Thế hệ kế cận gặt hái thành công rực rỡ trong các gia đình doanh nhân Việt: Khẳng định dấu ấn trên thương trường, đủ tâm, đủ tầm gánh vác cơ nghiệp lớn
Vượt qua áp lực từ sự thành công của bố mẹ, những doanh nhân thuộc thế hệ kế cận này đã nỗ lực từng bước chứng minh được tài năng, góp phần vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của doanh nghiệp gia đình mình.
1. Trần Hùng Huy - Chủ tịch HĐQT ACB
Ông Trần Hùng Huy sinh năm 1978, là con trai ông Trần Mộng Hùng - nhà sáng lập ACB. Ông Hùng Huy tốt nghiệp Thạc sĩ Quản trị kinh doanh vào năm 2002 tại Đại học Chapman (Mỹ) và theo học Tiến sĩ Quản trị Kinh doanh - Đại học Golden Gate (Mỹ).
Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ về nước, ông Hùng Huy tự nộp đơn thi tuyển làm nhân viên bán hàng ở ACB mà không nói với bố mẹ, chỉ đến khi được nhận mới thông báo. Làm ở ACB 3 năm, ông tiếp tục sang Mỹ du học, trở lại năm 2008 và nhận chức Chủ tịch năm 2012 khi mới 34 tuổi.
Trong số các ngân hàng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy là người đầu tiên kế nghiệp cha mình là và cũng là Chủ tịch HĐQT trẻ nhất trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam. “Chèo lái” ACB vượt qua giai đoạn khó khăn, ông Hùng Huy đã chứng minh được tài năng khi gánh trên vai trọng trách của một người kế nhiệm.
Trả lời câu hỏi "Nếu có người nói ACB là của gia đình ông Hùng, ông Huy nên mới có chức Chủ tịch HĐQT thì anh nghĩ gì?", ông Trần Hùng Huy chia sẻ: "Đầu tiên đó là sự tự hào. Ba là người sáng lập ACB, có ba thì mình mới có cơ hội lớn như vậy. Nhưng các việc sau đó thì phải tự mình làm chứ không ai làm thay được, mình phải làm được gì cho ngân hàng thì các cổ đông mới cho mình làm tiếp chứ (cười). Còn ACB vốn là một gia đình lớn cho mọi thành viên chứ không chỉ là gia đình của ông Hùng và ông Huy".
2. Đặng Hồng Anh - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín
Ông Đặng Hồng Anh sinh năm 1980, là con trai “vua mía đường” Đặng Văn Thành - Chủ tịch TTC Group, cựu Chủ tịch ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank. Doanh nhân này từng tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế Đại học Hùng Vương TPHCM. Ông Hồng Anh thu hút đông đảo sự chú ý khi tham gia “Thương vụ bạc tỷ” mùa 2 và là Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ Việt Nam từ năm 2018.
Sinh ra trong gia đình có bệ phóng vững chắc nhưng Shark Hồng Anh vẫn tự xây dựng sự nghiệp riêng từ rất sớm. Năm 18 tuổi, Đặng Hồng Anh tự mở một cửa hàng bánh canh với số vốn khởi đầu chỉ vỏn vẹn 5 triệu đồng sau lời “kích” của bố, tự mình thực hiện công việc của cả ông chủ và nhân viên.
Doanh nhân này từng có khoảng thời gian theo đuổi sự nghiệp vận động viên tennis chuyên nghiệp, sau đó giải nghệ và trở về tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình, giữ nhiều chức vụ quan trọng trong “đế chế” Thành Thành Công.
“Tôi may mắn, hạnh phúc có ba mẹ là những doanh nhân có đức hy sinh lớn. Vì sự phát triển của tập đoàn, chúng tôi được rèn giũa rất kỹ từ gia đình… Tôi không phủ nhận mình có điều kiện từ nhỏ về vật chất. Cơ hội trong sự nghiệp hơn những bạn cùng trang lứa nhưng áp lực phải gìn giữ và phát triển thành tựu của gia đình, để đóng góp cho xã hội cũng rất lớn”, Shark Hồng Anh chia sẻ.
Năm 2017, Đặng Hồng Anh thành lập Tập đoàn DHA - doanh nghiệp ‘tiên phong đầu tư tích hợp các lĩnh vực cốt lõi Y tế - Văn hóa - Thể thao - Bất động sản.
3. Đào Hữu Duy Anh - Tổng giám đốc CTCP Hoá chất Đức Giang
Ông Đào Hữu Duy Anh sinh năm 1988, con trai chủ tịch Hoá chất Đức Giang Đào Hữu Huyền. Ông tốt nghiệp thạc sỹ Hoá đại học Cambridge, Anh năm 2011. Trước khi đi du học, Chủ tịch Đào Hữu Huyền đã cho con trai Duy Anh làm công nhân xây dựng sau đó lên làm kỹ sư vận hành dây chuyền tại nhà máy. Về nước, Đào Hữu Duy Anh lại lên Lào Cai làm việc cho công ty gia đình từ vị trí trợ lý Tổng giám đốc và 2 năm sau làm Phó Tổng giám đốc công ty hoá chất ở tuổi 25.
