(Thethaovanhoa.vn) - Hiện các nhà sáng chế Nga đang tập trung nghiên cứu phát triển loại robot mới phục vụ trong quân đội có khả năng bảo vệ kho vũ khí hạt nhân của Nga cũng như yểm trợ chiến đấu. Thông tin mới nhất, Nga đang chào bán loại robot Uran-9 với sức mạnh vượt trội.
1. Robot tự động “Wolf-2”Những chú robot đang được phát triển cho Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) sẽ được nghiên cứu thêm để đảm đương nhiệm vụ bảo vệ các hệ thống tên lửa như Topol-M và Yars - những thành phần chủ chốt trong RVSN. Thậm chí những chú robot này sẽ được thiết kế để có thể điều khiển phóng tên lửa trong tương lai, nhưng hiện tại các nghiên cứu khoa học đang tập trung phát triển các điều kiện cần thiết để chế tạo một “lính gác thực thụ” bảo vệ kho
vũ khí hạt nhân của quân đội Nga.
Chỉ huy RVSN tướng Sergei Karakayev cho biết hệ thống robot mới có thể cung cấp giải pháp giải quyết nhiều thách thức phức tạp trong tương lai, từ hoạt động do thám các khu vực triển khai đơn vị phòng không cho đến yểm trợ binh lính.
Hiện việc phát triển và thử nghiệm đang được tích cực nghiên cứu trên hệ thống robot tự động “Wolf-2” của RVSN. Được đặt trên tháp canh phía dưới có gắn 2 bánh xích, chú robot này thực sự là một chiến binh đa năng, uy lực, có thể thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu từ việc tuần tra, do thám khu vực được lập trình, cho đến canh giữ bảo vệ các mục tiêu quan trọng và phối hợp yểm trợ tác chiến.
“Răng” của những chú robot Wolf thực chất là những khẩu AK 47 và súng máy hạng nặng Kord và Utes. Thế mạnh chính của Wolf-2 là khả năng có thể vừa nhả đạn và vừa di chuyển đạt vận tốc 32 km/h. Tuy nhiên yếu điểm của chúng là tầm nhìn hạn chế, đặc biệt là không thể sử dụng trong đêm tối. Bên cạnh đó, robot Wolf được trang bị bộ thu ảnh cảm ứng nhiệt, máy định tầm laser và thiết bị con quay hồi chuyển để có thể phóng hỏa trúng mục tiêu.
Ngoài ra, tướng Karakayev nhấn mạnh không loại trừ khă năng sẽ sử dụng robot từ các đơn vị chiến đấu khác. Như robot Platform-M, với kích thước nhỏ hơn nhưng có thể triển khai các tính năng giống như Wolf-2. Cỗ máy này được trang bị lựu đạn, súng máy Malysh và tham gia chiến đấu mà không cần liên lạc.
Xem robot tự động Nga tham gia buổi tập chiến thuật:
2. Nhóm robot chiến đấu của công ty OPK
Công ty sản xuất vũ khí quốc phòng Nga - nơi cho ra đời thế hệ xe tăng quân sự hiện đại Armata T-14 – đang chuẩn bị kế hoạch xây dựng một đội quân robot tự động chiến đấu hùng mạnh sẽ ra mắt trong hai năm tới.
Công ty Uralvagonzavod hiện đang bắt tay vào dự án phát triển loại trí thông minh nhân tạo này. Phó Tổng giám đốc ông Vyacheslav Khalitov cho biết “chúng tôi dự sẽ cho ra mắt đội hình này trong 2 năm tới.
Hiện xe tăng Armata đang cần 3 chiến sĩ ở trong để giúp vận hành thực thi các nhiệm vụ chiến đấu. Nhưng với đội ngũ robot mới, số lượng người thật có thể giảm xuống còn 1 và thậm chí không cần người”.
Bên cạnh đó, Công ty chế tạo thiết bị thống nhất (OPK) của Nga cũng đã cho chạy thử thành công một phần mềm có thể thay con người đưa ra quyết định và tiến hành thực hiện. Phần mềm này cho phép những chú robot chiến trường có đủ “trí thông minh nhân tạo” tự mình thực hiện những nhiệm vụ phức tạp.
Buổi tập thử của công ty OPK bao gồm một nhóm có 10 chú robot được gắn phần mềm phân chia vai trò rõ ràng, trong đó có robot “chỉ huy” phụ trách phân chia nhiệm vụ cho các thành viên trong đội.
