Virus SARS-CoV-2 và những điều cần biết về vaccine, sự suy giảm kháng thể và bộ nhớ hệ miễn dịch
(Thethaovanhoa.vn) - Nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trong bối cảnh vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Một số ý kiến cho rằng liệu có cần thiết phải tiêm mũi thứ ba sớm hay không khi mà bộ nhớ hệ miễn dịch vẫn hoạt động.
"Nhiệm vụ" của vaccine là "huấn luyện” cơ thể chống lại một mầm bệnh cụ thể bằng cách sử dụng một phần bất hoạt hoặc được giảm độc lực của virus mầm bệnh, hoặc một bản sao của virus đó, nhờ đó thúc đẩy sự phản ứng của hệ miễn dịch. Khi các kháng thể dần ngừng hoạt động, các tế bào bộ nhớ vẫn hoạt động và được kích hoạt ngay khi gặp mầm bệnh thực sự. Quá trình này được gọi là sự phản ứng trí nhớ.
Theo các chuyên gia vaccine, việc hệ miễn dịch suy giảm sau một thời gian tiêm vaccine là bình thường. Giáo sư về dược phẩm thuộc Đại học King's College London, bà Penny Ward, nhấn mạnh tất cả các phản ứng miễn dịch đều suy giảm theo thời gian và mức độ kháng thể mà các loại vaccine phòng COVID-19 sản sinh hay tế bào T cũng vậy. Tế bào T là một loại tế báo bộ nhớ có thể giúp kích hoạt phản ứng của các tế bào khác để chống chọi với mầm bệnh.
Theo Giáo sư Ward, một số quốc gia đã khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 cho nhóm nguy cơ cao như người già và những người bị suy giảm hệ miễn dịch bởi vaccine phòng COVID-19 không tạo ra phản ứng miễn dịch có chủ đích.
Những người cao tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch ở các mức độ khác nhau - do bệnh tật hoặc do điều trị ngoại sinh như ung thư - có thể không có phản ứng mạnh với liều tiêm chủng ban đầu và phản ứng miễn dịch ở những người này có thể sụt giảm nhanh hơn khiến họ có nguy cơ bị lây nhiễm cao hơn. Bà nhận định đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao, các mũi tăng cường có thể không tạo ra đủ miễn dịch.
Do vậy, những người này có thể được bảo vệ tốt hơn bằng cách sử dụng kháng thể đơn dòng. Hiện nay, AstraZeneca đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn cuối liệu pháp kháng thể đơn dòng trong điều trị và phòng ngừa COVID-19, sử dụng một liều duy nhất có thể giúp bảo vệ hệ miễn dịch trong vòng từ 6-12 tháng.
Các nghiên cứu về hệ miễn dịch trên khắp thế giới cho thấy mức độ kháng thể giảm dần ở những người tiêm các loại vaccine phòng COVID-19 khác nhau, bao gồm cả vaccine sử dụng công nghệ mRNA.
Bà Ward lưu ý rằng hiện các nhà khoa học trên thế giới vẫn chưa đi đến kết luận về mối tương quan về sự bảo vệ của vaccine hoặc mức tiêu chuẩn về phản ứng miễn dịch mà một loại vaccine sản sinh cung cấp sự bảo vệ đầy đủ cho cơ thể. Giáo sư đồng thời là nhà virus học Jin Dong-yan, thuộc Đại học Hong Kong, cho biết đối với virus SARS-CoV-2, chính kháng thể trung hòa chứ không phải là tế bào B, vốn sản sinh kháng thể, có mối liên hệ với sự bảo vệ. Ông cho rằng các tế bào T có thể có tác động đến sự bảo vệ giai đoạn cuối, làm giảm các ca bệnh nặng, song để bảo vệ một người tránh bị mắc COVID-19 trong trường hợp nghiêm trọng thì thực sự cần các kháng thể trung hòa.
- Vaccine AstraZeneca hiệu quả 74% trong ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm
- Pfizer và BioNTech xin cấp phép tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Sự suy giảm mức độ kháng thể sau khi tiêm vaccine hoặc mắc bệnh là bình thường trong nhiều tháng và nhiều năm sau, song điều này không có nghĩa là trí nhớ của hệ miễn dịch cũng suy giảm. Bà Ashley St John, Phó giáo sư tại Trường Y Duke-NUS, cho biết nếu cơ thể của một người đã tạo ra kháng thể trước đó thì nhiều khả năng cơ thể của họ có các tế bào B sống sót để nhanh chóng tạo ra kháng thể trở lại.
Theo Phó Giáo sư St John, hệ miễn dịch sẽ tạo ra phản ứng nhanh hơn nếu đã được tiếp nhận với vaccine trước đó. Điều này phù hợp với những trường hợp đã tiêm chủng song vẫn mắc COVID-19, bởi có thể lượng kháng thể ở những người này đã suy giảm theo thời gian, song vẫn tránh được nguy cơ bệnh trở nặng.
Thanh Hương/TTXVN