(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 4/5, Thẩm phán Argentina Sebastián Casanello đã yêu cầu Bahamas và Panama cung cấp thông tin liên quan tới các công ty do Tổng thống nước này, Mauricio Macri, làm Chủ tịch trong vụ Hồ sơ Panama.
Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, Thẩm phán Casanello nhấn mạnh việc điều tra này nhằm xác định ông Macri có góp cổ phần trong các công ty tài khoản ủy thác gồm Fleg Trading và Kagemusha có trụ sở tại hai "thiên đường thuế" nói trên hay không.
Phát biểu với báo giới cùng ngày tại Phủ Tổng thống, ông Macri khẳng định sẵn sàng hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ việc. Tổng thống Macri nhiều lần bác bỏ cáo buộc có liên quan tới các công ty nêu trên bởi khẳng định không có cổ phần trong các công ty gia đình này mặc dù giữ chức Chủ tịch.
Tổng thống Argentina Mauricio Macri sẽ bị điều tra
Tổng thống Macri đã không khai báo về các hoạt động của ông này trong 2 công ty trên tuy nhiên thừa nhận có sự liên quan bởi đây là công ty do bố ông sáng lập. Ông này cũng đã gửi các tài liệu đến văn phòng chống tham nhũng để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu tòa án xác thực kê khai tài sản của mình. Tổng thống Macri đã tuyên bố đưa toàn bộ tài sản của mình vào một quỹ tín thác độc lập trong thời gian giữ chức tổng thống - một biện pháp được đưa ra nhằm ngăn chặn tình trạng xung đột lợi ích và tạo sự minh bạch trong việc quản lý các lợi nhuận kinh doanh của ông.
Theo các kết quả điều tra 11,5 triệu tài liệu bị rò rỉ của Mossack Fonseca ở Panama, công ty luật này đã tạo ra một "thiên đường trốn thuế", qua đó giúp khoảng 140 chính trị gia, gồm cả 12 nhà lãnh đạo hoặc cựu lãnh đạo các nước, cùng những ngôi sao thể thao, trùm ma túy... trốn thuế. Đây được xem vụ rò rỉ dữ liệu lớn nhất từ trước tới nay và nó hé lộ danh tính cũng như bí mật của nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới có những tài sản khổng lồ ở nước ngoài.
* Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Thượng viện Uruguay đã thông qua việc thành lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ Hồ sơ Pamana. Thông cáo của Thượng viện Uruguay cho biết ủy ban này gồm 7 nghị sĩ sẽ có nhiệm vụ đưa ra các giải pháp phòng chống gian lận tài chính, trốn thuế và rửa tiền.
Cơ quan lập pháp Uruguay cũng nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc minh bạch hóa các hoạt động tài chính quốc tế bao gồm việc tiếp cận với thông tin mật của ngân hàng và xác định rõ danh tính các cổ đông của các công ty tài khoản ủy thác. Uruguay là một trong những quốc gia có nhiều công ty tài khoản ủy thác được thành lập nhất thông qua công ty luật Panama Mossack Fonseca.
TTXVN