Thể thao chuyên nghiệp và vấn đề xã hội hóa kinh phí: Tập làm quen là vừa
Cuộc gặp để giải quyết khúc mắc giữa nữ cơ thủ Nguyễn Hoàng Yến Nhi và lãnh đạo Liên đoàn Billiards Việt Nam (VBSF) rốt cục không đi đến đâu khi 2 bên đều giữ quan điểm riêng của mình.
Phía Yến Nhi vẫn cho rằng, VBSF phải có trách nhiệm trong việc để cô bỏ tiền túi tham dự World Cup 3 băng nữ thế giới hồi giữa tháng 9, nơi cô xuất sắc giành HCĐ. Phía VBSF thì cho rằng, trách nhiệm của họ là ra quyết định cử đoàn tham dự và …báo trước là "không có tiền hỗ trợ".
Như TT&VH đã từng đề cập, về lý không ai sai. Nhưng sau khi về nước, Yến Nhi có đăng trên trang cá nhân "than thở" về chuyện mình phải bỏ tiền túi, đồng thời "cáo buộc" VBSF thiếu trách nhiệm đối với VĐV mình quản lý, thế là "chuyện trong nhà" trở thành lùm xùm và gần như không có hướng giải quyết êm thấm. Ngay cả bây giờ VBSF tìm đâu ra nguồn tiền để hoàn trả chi phí cho Yến Nhi thì cũng không thay đổi được bản chất của câu chuyện.
Mọi chuyện sẽ đơn giản hơn nếu các bên liên quan thực hiện đúng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình từ đầu. Với VBSF, nếu không nắm rõ là có đủ kinh phí dự giải hay không thì tốt nhất là không ra quyết định cử VĐV đi thi đấu. Họ không có tiền, thì ít nhất cũng phải tìm hiểu là đơn vị chủ quản của VĐV có tiền hay không. Để VĐV tự bỏ tiền túi tham gia một giải đấu do mình cử đi, là không đúng. Với VĐV, cũng cần rạch ròi. Như trường hợp của Yến Nhi, ở 2 lần giải trước cô đều được cấp kinh phí dự giải, nên nếu lần này không có, thì cũng không nên bỏ tiền túi. Có như vậy, thì mới làm rõ được trách nhiệm của những đơn vị quản lý bộ môn.
Thực tế thì ở những môn thể thao có tính nhà nghề cao và có yếu tố cá nhân hóa nhiều như billiards, thì hiện có rất nhiều tổ chức quốc tế, nhiều sự kiện thi đấu đỉnh cao và về lý thuyết, chiến thắng ở giải quốc tế nào thì vinh dự cũng thuộc về thể thao Việt Nam. Chúng ta từng có 3 nhà vô địch ở 3 giải đấu thế giới khác nhau ở nội dung carom 3 băng nam đấy thôi. Đâu thể nói là ai xứng đáng hơn ai?!
Một thực tế khác, trong thế giới thể thao nhà nghề, các VĐV sẽ chủ động đăng ký làm thành viên của các tổ chức quốc tế, đóng lệ phí và được quyền tham gia các giải đấu của các tổ chức này nếu có thứ hạng cao. Gần như VĐV phải tự bỏ tiền túi, và khi chiến thắng thì tiền thưởng đương nhiên cũng không "chia sẻ" cho VBSF dù là thành viên của tổ chức này.
Mặc dù là tổ chức quản lý chính thức của billiards Việt Nam nhưng VBSF trên thực tế cũng chỉ có quyền hạn nhất định. Đơn cử như mới đây, một số VĐV do VBSF quản lý đã bị Liên đoàn Billiards thế giới và châu Á cấm tham gia một số giải đấu do họ quản lý và VBSF là thành viên, nhưng cũng các VĐV đó vẫn thi đấu ở các giải nhà nghề có tiền thưởng khác, cũng vẫn là cơ thủ đại diện cho Việt Nam.
Nên nhìn nhận một cách nhẹ nhàng thì sự việc của Nguyễn Hoàng Yến Nhi và VBSF vừa qua nên xem như "tai nạn" cho cả hai, cần tập làm quen với môi trường chuyên nghiệp đi là vừa. Nhiều môn như cầu lông, quần vợt, billiards, golf …các VĐV chuyên nghiệp chủ yếu thi đấu mang tính cá nhân nhiều hơn do số lượng giải nhà nghề tiền thưởng khá nhiều, trong khi các giải đấu mang yếu tố chính thức như World Cup (cần có quyết định cử đi từ cơ quan quản lý) thì ít hơn, một năm một lần.
Nên mới có chuyện là VĐV dự giải này thì phải bỏ giải khi khi lịch thi đấu trùng nhau. Vì thế nên các tổ chức như VBSF phải "lo" được chi phí thì mới cử VĐV đi, đó là trách nhiệm của họ. Còn VĐV, nếu phải bỏ tiền túi thì đó là tại các giải đấu ở tư cách cá nhân và việc đóng tiền lệ phí cho các tổ chức đó là nghĩa vụ tự nguyện.