Thể thao Việt Nam chờ những công trình ASIAD
Trong Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 mà Chính phủ đã phê duyệt, ở phần đầu tư cơ sở vật chất, có định hướng rất cụ thể đó là tăng số lượng cơ sở vật chất (CSVC) có đủ chất lượng để đăng cai ASIAD. Đây có thể xem là chỉ tiêu tham vọng cho nỗ lực vươn tầm của thể thao Việt Nam(TTVN), nhất là ở các kỳ ASIAD.
Giải vô địch bắn cung toàn quốc 2024 vừa kết thúc tại Vĩnh Phúc và thông tin về sự kiện này không nhiều. Một phần là do bắn cung chưa quá phổ biến tại Việt Nam, phần khác là do địa phương đăng cai cũng không có thành tích đặc biệt ở môn này. Đoàn Hà Nội vẫn mạnh nhất với 16 HCV, điều thú vị là các đoàn xếp kế tiếp được phân bổ khá rộng: Đứng nhì là Vĩnh Long, kế đến là Quảng Ninh và thứ 4 toàn đoàn là TP.HCM. Có thể thấy môn bắn cung đã và đang được đầu tư rộng.
Bắn cung cũng được xếp vào nhóm sẽ đầu tư trọng điểm vì đây là nội dung tiêu chuẩn của ASIAD và Olympic, cũng như đã dần quen thuộc tại SEA Games. Việt Nam vốn mạnh về bắn súng, nên bắn cung được chọn để đầu tư cũng không có gì lạ.
Tuy nhiên, cũng tương tự như bắn súng, môn này cũng cần có các trang thiết bị tập luyện hiện đại và trường bắn tiêu chuẩn. Nhưng ở giải vô địch quốc gia vừa qua, các VĐV thi đấu ở sân vận động không kín gió, các điều kiện thi đấu cũng không ở mức cao nhất đối với một môn mà chúng ta có thể tạo được đột phá trên trường quốc tế.
Tất nhiên là không chỉ có bắn cung mới ở hoàn cảnh như vậy. Ngay môn đã có vô số thành tích hàng đầu thế giới, châu lục như bắn súng mà cũng chỉ gần đây mới có trường bắn tiêu chuẩn Đông Nam Á. Câu chuyện về cơ sở vật chất của TTVN luôn… rất dài, càng kể thì càng trở nên… bất khả thi. Chính vì vậy, trong Chiến lược 2030-2045 có nhắc đến nội dung này, đó chính là hướng mở quan trọng cho các nhà quản lý thể thao.
Nói cách khác, để đạt đến tốp 15 ASIAD trong tương lai thì ngay từ bây giờ, phải có một nền thể thao ở đẳng cấp ASIAD từ VĐV đến cơ sở vật chất trong tập luyện, thi đấu. Chúng ta từng được chọn là nơi đăng cai ASIAD 2018, nhưng cũng vì chưa hội đủ các điều kiện khách quan nên giờ chót, phải chuyển cho Indonesia tổ chức thay. Nay, sau khi đã đăng cai 2 kỳ SEA Games (2003, 2021) thì việc tổ chức ASIAD gần như là một mục tiêu cần phải hoàn thành.
Để quay lại đến lượt có thể đăng cai, thì cũng phải gần 10 năm nữa. Câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian tới, TTVN sẽ có thêm công trình nào mới và hiện đại nữa không? Hỏi như vậy cũng có lý do. Cứ lấy trường hợp của Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc tại TP.HCM, sau gần 30 năm được quy hoạch thì mọi thứ vẫn như cũ. Mới đây, thành phố phải đưa dự án này ra để thuyết phục các nhà đầu tư, nhưng cũng chỉ là ở giai đoạn tiền khảo sát.
Để xây dựng một khu liên hợp như tại Rạch Chiếc là không hề đơn giản, thậm chí là có thể không hình thành nếu thành phố không có ngân sách đầu tư công. Phải chăng giải pháp khả thi nhất là nên quy hoạch các trung tâm theo từng môn thể thao ở các địa phương có tiềm năng, tránh tình trạng nơi nào cũng có nhà thi đấu, có sân vận động, có đường chạy… nhưng tất cả đều không ở tiêu chuẩn cao nhất. Kiểu như TP.HCM cũng có một sân Thống Nhất để thi đấu bóng đá, nhưng đến lúc tổ chức Đại hội TDTT thì lại phải sửa chữa lớn mới được.
Khi TTVN đã nói đến chuyện vươn tầm, đạt thành tích cao ở ASIAD, thì cũng phải tìm giải pháp để VĐV có thể tập luyện cùng những chuyên gia giỏi, được huấn luyện và thi đấu trong điều kiện vật chất hàng đầu, ở những công trình hiện đại.