A+ A A- Kiểu đọc sách

Vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Công nghệ trợ giúp quá trình phục dựng

10:09 18/04/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hình ảnh 3 chiều, thực tế ảo, in 3D, vật liệu mới... hay các công nghệ mới khác sẽ được huy động để trợ giúp quá trình phục dựng Nhà thờ Đức Bà Paris.   

CẬP NHẬT cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Kết luận ban đầu về nguyên nhân đám cháy

CẬP NHẬT cháy Nhà thờ Đức Bà Paris: Kết luận ban đầu về nguyên nhân đám cháy

Phóng viên TTXVN tại Paris đưa tin, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hủy bỏ buổi nói chuyện về chính sách trên truyền hình theo kế hoạch diễn ra vào tối 15/4 để tới hiện trường vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris. Phát biểu với người dân Pháp, ông Macron kêu gọi sự chung tay góp sức của tất cả các tài năng của đất nước nhằm xây dựng lại và phát triển di sản này.

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, hình ảnh kỹ thuật số sẽ đóng một vai trò quan trọng. Có nhiều hình ảnh chụp tòa nhà dưới dạng 3D, cho phép tái tạo mô hình 3D của Nhà thờ trên máy tính. Theo ông Christophe Lienard, Giám đốc sáng tạo của công ty công nghệ Bouygues SA, kỹ thuật được sử dụng, được gọi là đám mây điểm 3D, tạo điều kiện cho việc xác định các điểm yếu của công trình.    

Ông Fred Vacher, Giám đốc sáng tạo công ty Dassault Systèmes, cho biết việc mô hình hóa kiến trúc của khung mái Nhà thờ Đức Bà Paris có thể thực hiện theo công nghệ 3D. Các sa hình 3D được sử dụng trong quá trình chuẩn bị thực địa, theo ông Clément Moreau, giám đốc điều hành của Sculpteo, một công ty khởi nghiệp Pháp từng cung cấp nhiều sa hình như vậy trong quá trình tôn tạo di tích tôn giáo trên đảo Mont-Saint-Michel, miền Tây nước Pháp.    

Chú thích ảnh
Nhà thờ Đức Bà Paris bị hư hỏng sau vụ hỏa hoạn ngày 16/4/2019. Ảnh: THX/TTXVN

Kỹ thuật tạo hình 3D bao gồm việc đặt các lớp vật liệu liên tiếp để tạo ra một vật thể. Nó cũng được sử dụng để làm khuôn cho các lớp trang trí bằng thạch cao, vữa hoặc bê tông để sử dụng tạm thời, trong khi chờ đợi các nhà điêu khắc đá. Ngày nay về mặt kỹ thuật, chỉ trong vòng vài giờ có thể tạo hình 3D một máng xối, đặc điểm kiến trúc độc đáo của Nhà thờ Đức Bà.      

Một công nghệ trợ giúp khác là các robot đẽo gỗ. Chúng tạo ra các hình dạng phong phú và giúp các nhà điêu khắc tiết kiệm thời gian. Điều này sẽ đẩy nhanh việc phục dựng cho dù rất thiếu nhân lực. Những tiến bộ công nghệ cũng sẽ được áp dụng nhằm làm chậm quá trình bị đốt cháy của các cấu trúc bằng gỗ.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc lựa chọn vật liệu sẽ là một câu hỏi lớn. Liệu khung mái vòm mới vẫn được làm bằng gỗ hay sẽ được thay thế bằng vật liệu mới có sức bền tốt hơn?  Nhưng ngay cả với các phương pháp hiện đại, quá trình phục dựng vẫn mất nhiều thời gian. Vậy tại sao không sử dụng các chuyến thăm quan ảo? Targo là một trong những công ty cuối cùng đã tiếp cận phần mái Nhà thờ Đức Bà. Ông Victor Agulhon, người sáng lập và Giám đốc điều hành Targo, đã đề nghị được đóng góp thông qua sản phẩm công nghệ của mình. Theo ông, các chuyến thăm quan ảo có thể làm cho nhà thờ sống động như trước và kiểm tra tiến độ của công việc.    

Ubisoft, công ty số một của Pháp chuyên về trò chơi điện tử, sẵn sàng làm hết sức để giúp xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà. Trò chơi nổi tiếng Assassin Creed Unity của Ubisoft tái lập thành phố Paris vào thế kỷ 18, trong đó Nhà thờ Đức Bà là trung tâm của cuộc phiêu lưu sôi động. Hơn 10 triệu người chơi đã thực hiện nhiều chuyến thăm quan ảo trong Nhà thờ, thậm chí lên cả mái nhà và đỉnh tháp đã bị sụp đổ.    

May mắn là Nhà thờ Đức Bà đã là tâm điểm nghiên cứu của nhiều dự án trước đây. Công ty Targo đã dùng công nghệ chụp ảnh 3D và 360° các phần kiến trúc mà công chúng không được tiếp cận, như phần khung mái vòm bằng gỗ sồi. Tại Mỹ, Đại học Vassar có một cái nhìn 3D rất ấn tượng về nội thất của Nhà thờ Đức Bà, trong khuôn khổ một dự án nghiên cứu việc xây dựng nhà thờ. Công ty GE-A đã mô hình hóa gần như toàn bộ cấu trúc Nhà thờ Đức Bà, để phục vụ cho dự án cải tạo đang được tiến hành từ hơn một năm nay cho đến thời điểm xảy ra vụ cháy.    

Cho dù còn nhiều giới hạn do không thể bao quát toàn bộ Nhà thờ Đức Bà, nhưng các công ty công nghệ tin tưởng rằng cơ sở dữ liệu hiện có hoàn toàn có khả năng tái cấu trúc chính xác phần khung, mái và đỉnh tháp, góp phần phục dựng và tôn tạo công trình lịch sử mang tính biểu tượng của nước Pháp.   

Vụ cháy ở Nhà thờ Đức Bà Paris xảy ra tối 15/4 kéo dài tới 15 giờ đã làm sập ngọn tháp và thiêu rụi một phần mái của di tích lịch sử này. Hiện nguyên nhân gây cháy chưa được xác định nhưng truyền thông Pháp dẫn lời lực lượng cứu hỏa cho rằng hỏa hoạn "có thể liên quan tới" dự án tôn tạo trị giá 6,8 triệu USD phần tháp của nhà thờ với 250 tấn chì. Văn phòng công tố Paris đang điều tra vụ việc theo hướng tai nạn. Trong bài phát biểu với cả nước được phát sóng trên truyền hình ngày 16/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris trong vòng 5 năm.   

Giới chuyên gia cho rằng Nhà thờ Đức Bà Paris vẫn có thể được phục dựng mà không cần đến dữ liệu mô hình 3D. Tuy nhiên, công nghệ tạo hình bằng kỹ thuật laser đem lại độ chính xác cao hơn cho những bức ảnh và bản vẽ so với phương pháp đo bằng các dụng cụ thông thường. Dữ liệu này đặc biệt hữu ích khi phục dựng lại những phần kiến trúc phức tạp như phần mái vòm và ngọn tháp, từ đó giúp các thợ chế tác phục dựng lại y hệt kiến trúc đã bị hư hại.

Linh Hương – Nguyễn Hằng/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...