Là “con nhà nòi”, Đào Hữu Duy Anh chia sẻ mình học được ở bố niềm đam mê với hóa chất và sự thận trọng trong kinh doanh. Bên cạnh đó, ông cũng tự mình học hỏi được nhiều điều trong suốt hơn zâ 10 năm ở Đức Giang, tham gia các dự án nhà máy hóa chất.
“Bố mẹ mình nói rằng, muốn làm giỏi, phải làm được những việc bé nhất. Thế nên mình làm trợ lý cho bố, rồi làm trong phòng nghiên cứu và phát triển (R&D), rồi phụ trách mảng xuất khẩu, rồi làm dự án mới với giá trị đầu tư 2.000 tỷ đồng. Phải tự tay chọn công nghệ, lựa chọn bên mua, tìm bên bán, mọi việc đều phải làm hết", ông Duy Anh chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn năm 2018.
Ông Đào Hữu Duy Anh chính thức giữ vai trò Tổng Giám đốc Hóa chất Đức Giang từ tháng 3/2020.
4. Đỗ Quang Vinh - Thành viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội SHB
Ông Đỗ Quang Vinh, sinh năm 1989, là con cả của ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) - Chủ tịch HĐQT SHB. Doanh nhân thế hệ 8x này có trình độ thạc sĩ tài chính - quản trị tại University of East Anglia (Vương quốc Anh). Ông nắm giữ nhiều vị trí tại SHB như Giám đốc khối ngân hàng số, Phó giám đốc khối ngân hàng bán lẻ, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng thành viên Công ty Tài chính SHB Finance.
Tháng 10/2021, Đỗ Quang Vinh được bổ nhiệm trở thành Phó Tổng Giám đốc của SHB. Tháng 4/2022, con cả bầu Hiển trúng cử vào HĐQT SHB. Ông Quang Vinh là một trong những lãnh đạo trẻ tuổi nhất trong ngành ngân hàng Việt Nam khi đảm nhận những vị trí quan trọng dù mới ngoài 30 tuổi.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2022, Đỗ Quang Vinh cho biết bản thân “có áp lực” khi là thế hệ kế cận trong một gia đình doanh nhân. "Bên cạnh kỳ vọng của gia đình thì còn áp lực từ ngoài xã hội, làm sao để sống đúng với truyền thống gia đình, văn hóa của gia đình, làm sao để cho mọi người nhìn thấy và nói rằng ‘À, ít nhất thì con của bầu Hiển cũng tài giỏi, cũng thông minh’ chứ không phải thất vọng về mình", Đỗ Quang Vinh chia sẻ.
5. Lê Đăng Khoa - CEO Công ty cổ phần phân bón Ba Lá Xanh
Ông Lê Đăng Khoa sinh năm 1983, là con trai doanh nhân Lê Quang Huấn. Shark Khoa từng du học ngành Tâm lý học tại Mỹ. Ông nổi tiếng với biệt danh "Soái ca khởi nghiệp" khi xuất hiện trong chương trình "Thương vụ bạc tỷ". Ông bắt đầu sự nghiệp với vị trí nhân viên kinh doanh trong chính công ty Công Ty cổ phần Phân bón Ba Lá Xanh của bố mình, sau 3 năm mới được cất nhắc lên vị trí giám đốc điều hành.
Ngoài việc điều hành công ty gia đình, Shark Khoa còn khởi nghiệp với nhiều dự án du lịch, bất động sản, dịch vụ. Để có được thành công như ngày hôm nay, Shark Khoa phải trải qua thất bại đầu đời với công ty bao bì chỉ sau 6 tháng khởi nghiệp.
Theo ông Lê Đăng Khoa, bố mẹ ông ban đầu không khuyến khích ông khởi nghiệp và không tin ông có thể điều hành nhiều công ty một lúc. Vậy nên con đường khởi nghiệp của ông cũng không nhận được sự giúp đỡ của phụ huynh, thêm vào đó là áp lực từ thành công của thế hệ đi trước.
Trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Trí thức trẻ, Shark Khoa bộc bạch: “Thế hệ thứ 2 của một gia đình phải chịu áp lực, đó là điều đương nhiên. Người ta có quyền hoài nghi, có quyền đặt câu hỏi về năng lực của mình. Nhưng thứ mình cần làm là phải xứng đáng với những lợi thế đó”.
(Tổng hợp)