loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 22/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS- CoV-2 gây ra sẽ còn kéo dài, đồng thời nhận định hiện phần lớn các nước vẫn ở trong giai đoạn đầu ứng phó với dịch.
Ngày 21/4, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết tất cả những bằng chứng hiện có cho thấy khả năng virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bắt nguồn từ động vật tại Trung Quốc cuối năm ngoái.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến ngày 22/4 ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lưu ý một số nước tin rằng đã có thể kiểm soát dịch nhưng thực tế, số ca mắc bệnh tăng trở lại, trong khi đó dịch đang diễn biến mạnh lên một cách đáng lo ngại tại châu Phi và châu Mỹ. Theo ông, dịch bệnh đang thuyên giảm ổn định tại các quốc gia Tây Âu nhưng lại gia tăng tại các nước châu Phi, Trung và Nam Mỹ cũng như Đông Âu.
Ngoài ra, ông Ghebreyesus tái khẳng định WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào thời điểm phù hợp để các nước chuẩn bị và lên kế hoạch ứng phó. Ông tuyên bố: “Khi nhìn lại, tôi cho rằng chúng tôi đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp đúng thời điểm” vào ngày 30/1, đồng thời nhấn mạnh “thế giới đã có đủ thời gian để ứng phó”.
Hiện thế giới ghi nhận hơn 2,5 triệu người mắc COVID-19 và hơn 178.000 người tử vong kể từ khi căn bệnh này khởi phát tại Trung Quốc hồi tháng 12/2019. Tuần trước, Mỹ cho rằng WHO cảnh báo quá muộn và che đậy thông tin liên quan tới dịch bệnh, đồng thời quyết định tạm ngừng tài trợ cho tổ chức này. Ngày 22/4, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Mai Pôm-pê-ô) cho rằng Trung Quốc đã chậm trễ báo cáo tình huống dịch bệnh khẩn cấp có khả năng gia tăng lên quy mô quốc tế và WHO đã không phản ứng phù hợp trong trường hợp này.
Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Tedros nhấn mạnh WHO đã đã kích hoạt tình trạng khẩn cấp toàn cầu với dịch bệnh, mức cảnh báo chính thức cao nhất, vào ngày 30/1 khi bên ngoài Trung Quốc mới có 82 ca mắc bệnh và chưa có ca tử vong. Khi đó, châu Âu mới ghi nhận 10 ca trong khi châu Phi chưa có ca nào và WHO vẫn tin tưởng với các biện pháp phù hợp, chuỗi lây nhiễm sẽ bị chặn đứng.
Ông khẳng định đây không phải là quyết định mà mình ông có thể đưa ra mà phải dựa vào tham vấn các chuyên gia, đại diện từ tất cả các quốc gia trên thế giới. Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp WHO Michael Ryan (Mai-cơn Rai-ân) cũng giải thích về mặt kỹ thuật WHO tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hôm 30/1 là theo đúng luật pháp quốc tế, theo Các Quy định y tế quốc tế năm 2005, được thống nhất giữa các quốc gia thành viên WHO.
WHO kêu gọi Mỹ xem xét lại quyết định đóng băng quỹ tài trợ cho tổ chức này, đồng thời hy vọng Washington sẽ tiếp tục hỗ trợ cho công việc cứu mạng sống của người dân trên thế giới. Tổng Giám đốc Tedros khẳng định Mỹ là nhà tài trợ số một của WHO và tổ chức này đánh giá cao điều đó, hy vọng Mỹ tin tưởng đây là một khoản đầu tư quan trọng không chỉ giúp các quốc gia khác mà giúp chính nước Mỹ an toàn. Ông cũng khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực trên cương vị lãnh đạo WHO để thực hiện trách nhiệm và công việc thiêng liêng của mình là bảo vệ mạng sống cho mọi người.
Sau khi WHO chính thức công bố COVID-19 là đại dịch hôm 11/3 vừa qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội, hạn chế đi lại và tiếp xúc để ngăn chặn virus SARS-Cov-2 lây lan. Ông Tedros cho rằng các biện pháp này đã phát huy tác dụng tại nhiều quốc gia. Nhưng ông lưu ý, virus hiện vẫn còn nguy hiểm và những bằng chứng ban đầu chỉ ra hầu hết người dân trên thế giới vẫn đứng trước nguy cơ nhiễm virus, khiến dịch bệnh có thể dễ dàng tái bùng phát.
Nhà lãnh đạo WHO cũng lưu ý khi người dân ở các quốc gia trở nên chán nản với việc phải ở nhà trong nhiều tuần sẽ dẫn tới tâm lý tự mãn, một trong những thách thức mà ông cho là lớn nhất lúc này. Tổng Giám đốc Tedros cho rằng cuộc sống sẽ khó có thể bình thường trở lại như trước đây, mà sẽ là cuộc sống bình thường mới, an toàn hơn, khỏe mạnh hơn và chuẩn bị tốt hơn cho các tình huống dịch bệnh.
Ông nhấn mạnh các biện pháp y tế cộng đồng mà WHO đã xây dựng từ khi đại dịch bắt đầu tới nay phải là xương sống trong kế hoạch ứng phó ở mọi quốc gia: phát hiện, cách ly, xét nghiệm và điều trị tất cả các ca nhiễm và theo dấu cũng như cách ly theo dõi mọi đầu mối tiếp xúc với các ca này.
Lê Ánh/TTXVN
loading...