Nhóm robot đó có thể định vụ được mục tiêu, chọn vụ trí tấn công trên chiến trận, nhận lệnh tấn công từ cơ sở chỉ huy do con người vận hành và tiêu diệt mục tiêu. Chúng cũng có khả năng liên lạc với những con robot khác và tự động yêu cầu thay thế máy móc không còn khả năng sử dụng.
Xem buổi diễn tập của nhóm robot chiến đấu công ty OPK:
Phó giám đốc OPK Sergey Skokov vui mừng chia sẻ “Đây là một thành công lớn trong việc phát triển hệ thống trí thông minh nhân tạo. Hiện kỹ thuật này đã sẵn sàng có thể được lắp đặt vào trong những chú robot dân sự cũng như quân sự, bao gồm các máy bay không người lái. Hệ thống phần mềm này cũng đã được chính phủ cho phép tiến hành nghiên cứu”.
3. Robot chiến đấu Platform-M
Robot chiến đấu Platform-M của quân đội Nga với khả năng tuần tra và tấn công đã có màn trình diễn ấn tượng tại thành phố Sevastopol trên bán đảo Crimea.
Platform-M là loại robot điều khiển từ xa, được trang bị hệ thống phóng lựu đạn và súng trường. Theo nhà phát triển, Platform-M có thể được sử dụng để “thu thập tin tình báo, phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu cố định và di chuyển, hỗ trợ hỏa lực, tuần tra và bảo vệ các địa điểm quan trọng”.
Xem màn trình diễn của Platform-M:
Ngoài ra, “thiết bị này có các loại vũ khí có thể dẫn đường, có thể tiến hành các nhiệm vụ hỗ trợ cũng như phá hủy các mục tiêu trong các hệ thống kiểm soát tự động hoặc bán tự động”.
Thêm vào đó, Platform-M còn được trang bị sóng vô tuyến do thám và quang học điện tử, giúp chiến đấu trong đêm mà không bị phát hiện. Theo nhà sáng chế, Platform-M được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau.
Cuộc triển lãm ngày 20/7 với sự chứng kiến của hàng trăm người tại quê hương của Hạm đội Biển Đen còn có sự tham gia của nhiều loại vũ khí khác từ pháo đài phòng không và hệ thống tên lửa chống hạm đến súng bắn tỉa cũng như các loại súng hải quân.
4. Robot chiến trường thuộc họ Uran
Các hãng truyền thông Nga dẫn nguồn tin quân sự cho biết nước này đã thử nghiệm thành công robot chiến trường thuộc họ Uran tại trường bắn Rayevsky ở Novorossiysk hôm 14/5.
Robot chiến trường trên được trang bị súng máy và súng
phóng tên lửa chống tăng, đã trải qua cuộc thử nghiệm trên thực địa thành công, phá hủy hầu hết các mục tiêu định trước ở phạm vi rộng, bao gồm cả xa thiết giáp.
Trong các cuộc thử nghiệm trước, những robot chiến trường được vận hành riêng lẻ nhưng trong lần thử nghiệm này, những "chiến sĩ máy" điều khiển từ xa này được hoạt động trong một đơn vị. Cuộc tập trận bao gồm kiểm nghiệm kỹ thuật do thám và bắn thử tầm xa.
Cũng theo nguồn tin trên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov cùng các quan chức quân đội cấp cao khác đã theo dõi buổi thử nghiệm này.
Trong năm 2014, Bộ trưởng Quốc phòng Nga khẳng định lực lượng của quân sự nước này sẽ chú trọng phát triển hệ thống robot chiến trường điều khiển từ xa, theo đó đến năm 2025 những robot này sẽ thay thế 1/3 lượng vũ khí hạng nặng của Nga. Bộ quốc phòng Nga cũng dự định sẽ tiết lộ dự án robot chiến trường trong triển lãm vũ khí quân sự 2015 sẽ được tổ chức vào tháng 6 này.
Ngày 18/1 vừa qua, Nga tuyên bố đang "chào bán" robot Uran-9. Theo thông cáo báo chí của tập đoàn Rosoboronexport, "Uran-9" được thiết kế để trinh sát từ xa và yểm trợ hỏa lực, gồm hai robot trinh sát và yểm trợ hỏa lực, một máy kéo để vận chuyển và trạm điều khiển di động.
Vũ khí trang bị cho Uran-9 gồm pháo tự động cỡ nòng 30 mm, súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62 mm và tên lửa chống tăng dẫn đường "Ataka". Tuy nhiên, thành phần vũ khí có thể thay đổi tùy thuộc vào yêu cầu của khách hàng.
Xem clip hoạt động của robot Uran-9:
Theo baotintuc.vn