội, với Ánh Viên(bơi) và Xuân Vinh, Quốc Cường (bắn súng). Chỉ trong một thời gian ngắn, giới chuyên môn cùng người hâm mộ đã liên tục phải đón nhận những tin xấu dội từ “đỉnh” Olympic.
Kỷ lục gia điền kinh Nguyễn Thị Huyền, người đoạt 2 chuẩn Olympic tại SEA Games 28 coi như đã hết cơ hội. Cả 2 chuẩn của chị đang ở cách xa danh sách các VĐV được chọn cho nội dung 400m và 400m rào, trong khi chân chạy quê Nam Định gần như không thể nâng cao được thành tích do đang ở một tình trạng thể lực, phong độ tồi tệ.
Hai niềm hy vọng ở môn thể dục dụng cụ Phan Thị Hà Thanh và Phạm Phước Hưng vừa thảm bại tại giải VĐQG, chỉ còn trông mong vào cánh cửa hẹp tại giải Tiền Olympic vào tháng 4 sang năm cho một suất vớt. Đô vật số 1 Nguyễn Thị Lụa, kiếm thủ từng đoạt HCĐ châu Á Nguyễn Tiến Nhật hay võ sỹ boxing chủ lực Lừu Thị Duyên đều thua trắng tại các giải đấu loại, với khoảng cách rất xa các đối thủ đã đoạt suất.
Trên lý thuyết, TTVN vẫn còn có khả năng kiếm vé Olympic ở 13 môn. Chỉ có điều, thực tế, ngoại trừ 3 suất trong tầm tay của cử tạ, suất thuộc diện chắc chắn của Tiến Minh (cầu lông), Văn Ngọc Tú (judo) hay cơ hội “thoát hiểm” cao của Hà Thanh, những gương mặt còn lại đều dừng ở mức 50-50. Phải có sự xuất thần trong các cuộc đấu loại cụ thể trực tiếp và có may mắn, họ mới có thể thành công.
Như các chuyên gia nhẩm tính, có lẽ TTVN sẽ phải chấp nhận thực tế tối đa chỉ có 10-12 tuyển thủ của 7-8 môn vượt qua vòng loại, cộng thêm một vài vé đặc cách hay xét vớt. Có nghĩa là, sau 1 chu kỳ 4 năm, “cường quốc SEA Games” Việt Nam thua xa chính mình khi bước lên đỉnh Olympic.
Trình độ yếu, năng lực chuẩn bị còn… tệ hơn
Thẳng thắn nhìn nhận, TTVN vẫn đang ở một trình độ yếu so với mặt bằng chung thể thao thế giới. Hàng loạt hảo thủ từng làm mưa làm gió ở SEA Games hay kể cả đoạt huy chương ASIAD cũng chẳng có bất cứ “cửa” gì để đến được Olympic. Thực chất, chỉ có hơn 1 bàn tay số tuyển thủ đạt tới đẳng cấp đủ để tranh chấp sòng phẳng và xứng đáng vượt qua vòng loại Olympic.
Nếu nhìn xa hơn với đích nhắm 1-2 huy chương Olympic lại càng thấy rõ thực trạng. Cả một nền thể thao đang “đặt cửa” vào đô cử Thạch Kim Tuấn vừa hồi phục chấn thương, và chưa thể biết có kịp lấy lại sự sung mãn nhất của mình. Đó là “mũi nhọn” duy nhất, và nếu đạt tới tầm mức cao nhất, Tuấn đủ sức mang về 1 tấm huy chương, kể cả Vàng.
Tuy nhiên, giờ thì ngành thể thao đang lo sốt vó với diễn biến khó lường từ cái lưng và cái đầu gối đang trong giai đoạn hồi phục sau chấn thương của Tuấn. Tụt lại xa phía sau Tuấn, mới lại thấy một xạ thủ Xuân Vinh từng đoạt HCV, phá cả kỷ lục thế giới tại World Cup song luôn đánh mất mình ở các cuộc đấu quan trọng. Trước đây, Hà Thanh cũng từng được kỳ vọng nhưng với thể lực, phong độ sa sút gắn với chấn thương dai dẳng, ngôi sao thể dục dụng cụ này coi như đã chấm hết mọi hy vọng tạo đột biến, dù có thể vẫn giành vé vớt.
Trình độ vốn đã yếu của TTVN rất tiếc đã không được bù lại bởi quyết tâm, nỗ lực cao độ trong chuẩn bị lực lượng như đáng ra phải thế. Ngành thể thao dự trù một khoản kinh phí lên tới 40 tỷ đồng cho Olympic nhưng nó chắc chắn đã không mang lại hiệu quả, và không thể kịp làm được gì đáng kể, với cách thức tiếp cận, tập huấn, thi đấu “ăn đong thời vụ” giống hệt như SEA Games.
TTVN không coi Olympic như một chiến dịch bài bản, dài hạn, ít nhất cũng phải có quỹ thời gian 2 năm, với các giải pháp đột phá. Còn các môn, từ các nhà quản lý, huấn luyện viên cho đến chính các VĐV gánh vác nhiệm vụ, cũng coi việc đoạt suất hay tranh tài ở Olympic cũng là chuyện được chăng hay chớ. Điển hình như môn số 1 điền kinh mới đoạt 11 HCV SEA Games 28 vẫn chưa hề có một kế hoạch đầu tư đào tạo, hay tham gia đấu loại để tranh suất Olympic. Nói lo hơn là thế.
Tường Nhi
Thể thao & Văn hóa cuối tuần