Xây sân bay Long Thành: Lo hộ dân ‘nhảy dù’ và thành phố… nghĩa địa
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về nguồn vốn, thu hồi đất, đền bù và tái định cư cho dự án sân bay Long Thành trong phiên thảo luận sáng nay (13/11) về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
- Thông tin việc một cá nhân sở hữu 500.000 ha đất vùng quy hoạch sân bay Long Thành
- Năm 2025 sẽ hoàn thành, khai thác giai đoạn 1 sân bay Long Thành
- VIDEO: Nhà ga sân bay Long Thành sẽ mang hình bông sen cách điệu
Theo báo cáo khả thi dự án, diện tích đất dành cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha (diện tích xây dựng kết cấu hạ tầng cảng hàng không là 2.750ha; diện tích dành cho mục đích quốc phòng là 1.050ha; diện tích đất dành cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác khoảng 1.200ha); diện tích đất thu hồi để xây dựng 2 khu tái định cư (Lộc An-Bình Sơn và Bình Sơn) và khu nghĩa trang khoảng 585,1ha.
Thành phố sân bay hay nghĩa địa?
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lưu ý cần tính toán kỹ về quy hoạch các khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn, điều chỉnh lại quy mô các lô đất quy hoạch tái định cư với diện tích quá lớn từ 250-300m2 không phù hợp với điều kiện của người dân.
Đồng thời, ông Cường đề nghị Chính phủ sớm xúc tiến quy hoạch ngay một thành phố Long Thành song song với quy hoạch xây dựng sân bay Long Thành, việc làm này không chỉ mang lại nguồn thu mà còn giúp hình thành trung tâm phát triển hiện đại ở khu vực Đông Nam Bộ.
Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai, dự án sẽ quy hoạch một nghĩa trang 50,9ha tại xã Bình An, trong đó 20ha là phục vụ nghĩa trang nhân dân, còn lại là để cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hoa Viên Bình An để kinh doanh.
“Trong phạm vi cách thành phố lớn 40-70km hiện nay thì giá bán một m2 đất tại phần mộ cho người chết còn cao hơn cả đất xây dựng cho người sống. Với vị trí đắc địa như Long Thành, đặc biệt xã Bình An sẽ là trung tâm phát triển trong tương lai thì đất nghĩa trang có thể còn cao hơn nhiều so với đất đô thị, biệt thự hạng sang,” ông Cường nhấn mạnh.
Cần cân nhắc bài học kinh nghiệm từ nghĩa trang Văn Điển ở Hà Nội chưa đến 2ha nhưng đã và đang là vật cản rất lớn trong thu hút đầu tư xuống phía Nam Hà Nội, ông Cường bày tỏ lo ngại hậu quả tương lai lâu dài sẽ cản trở sự phát triển của các khu vực trung tâm Nam Bộ.
“Nếu quy hoạch và tầm nhìn dự án như vậy Long Thành rất khó trở thành thành phố sân bay mà rất có thể sẽ thành thành phố nghĩa trang,” ông Cường nói.
Đại biểu Nguyễn Công Hồng (đoàn Đồng Nai) cho rằng cần làm rõ mức bồi thường tối thiểu cho một hộ gia đình, việc hỗ trợ để mua được diện tích tái định cư tối thiểu.
“Chính phủ đã quy định suất tái định cư tối thiểu là 160 triệu đồng, tương đương 80m2 đất ở làm cơ sở để hỗ trợ cho các hộ gia đình, cá nhân trong vùng dự án nhận đất ở tái định cư mà số tiền được bồi thường về đất ở nhỏ hơn giá trị một suất tái định cư tối thiểu. Vậy, liệu đại đa số hộ được đền bù có đủ tiền mua suất tái định cư và phương án giải quyết như thế nào?,” ông Hồng đặt ra câu hỏi.
Đồng tình quan điểm này, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) khẳng định nhà tái định cư không nên để diện tích rộng bởi người dân chỉ để ở, không làm vườn ở đó trong khi khu đất này sẽ rất giá trị tương lai nên tính toán kỹ.
Thừa nhận dự án sẽ có nhiều hộ dân “nhảy dù” và phải bồi thường tái định cư cho cả hộ dân này, tuy nhiên đại biểu Nhưỡng lo sợ nhất là thu hồi xong người dân lại tái lấn chiếm và việc này rất khó giải quyết do đó cần có thêm phần xử lý nghiêm với việc lấn chiếm đất đai đã thu hồi.
Hai phương án vốn
Một vấn đề được đa số đại biểu tranh luận khi lựa chọn phương án trình Quốc hội là nguồn vốn bổ sung phần giải phóng mặt bằng, tái định cư sẽ được lấy từ đâu.
Theo đó, phương án 1 bố trí bổ sung 15.000 tỷ đồng trong số 80.000 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội và 2.938 tỷ đồng từ nguồn thu tiền sử dụng đất, giao đất tái định cư giai đoạn đầu; trường hợp không đủ thì bố trí từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020.
Phương án 2 ngân sách Trung ương bố trí bổ sung kinh phí 17.938 tỷ đồng từ nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 để thực hiện dự án.
Đồng tình với phương án 1, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra những khó khăn trong việc huy động nguồn vốn dự phòng bởi liên quan đến các địa phương, bộ ngành và phải có kế hoạch chi tiết giải trình, qua nhiều bước.
Đại biểu Phùng Đức Tiến (đoàn Hà Nam) cho biết, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cân đối bổ sung từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 để tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư đáp ứng tiến độ dự án. Tuy nhiên, theo quy định, nguồn vốn bổ sung dự phòng chỉ dùng khi thu ngân sách đảm bảo kế họach, trong khi đó thời gian này thu ngân sách đang gặp khó, thu chưa chắc đạt nên theo quy định thì không được sử dụng.
Khẳng định xây dựng sân bay Long Thành là yêu cầu bức thiết nhất là trong bối cảnh sân bay Tân Sơn Nhất đang ùn tắc và quá tải, theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Chính phủ lựa chọn phương án 2 và mong các đại biểu Quốc hội nghiên cứu thật kỹ và ủng hộ phương án này.
Về cơ chế, Bộ trưởng Thể cho biết đây là dự án tiền khả thi nên ông mong trong Nghị quyết của Quốc hội có 2 phần. Phần thứ nhất là cơ chế đặc thù, đây là thẩm quyền của Quốc hội. Có cơ chế đặc thù mà Chính phủ trình, việc đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện chế độ chính sách cho người dân mới nhanh và thỏa đáng.
“Bộ Giao thông Vận tải xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia, có quy mô rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều hộ dân nên sẽ rất thận trọng khi làm. Sau khi Quốc hội có ý kiến, Chính phủ phê duyệt, Bộ Giao thông cùng các bộ, ngành phối hợp với tỉnh Đồng Nai rà soát từng phần việc sẽ thực hiện, lên phương án triển khai sao cho công khai minh bạch,” Bộ trưởng Thể nói.
Theo Vietnam+