loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cần tiến hành kiểm tra mọi trường hợp nghi ngờ nhiễm COVID-19, coi đây là công tác hết sức quan trọng khi mà tính tới thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm và tử vong của thế giới đã cao hơn số trường hợp nhiễm và tử vong tại Trung Quốc đại lục.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, ngày 13/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định rằng châu Âu hiện là "trung tâm" của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 toàn cầu và cảnh báo không thể biết khi nào dịch bệnh sẽ bùng phát.
Phát biểu ngày 16/3 trong buổi họp báo trực tuyến từ trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố Geneva, Thụy Sỹ, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ "chúng ta không thể dập tắt đám cháy nếu bị bịt mắt".
Trong tuần vừa qua, WHO đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19 mới đã gia tăng nhanh chóng. Số ca vong trên toàn cầu cũng đã vượt quá 7.000 người. Các trường hợp nhiễm mới và tử vong được ghi nhận chủ yếu ở phần còn lại của thế giới, và con số này đã vượt quá Trung Quốc đại lục.
Trước việc số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong tuần qua, người đứng đầu WHO cũng cảnh báo rằng tổ chức này chưa nhận thấy phản ứng tương xứng trong khâu thử nghiệm, cách ly và xác định những người tiếp xúc với bệnh nhân. Ông nhấn mạnh đó là xương sống trong việc đối phó đại dịch.
Mặc dù đánh giá cao các biện pháp được một loạt chính phủ các nước đưa ra nhằm đối phó với đại dịch COVID-19 như đóng cửa trường học, nhà hàng, cấm tụ tập đông người, khuyến khích rửa tay... có thể giúp giảm hạn chế việc lây truyền dịch bệnh, song Tổng Giám đốc Ghebreyesus cho rằng điều đó là chưa đủ để dập tắt đại dịch này.
Theo ông, để cắt đứt việc lây lan, các nước cần phải kiểm tra những trường hợp nghi ngờ và tiến hành cách ly họ. Các nước sẽ không thể ngăn chặn đại dịch COVID-19 nếu không nắm được ai nhiễm bệnh.
Thông điệp đơn giản mà WHO gửi tới các nước là đặc biệt lưu ý khâu xét nghiệm, kểm tra tất cả các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Với những trường hợp dương tính với COVID-19 cần phải tiến hành cách ly tại các cơ sở y tế để ngăn ngừa việc lây truyền cũng như có thể chăm sóc đầy đủ cho họ. Nhà lãnh đạo WHO cũng lưu ý rằng những người dương tính với COVID-19 vẫn có thể lây nhiễm cho người khác sau khi họ đã có kết quả âm tính.
Do đó, các biện pháp cách ly vẫn nên tiếp tục ít nhất hai tuần sau khi bệnh nhân có kết quả âm tính. Ngoài ra, mọi người không nên suy nghĩ đại dịch COVID-19 chỉ ảnh hưởng đến người già. Đây là một đại dịch nghiêm trọng, mặc dù các bằng chứng cho thấy nhóm người trên 60 tuổi có nguy cơ tử vong cao nhất, song vẫn có các ca bệnh tử vong là trẻ nhỏ.
Hiện WHO đã chuyển gần 1,5 triệu bộ kit đến 120 nước. Trong bối cảnh hệ thống y tế nhiều nước quá tải, Tổng Giám đốc Ghebreyesus đề nghị ưu tiên các ca bệnh lớn tuổi, những người mắc bệnh nền và có triệu chứng nghiêm trọng, đồng thời đề nghị mọi người cần thể hiện tinh thần đoàn kết để cùng nhau ngăn chặn chặn đại dịch. Ông cũng kêu gọi mọi người cần kiềm chế việc tích trữ các mặt hàng thiết yếu, kể cả dược phẩm.
Kể từ khi bùng phát tại Trung Quốc đại lục vào cuối năm 2019, dịch COVID-19 đến nay đã lây nhiễm cho hơn 180.000 người và cướp đi sinh mạng của hơn 7.000 người tại hơn 158 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. So về số ca tử vong, các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19 là Trung Quốc đại lục với hơn 3.200 ca tử vong, Italy hơn 2.100 ca, Iran hơn 853 ca và Tây Ban Nha hơn 300 ca.
Thanh Hải/TTXVN
loading...